Cà Mau:
Nguyên kế toán kêu oan, Viện kiểm sát ra cáo trạng lần thứ 10 quyết truy tố tội tham ô
(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Bị truy tố tham ô, nguyên kế toán Ủy ban thị trấn kêu oan” xảy ra tại huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau), trong khi bị cáo một mực kêu oan thì Viện kiểm sát vẫn quyết truy tố với việc tiếp tục ban hành bản cáo trạng lần thứ 10. Tuy nhiên, số tiền bị cáo buộc tham ô đã giảm hơn một nửa so với cáo trạng trước.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/8 và 6/9/2019 của TAND huyện Cái Nước, đại diện Viện KSND huyện Cái Nước nêu quan điểm cho rằng trong thời gian công tác, bị cáo Tống Thị Hiên (nguyên kế toán UBND thị trấn Cái Nước) đã lợi dụng chức trách công việc được giao, thông qua tạm ứng của các cá nhân, tổ chức lập chứng từ khống thanh toán để mưu lợi cho bản thân, tham ô tiền của ngân sách thị trấn Cái Nước.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Duy Sơn (Phó giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Thái Sơn, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu, người bào chữa cho bị cáo Hiên) cho rằng, trong toàn bộ hồ sơ vụ án không có bất kỳ thể hiện nào về việc bị cáo Hiên có lập chứng từ khống. Trong khi đó, khi luận tội, Viện kiểm sát cũng không đưa ra được chứng cứ cụ thể để chứng minh việc cáo buộc này.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị HĐXX cho rút lại toàn bộ hồ sơ và được HĐXX đồng ý, nhằm điều tra làm rõ các tình tiết chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Tống Thị Hiên.
Đến ngày 17/9/2019, Viện KSND huyện Cái Nước có cáo trạng số 47 (thay cáo trạng số 23 đã rút trước đó tại phiên tòa) lại tiếp tục truy tố bà Tống Thị Hiên tội "Tham ô tài sản". Bà Hiên cho biết, đây đã là cáo trạng lần thứ 10 kể từ khi bà bị khởi tố 6 năm trước.
Sau khi rút lại hồ sơ, hơn 10 ngày sau, Viện KSND huyện Cái Nước tiếp tục ban hành cáo trạng (số 47/CT-VKS, ngày 17/9/2019) do Viện trưởng Từ Thanh Thùy ký truy tố Tống Thị Hiên về tội “Tham ô tài sản”. Theo bà Hiên, đây đã là cáo trạng lần thứ 10 kể từ khi bà bị khởi tố vào tháng 9/2013 (6 năm về trước).
Điều đáng nói, cáo trạng số 47 vẫn căn cứ vào bản kết luận điều tra số 24 ngày 6/3/2019 của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Nước để truy tố bà Tống Thị Hiên. Trong khi đó, bản kết luận điều tra này trước đó đã bị bà Hiên khiếu nại.
Ngoài ra, cáo trạng số 47 thay cho cáo trạng số 23 ngày 23/4/2019 của Viện KSND huyện Cái Nước. Một điều rất đáng lưu ý là số tiền mà bà Hiên bị cáo buộc chiếm đoạt đã giảm hơn một nửa, từ hơn 150 triệu đồng (cáo trạng số 23) xuống chỉ còn trên 73 triệu đồng.
Bản cáo trạng số 47 có chỗ rất cẩu thả khi số tiền viết bằng chữ không liên quan gì với số tiền bằng số. Được biết, số tiền viết bằng chữ đã bê y nguyên trong cáo trạng số 23 ngày 23/4/2019.
Trong cáo trạng số 47, Viện kiểm sát cũng cho rằng, trong thời gian làm kế toán, lợi dụng sự lỏng lẻo trong việc quản lý tài chính ngân sách của lãnh đạo đơn vị và nhiệm vụ được giao, bà Tống Thị Hiên đã chiếm đoạt tiền ngân sách của UBND thị trấn Cái Nước.
