Người dân xã nghèo mong mỏi có cây cầu giữa đại ngàn Tây Nguyên!
(Dân trí) - Bao lâu nay, khu sản xuất và nhà ở của bà con đồng bào xã Chư Gu (huyện Krông Pa, Gia Lai) bị ngăn cách bởi con sông Ba rộng hơn 1km. Sau thời gian mòn mỏi chờ được xây cầu, hàng chục hộ dân trong làng đã tự góp tiền mua ván, gỗ về dựng 3 cây cầu tạm và thu phí 5.000 đồng/lượt dân đi qua.
Nhiều năm nay, gần 1.000 hộ dân thuộc 4 buôn: Chư Bang, Chư Jứt, Ma Rok, Tơ Nia (xã Chư Gu, Krông Pa, Gia Lai) mỗi lần qua lại cây cầu tạm đều phải đóng phí 5.000 đồng/xe máy. Nhiều người có việc phải qua lại nhiều lần thì có thể phải trả hàng chục ngàn đồng/ngày. Cũng từ đây mà 2-3 “trạm BOT” tại xã nghèo này được hình thành và là nguồn thu chính để sữa chữa cầu hàng năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuyên (Chủ tịch UBND xã Chư Gu) thông tin: “Từ xưa, xã Chư Gu và xã Chư Drăng bên kia sông Ba đều là một xã. Sau khi tách và hình thành xã Chư Gu, bà con đồng bào đã sang và tái định cư bên xã này. Tuy sống trên đất xã Chư Gu nhưng hơn 80% người dân đều qua sông Ba để canh tác, làm ăn. Ngày xưa, mùa nước lớn thì người dân qua lại bằng thuyền, phà, mùa nước nhỏ thì lội qua sông. Nhưng vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản nên hàng chục hộ dân thuộc 4 buôn đã bỏ tiền và công sức ra để dựng nên 3 cây cầu bắc qua sông Ba nhằm phục vụ cho người dân có thể đi xe máy qua lại. Phí mỗi lượt đi qua là 5.000 đồng/lượt/xe máy…”.
“Mỗi mùa mưa lũ, nước thường cuốn trôi cầu khiến người dân rất mất công sức để sửa chữa. Hiện nay, một câu cầy đã bị hư không sử dụng được, còn 2 cây cầu còn lại người dân vẫn lập ra 2 trạm thu phí của người dân qua lại. Được biết, mỗi ngày có cả hàng trăm lượt qua lại. Việc này xã đã báo cáo với huyện từ năm 2016 và đã có nhiều đoàn từ Sở và huyện kiểm tra. Biết việc thu tiền tự phát của dân là sai quy định nhưng xã cũng không thể ngăn chặn được vì ảnh hưởng đến quyền lợi của dân…”, ông Tuyên cho biết thêm.
Theo quan sát, nếu không có những cây cầu tạm của dân xây dựng thì bà con phải đi lại ngã 3 xã Chư Rcăm và theo tuyến đường Đông Trường Sơn để qua xã Chư Drăng với quãng đường dài gấp 10 lần. Ngoài ra, con đường đến Thị trấn Phú Túc và qua cầu Phú Cần cũng tương tự như quãng đường trên. Chính vì vậy, hàng ngày, người dân nghèo xã Chư Gu và các xã lân cận đều phải bỏ tiền cho “trạm BOT” thì mới được qua cầu đi làm…
Trưởng thôn Ma Rok, ông Rah Lan Nhoan nói: “Từ xưa nay, đất canh tác của bà con đều ở bên sông Ba. Sau nhiều lần kiến nghị lên xã nhưng cũng không có cầu bê tông để đi nên dân đã góp tiền làm cầu tạm chở củ mì, củ sắn qua sông. Như tôi làm trưởng thôn thường phải đi rẫy, đi vận động bà con trong rẫy nên đi qua lại cầu nhiều và cũng mất hàng chục ngàn/ngày. Giờ người ta làm cầu thì mình có cái để đi xe máy, ko phải đi bộ lên nương. Chính vì vậy, mình thấy việc đóng phí này cũng đúng và chờ ngày làm cây cầu bê tông kiên cố”.
“Nhiều lần trong các cuộc họp các cấp, người dân đều mong muốn có một cây cầu để đi lại lên khu sản xuất và canh tác. Nhiều đoàn từ các sở, huyện xuống khảo sát nhưng đến giờ dân cũng chưa có cầu đi…”, ông Nhoan bộc bạch.
Bà Nay Ngin (Thôn Ma Rok, một trong những hộ bỏ tiền làm cầu) cho biết: “Cầu này được xây dựng từ năm 2016, mỗi năm rất nhiều lần sửa chữa. Riêng cầu buôn Ma Rok đã có 28 hộ chung nhau mua ván và gỗ để xây cầu. Mỗi ngày có 4 hộ chung nhau đứng ở cầu để thu phí người dân qua cầu…Nếu bình thường mỗi ngày thu cũng được khoảng từ 1 – 1,5 triệu đồng, số tiền này chia cho 4 người trực và những hộ này phải bỏ tiền ra để sửa chữa cầu”.
Theo phóng viên quan sát, những cây cầu tạm được người dân ghép lại bằng những tấm ván và cây bời lời. Cây cầu dài hơn 1km nhưng rất nhiều tấm ván đã gãy đôi, chân cầu hai bên cũng bị sạt lở và cầu được làm một cách tạm bợ…Xe máy đi trên cầu có cảm giác rung mạnh, nếu không để ý thì bánh xe lọt giữa những tấm ván bị gãy.
Phạm Hoàng