Đồng Nai:

Nhà ở ổn định bỗng dưng bị lập biên bản

(Dân trí) - Vừa qua, 4 hộ dân trú tại phường An Bình đã làm đơn gửi đến nhiều nơi, kêu cứu về việc nhà họ ở ổn định đã 6 năm nay, bỗng dưng chính quyền lập biên bản “vi phạm hành chính về ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng”.

Công văn của Văn phòng luật sư Trương Anh Tú gửi UBND TP. Biên Hòa
Công văn của Văn phòng luật sư Trương Anh Tú gửi UBND TP. Biên Hòa

Theo đơn của các hộ dân 4 hộ dân (gồm: Đỗ Quốc Thịnh, Phan Xuân Thức, Nguyễn Hữu Tuyển, Nguyễn Viết Tuấn, đều trú tại tổ 1, khu phố 11, phường An Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và tài liệu kèm theo: Từ năm 2006, do hoàn cảnh khó khăn về nơi ở nên các hộ đã xin địa phương và các đoàn thể cho cải tạo khu đất trũng, sâu, hoang hóa để làm nhà ở. Các hộ đã đổ hàng trăm xe đất, đá để tạo mặt bằng làm nhà và trồng cây xanh. Hàng tháng, họ vẫn đóng góp tiền cho khu phố và Hội Cựu Chiến binh.

Năm 2008, Chủ tịch UBND phường An Bình cho mắc điện đến các hộ dân. Từ đó, họ sinh sống ổn định, không có tranh chấp với ai. Bỗng dưng, ngày 29/8/2012, UBND phường An Bình lập biên bản về việc "vi phạm hành chính về ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng".

Ngày 4/9/2012, UBND thành phố Biên Hòa đã ban hành các quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với các hộ dân.

Bức xúc trước việc này, các hộ dân đã có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ. Ngày 8/10/2012, Thường trực Tiếp công dân Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2991/TDTW chuyển đơn của 4 hộ dân nêu trên đến UBND tỉnh Đồng Nai để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Được biết, những thửa đất tại khu phố 11 mà hiện nay 4 hộ dân đang sử dụng, trước đây là những khu đất bỏ hoang, cây cối rậm rạp. Nơi đây đã trở thành tụ điểm hoạt động tệ nạn xã hội, rất đông con nghiện thường xuyên vào để tiêm chích ma túy. Do vậy, UBND phường đã giao cho khu phố 11 cải tạo. Tuy nhiên, khu phố 11 lại giao cho Hội Cựu Chiến binh. Rồi Hội Cựu Chiến binh lại giao cho các hộ dân này sử dụng đất để thu phí. Các hộ dân đã tự bỏ kinh phí để cải tạo đất, vừa để làm nhà ở, mặt bằng kinh doanh, vừa góp phần chấm dứt các tệ nạn ở khu vực này, tạo môi trường sống và môi trường vệ sinh được tốt hơn.

Tuy nhiên, do các hộ dân này hoạt động kinh doanh trên khu đất nhưng không đăng ký kinh doanh và không nộp nghĩa vụ đất đai cho Nhà nước nên chính quyền mới thu hồi lại. Còn việc các hộ dân đã nộp tiền hàng tháng cho khu phố và Hội Cựu Chiến binh là không đúng quy định của pháp luật. Nếu các hộ muốn tiếp tục sử dụng đất thì phải làm đơn xin đăng ký hoạt động kinh doanh và đóng góp nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Khi đó, chính quyền sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp tục sử dụng đất mà không phải tháo dỡ những căn nhà đang ở.

 Trao đổi với Luật sư Mai Thị Thảo, Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), đơn vị tham gia bảo vệ quyền lợi cho những hộ dân nói trên, bà Thảo cho biết: “Mặc dù vừa tiếp nhận đơn yêu cầu mời luật sư của bà con nhưng chúng tôi nhận thấy việc cưỡng chế là chưa thoả đáng. Vì vậy, ngày 26/11/2012, chúng tôi đã có Công văn số 66/2012/CV-VPLS đề nghị UBND TP. Biên Hoà dừng việc cưỡng chế thi hành theo hai quyết định số 5363/QĐ-UBND của UBND TP. Biên Hòa ngày 24/09/2012 và quyết định số 6316/QĐ-CC ngày 07/11/2012, cưỡng chế thi hành quyết định 5363/QĐ-UBND. Thiết nghĩ UBND thành phố Biên Hoà nên xem xét sự việc một cách thấu tình đạt lý, nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa chính quyền với người dân”.

Ban Bạn đọc