Lý giải tăng giá xăng dầu:
Người dân vẫn thấy không thuyết phục
(Dân trí) - Câu hỏi luôn đặt ra đối với đại đa số người dân mỗi khi tăng giá xăng dầu. Vì xăng dầu là mặt hàng thiết yếu với sản xuất và đời sống, nên mỗi lần giá xăng dầu tăng thì nhiều mặt hàng thiết yếu khác đều “leo thang”theo.
Theo số liệu cơ quan chức năng: năm 2010 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroViệtNam-PVN) khai thác được khoảng 15 triệu tấn dầu thô; xuất khẩu được 9,43 triệu tấn; bán cho nhà máy lọc dầu Dung Quất 5 triệu tấn. Ngoài ra còn xuất khẩu được 0,59 triệu tấn khai thác ở nước ngoài.
Tuy nhiên trong năm 2010, nước ta lại nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn xăng dầu thành phẩm. Mà muốn tinh lọc ra 10 triệu tấn xăng dầu thành phẩm, về kỹ thuật công nghệ, ước tính phải cần tới 26 triệu tấn dầu thô. Như vậy hiện nay, tổng số tấn dầu thô nước ta khai thác được (khoảng 15 triệu tấn) mới đạt già nửa tổng số tấn dầu thô (ước tính 26 triệu tấn), để tinh lọc ra (10 triệu tấn) xăng dầu thành phẩm. Điều này lý giải tại sao Việt Nam không có xăng bán với giá 3 nghìn VND/1 lít (giá quy đổi ra VND) như ở Đoha (thủ đô Qatar). Hoặc nói theo “vĩ mô”: điều này lý giải vì sao nước ta có dầu mà chưa giàu.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn |
Chỉ là người dân bình thường với sự hiểu biết hạn hẹp, nhưng xuất phát từ tinh thần chống lạm phát và cũng là để nói lên tâm tư nguyện vọng của người dân, tôi xin mạnh dạn kiến nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn-quyết không thả nổi giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới, bằng 4 biện pháp sau đây:
Thứ nhất, vẫn tiếp tục phải trích thêm 1 phần tiền xuất khẩu dầu thô và bán “dầu tinh” của nhà máy lọc dầu Dung Quất để bù giá xăng dầu thành phẩm bán trong nước. Không thể viện lý do giá dầu thô trên thế giới tăng cao, mà giá bán xăng dầu ở trong nước cũng tăng theo. Bởi vì, khi đó dĩ nhiên giá xuất khẩu dầu thô và “dầu tinh” của nước ta cũng phải tăng cao.
(ảnh minh họa)
Thứ ba, về phía Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), có nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất là nhập khẩu xăng dầu về bán cho nhân dân, trong giai đoạn hiện nay, vẫn phải thuộc doanh nghiệp của nhà nước (cũng giống như PVN), chưa thể cổ phần hoá. Vì có như vậy Chính phủ mới hoàn toàn chủ động bù giá và khống chế-không tăng giá xăng dầu.
Chỉ có điều cần đổi mới phương pháp quản lý hoạt động của Petrolimex. Không để cho họ chỉ thông qua bộ chủ quản và Bộ Tài chính, rồi toàn quyền công bố các số liệu về nhập khẩu xăng dầu, doanh thu, lỗ, lãi… để từ đó định đoạt, leo thang giá bán (xăng dầu); mà Bộ Ngoại giao, cùng một số bộ chức năng khác cũng cần “vào cuộc”. Chẳng hạn Petrolimex cử người đi nước ngoài, mua bao nhiêu tấn xăng dầu? Với giá bao nhiêu ngoại tệ? Và mua ở nước nào? Vào thời gian nào?..Nhất định Thương vụ, Tham tán kinh tế (thuộc Đại sứ quán nước ta tại nước đấy) phải nắm được, để báo cáo Bộ Ngoại giao, trình Chính phủ.
Số dầu còn lại mua ở trong nước ở nhà máy lọc dầu Dung Quất bao nhiêu, không tốn tiền vận chuyển xa và mua với giá nội bộ trong ngành là bao nhiêu? Chỉ trên cơ sở nắm đầy đủ những số liệu thống kê như vậy mới có cơ sở chỉ đạo cho sát tình hình thực tế.
Cũng có người hấp tấp nêu ý kiến: cần sớm cho cạnh tranh giá bán xăng dầu ở nước ta, trên cơ sở Chính phủ phải xóa bỏ việc bù giá xăng dầu và cho phép các doanh nghiệp tư nhân đứng ra buôn bán mặt hàng này. Nghĩa là khoản tiền xuất khẩu dầu thô không có liên quan gì đến giá bán xăng dầu ở trong nước. Tôi cho rằng, nếu làm như thế sẽ rất nguy hiểm đến nền kinh tế nước ta, do giá xăng dầu dễ bị thao túng, thả nổi và leo thang.
Vì thế nên việc nhập khẩu và tổ chức bán xăng dầu vẫn phải giao cho doanh nghiệp nhà nước (không thể cổ phần, tư nhân hoá) để Chính phủ quản lý, bù giá, không cho leo thang, mà còn tiến tới: khi nước ta tăng sản lượng khai thác dầu thô-sẽ giảm giá bán thành phẩm xăng dầu ở trong nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Thứ tư, tôi cũng như nhiều người dân khác không đồng tình với luận điểm cho rằng: “Phải tăng giá xăng trong nước, để chống buôn lậu (tái xuất lậu) xăng dầu sang Campuchia và Lào… Nếu theo luận điểm này, có khác gì cơ quan chức năng bó tay trước những kẻ bất chấp kỷ cương phép nước, cũng tương tự như bất lực với tệ trộm cướp đường, nên mới “sáng kiến”: khuyến cáo chị em phụ nữ không đeo đồ trang sức (dây chuyền, nhẫn vàng…) khi đi ra phố!
Mà cái chính là phải quy trách nhiệm Chủ tịch UBND các tỉnh có biên giới giáp Campuchia, Lào… Nếu để xảy ra tình trạng tái xuất lậu xăng dầu từ những địa bàn đó, sẽ kỷ luật thật nặng Chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch huyện tại chỗ!… Tôi nghĩ đấy cũng là biện pháp góp phần vào việc bình ổn để giá xăng dầu không leo thang.
Nguyễn Thành Lập
Hà Nội
LTS Dân trí - Vừa qua, giá xăng dầu lại tăng và ngay sau đó, nhiều mặt hàng ăn theo đời sống hằng ngày như mớ rau, mớ cá, lạng thịt… được cơ hội tăng theo giá xăng dầu và đón trước kỳ tăng lương vào tháng 5 sắp tới! Điều này làm khốn khó nhiều gia đình công nhân, viên chức, cán bộ về hưu…và người dân nghèo nói chung.
Vì vậy, thật khó chấp nhận việc tăng giá xăng liên tục và bất thường theo “quy luật thị trường” mà chưa tính toán thấu đáo và cân nhắc kỹ lưỡng những điều kiện thực tế của một nước như VN vốn có nguồn dầu thô cũng như nhà máy lọc dầu và mới chuyển sang cơ chế thị trường, lại được nhấn mạnh là “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà mọi người dân ngầm hiểu là phải quan tâm đến quyền lợi người dân hơn các nước tư bản chủ nghĩa.
Nghĩ như vậy là theo sự hiểu biết hạn hẹp của đa số người dân. Còn nếu không đúng thì mong rằng các cơ quan hữu trách trong câu chuyện này giải thích sao cho tường tận và giàu sức thuyết phục để nhân dân thông cảm và đồng tình.