Thái Bình - Bài 4:
Người lính hy sinh hơn 60 năm vẫn chưa được công nhận liệt sỹ: Thật xót xa!
(Dân trí) - “Sau sự việc này tôi đề nghị xem xét kỷ luật thật nặng những cán bộ nào để xảy ra tình trạng như trên, một việc rất rõ ràng như vậy mà 60 năm qua không công nhận liệt sỹ cho ông Hồng. Cách làm việc vô cảm, vô trách nhiệm, không có lương tâm của một số cán bộ đã làm ảnh hưởng đến chính sách thương binh liệt sỹ của Đảng và Nhà nước ta”, quan điểm của bạn đọc Dân trí.
“Vô cảm, máy móc, thiếu trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm”
“Vô cảm”, “thiếu trách nhiệm” là điều đầu tiên mà bạn đọc Dân trí phải thốt lên trong nội dung của hàng ngàn comment (ý kiến bạn đọc) gửi về báo sau khi theo dõi loạt bài viết mà báo Dân trí đã phản ánh: “Có một người lính đã anh dũng hy sinh vẫn chưa được công nhận liệt sỹ?”, bởi bức xúc trước cách làm việc của lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình với thân nhân và gia đình liệt sỹ.
Bạn đọc Vũ Trọng Văn: “Quê tôi đấy, 63 năm hết một kiếp người đi đòi công lý cho cha, cho người thân. Huân chương thì đề Tặng thưởng liệt sỹ vậy mà để lấy được cái bằng Tổ Quốc Ghi Công Liệt sỹ ấy hết 63 năm không lấy nổi. Thật đau xót cho một vùng quê "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Nghĩ mà buồn thay.
Bạn đọc với nickname Congaway: “Làm ăn thiếu trách nhiệm, hay là đang đòi bôi trơn? nếu không có Báo Dân trí viết bài thì sẽ ra sao nhỉ?”.
“Bà Hạnh khẳng định bà Hà đến sở 1 lần, sau lại cho rằng mới về phòng nên không rõ chị Hà đến bao lần! Không rõ sao khẳng định? Vô cảm! Họ sinh, sống sau chiến tranh, chẳng hiểu mô tê chiến tranh, nên VÔ CẢM QUÁ, chỉ tiếc là những người như rứa lại làm ở môi trường cần sự RUNG ĐỘNG khi thực hiện chính sách, pháp luật. Buồn!”, bạn đọc Khương Thượng.
Bạn đọc Trần Huy Dực: “Bà Hạnh cho hay, "việc chị Hà phản ánh là nhiều lần đến Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình để tìm hiểu sự việc là không đúng mà chỉ mới 1 lần" "Do tôi mới chuyển về Phòng vào ngày 6/9 đây nên cũng không nắm được chị Hà đến làm việc bao nhiêu lần tôi không rõ", lưỡi bà Hạnh đúng là không có xương thật".
Bạn đọc Minh Minh: “Vô cảm. Từ năm 1962, cán bộ lão thành đã xác nhận mà cán bộ con cháu lại làm ngơ?”.
“Họ không bao giờ nhận là họ sai cả . Vì họ nhận thì họ bị kỷ luật mà họ biết chắc rằng đổ thừa cho dân là chẳng ai dám cãi nữa. Thật xót xa cho gia đình bác Hồng!”, bạn đọc Huy Khoi.
Rất nhiều đơn đề nghị từ thân nhân chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng đã được gửi đi từ trước chứ không phải là lần đầu thân nhân chiến sỹ Nguyễn Văn Hồng đến Sở LĐ-TB&XH để đề nghị giải quyết chế độ
“Tắc trách vô cảm!”, bạn đọc Quỳnh Anh. “Vô cảm, vô trách nhiệm, vô ơn với những người đã hy sinh vì Tổ Quốc”, bạn đọc Huy Tưởng; “Vô trách nhiệm - Vô cảm - Vô lương tâm và Vô Ơn với các Anh hùng liệt sỹ” bạn đọc Vũ Thu Minh.
Bạn đọc Nguyễn Quốc Cường: “Sự quan liêu máy móc của một số lãnh đạo. Người ta hy sinh cả máu xương để giờ đây mấy anh lãnh đạo này quan liêu và vô cảm”.
“Là một người con của quê hương Thái Bình. Khi đọc xong bài báo mà thấy thực sự buồn lòng. Không chỉ sự việc này mà còn có rất rất nhiều việc khác nữa. Vẫn là thái độ không chân thành và nhiệt tình khi đón tiếp người dân. Rồi khi báo chí truyền thông vào cuộc các vị ấy lại đùn đẩy trách nhiệm qua lại. Thật đáng ngại nếu thế hệ trẻ sau này cũng cứ đi theo vết xe này”. Bạn đọc Huy Dưỡng
Bạn đọc Hà Trọng Lượng: “Đề nghị Tỉnh ủy Thái Bình xem xét lại trách nhiệm của Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cần phải loại bỏ cán bộ thiếu trách nhiệm trong việc làm này để làm gương cho cả nước. Một sự vô tâm mà làm đau lòng biết bao nhiêu thế hệ đã vì tổ Quốc mà hy sinh xương máu để giành độc lập tự do cho dân tộc.