Tuy nhiên, nội dung cáo trạng không thấy có chi tiết nào xác định bà Hiên có lập chứng từ khống hay không, dùng thủ đoạn gì để chiếm đoạt tiền,…; đối với khoản tiền hơn 89 triệu đồng, bà Hiên bị cáo buộc chiếm đoạt 18,3 triệu đồng cũng không xác định được là khoản tiền nào, bị chiếm đoạt thời gian nào,…
“Tôi không đồng ý với nội dung cáo trạng số 47 của Viện KSND huyện Cái Nước. Vì cáo trạng đã không xem xét sự việc một cách khách quan, toàn diện, bỏ qua rất nhiều chứng cứ để cáo buộc tội tôi tham ô. Trên thực tế thời gian tôi làm kế toán, thủ quỹ đến tháng 12/2003 tôi không tham ô bất cứ khoản tiền nào, cũng không làm thâm hụt quỹ tiền mặt của thị trấn Cái Nước trong giai đoạn này. Đề nghị các ngành chức năng xem xét làm rõ”, bà Tống Thị Hiên nêu ý kiến của mình khi nhận cáo trạng số 47 vào ngày 17/9/2019.
Dù nhận cáo trạng số 47, nhưng bà Tống Thị Hiên vẫn một mực khẳng định bà không tham ô tài sản như Viện kiểm sát huyện Cái Nước đã buộc tội trong cáo trạng.
Nêu quan điểm về bản cáo trạng số 47, luật sư Nguyễn Duy Sơn cho rằng, tại một khoản của Điều 85 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015, “khi điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội”, nhưng nội dung cáo trạng này cho thấy cơ quan tố tụng vẫn chưa có chứng cứ rõ ràng để buộc tội bà Tống Thị Hiên.
Theo luật sư, nội dung cáo trạng số 47 của Viện kiểm sát huyện Cái Nước vẫn chưa thấy có chứng cứ rõ ràng để chứng minh tội của bà Tống Thị Hiên như tại khoản 1, Điều 85 của BLTTHS 2015 (trong vòng màu tím).
Như Dân trí đã phản ánh, năm 2005, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) có quyết định thành lập Tổ thanh tra ngân sách thị trấn Cái Nước từ năm 2001 đến tháng 3/2005. Kết quả thanh tra UBND thị trấn Cái Nước bị thâm hụt tiền quỹ hàng trăm triệu động.
Sau đó, bà Tống Thị Hiên (làm kế toán UBND thị trấn Cái Nước từ tháng 9/2001 đến tháng 12/2003) bị cơ quan chức năng khởi tố tội “Tham ô tài sản” vào tháng 9/2013 và bị bắt tạm giam hơn 500 ngày (từ tháng 10/2013 đến giữa tháng 2/2015) thì được cho tại ngoại. Bà Hiên bị cáo buộc đã chiếm đoạt tiền ngân sách cả trăm triệu đồng.
Vụ án này đã trải qua rất nhiều lần điều tra, truy tố, xét xử. Ít nhất đã có 9 kết luận điều tra của cơ quan CSĐT Công an huyện Cái nước, 9 cáo trạng của Viện KSND huyện Cái nước, TAND huyện Cái Nước và TAND tỉnh Cà Mau cũng đã nhiều lần mở phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Trong đó, đã có 2 phiên phúc thẩm (năm 2016 và 2018) tuyên hủy án sơ thẩm vì chưa có cơ sở vững chắc để buộc tội bà Hiên.
Điều đáng nói, từ khi khởi tố đến khi ra các phiên tòa xét xử, bà Tống Thị Hiên đều một mực kêu oan, cho rằng trong quá trình công tác tại thị trấn Cái Nước, bà không tham ô hay chiếm dụng và cũng không làm thất thoát bất cứ khoản tiền nào của UBND thị trấn Cái Nước.
Với số tiền cáo buộc tham ô được cho là không quá lớn, nhưng vụ án này có thể được xem là một “kỳ án” tại tỉnh Cà Mau, đã kéo dài gần 15 năm kể từ khi UBND thị trấn Cái Nước phát hiện bị mất quỹ ngân sách và hơn 6 năm kể từ ngày khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Huỳnh Hải