Huân chương Chiến thắng hạng 3 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký ngày 27/7/1962, Theo QĐ số 191 ngày 21/4/1958, đã ghi vào sổ Bộ Quốc Phòng sổ 2757 T.S.6. Trong Huân chương kháng chiến này có ghi rõ là: “liệt sỹ”.
Nên chăng thay đổi cách làm trong việc hoàn thiện hồ sơ công nhận người có công với cách mạng?
PV Dân trí trong một lần đi “đòi” chế độ với một cựu chiến binh đã được đồng đội của ông chia sẻ rằng: “Tôi hôm nay không phải đi XIN chế độ mà tôi đi ĐÒI chế độ. Bởi làm sao tôi biết được ai cho mà xin? Tôi đi đòi chế độ bởi theo lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH trong một lần về quê tôi gặp mặt cử tri đã phát biểu rằng: “Chúng tôi còn nợ nhiều lắm….”.
Cũng trong lần đi đòi chế độ cho người thương binh ấy, PV Dân trí cũng được chứng kiến lãnh đạo Bộ LĐTB&XH “trách” một vị lãnh đạo ở cấp sở rằng “Tại sao anh lại đá quả bóng trách nhiệm lên trên Cục?...”. Lý do là vì người cựu chiến binh ấy phải mất 13 năm làm hồ sơ đề nghị cấp hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học mới được công nhận, trước đó các cán bộ của Sở LĐTB&XH cũng thể hiện sự vô trách nhiệm trong việc tiếp nhận hồ sơ và không hướng dẫn cách thức hoàn thiện hồ sơ, chỉ đến khi ông kiện lãnh đạo Bộ vì ban hành công văn trả lời thiếu chính xác sau khi đọc hồ sơ của mình thì sự việc mới được giải quyết… để thấy rằng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập trong việc làm chế độ chính sách cho người có công và gia đình họ.
Chỉ đến khi báo Dân trí vào cuộc, thông tin về sự việc và đích thân Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH có công văn chỉ đạo thì Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình mới có công văn trả lời người dân.
Tại diễn đàn thảo luận của bạn đọc Dân trí về bài viết “Có một người lính đã anh dũng hy sinh vẫn chưa được công nhận liệt sỹ?” này, nhiều bạn đọc cũng đề xuất những cách làm rất hợp lý rằng: ““Tại sao phải làm đơn? Liệt sỹ hy sinh vì tổ quốc thì các tổ chức xã hội phải có trách nhiệm làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho người ta chứ?” như quan điểm của bạn đọc Trần Nhiệm.
Hay như ý kiến của bạn đọc Minh Minh: “Sở phải đại diện cho chính quyền xin lỗi gia đình liệt sỹ vì bản thân hoặc cán bộ nhiệm kỳ trước làm thiếu, làm sai và sau đó trực tiếp liên hệ xác minh và trả kết quả mới phải... Liệt sỹ đã hy sinh rồi, truy tặng danh hiệu rồi mà còn phải làm thủ tục "chưa được công nhận liệt sỹ", thì lạ thật! Sao không kiểm tra xem cái huy chương hạng ba kia có phải là thật hay giả... Từ đó kết luận ông ấy có phải liệt sỹ không? Mặt khác thấy vậy tắc đâu anh phải đề nghị cấp trên giải quyết chứ, cứ ngồi đấy hướng dẫn à...???”.
Đồng quan điểm trên, bạn đọc Hào Hiệp: “Với những trường hợp cần phải xác minh như thế này thì đúng ra các cán bộ Phòng Người có công làm tham mưu cho Giám đốc Sở làm công văn mời các cơ quan quân đội đến bàn bạc, xem xét và yêu cầu giải mã lý lịch, yêu cầu giám định lý lịch hoặc các giấy tờ còn lưu giữ nếu thấy nghi ngờ chứ không thể yêu cầu người trong cuộc phải đi tìm, giải trình theo ý chí chủ quan của mình. Đa phần các cán bộ của Sở LĐTBXH cũng không hề hướng dẫn cách làm, các thủ tục cần thiết để hoàn thiện hồ sơ mà người dân phải vô cùng vất vả tự đi tìm hiểu để làm. Không phải ai cũng có đủ điều kiện để tìm hiểu các công văn, thông tư hay nghị định của chính phủ, bộ ngành mà tự đi làm được, trong khi cách làm việc của các cán bộ sở ngành thì quá vô cảm và quan liêu như vậy. Nếu báo chí không vào cuộc thì người dân chỉ còn cách ngậm ngùi, chấp nhận thua cuộc!”.
Nhiều bạn đọc cũng đưa ra những hoàn cảnh cụ thể của mình làm minh chứng cho điều này như bạn đọc Bùi Lộc: “Quê tôi cũng có trường hợp hy sinh thời kỳ chống Pháp. Gia đình hưởng chế độ vợ con liệt sỹ từ 1954. Năm 2016 bị cắt chế độ liệt sỹ vì "không có hồ sơ" tại Sở LĐTBXH”.
Bạn đọc Van Tien: “Ông ngoại tôi hy sinh 53 năm sau mới được công nhận là liệt sỹ, cứ tưởng đã là kỷ lục rồi, vậy mà...”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc!
Khả Vân