Vụ Nhà máy tái chế chất thải gây ô nhiễm ở Hải Dương:

Người dân Phú Thứ đề nghị “xóa sổ” nhà máy gây ô nhiễm

(Dân trí) - Cục Cảnh sát Môi trường kết luận Công ty XNKKS Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quy định bảo vệ môi trường, xử phạt 270 triệu đồng và tạm đình chỉ hoạt động. Nhưng người dân Phú Thứ không đồng tình với mức xử phạt trên bởi Công ty này vẫn lén lút hoạt động.

 
 
Sau khi báo Dân trí thực hiện loạt bài phản ánh tình trạng gây ô nhiễm môi trường của Nhà máy tái chế thuộc Công ty TNHH Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là Công ty XNK khoáng sản Việt Nam) ở thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương và hình thức xử phạt của Cục Cảnh sát Môi trường đưa ra đối với vi phạm của công ty này, người dân sống gần nhà máy tiếp tục gửi đơn đến tòa soạn bày tỏ nỗi bức xúc trước thái độ thờ ơ của các cơ quan chức năng Trung ương và UBND tỉnh Hải Dương.
 
Trong đơn kiến nghị gửi báo Dân trí đề ngày 8/11/2013, ông Nguyễn Văn Hánh, đại diện cho hàng nghìn công dân xã Duy Tân và thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho rằng, việc chỉ tiến hành xử phạt tiền 270 triệu đồng đối với Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam của Cục Cảnh sát Môi trường là chưa phù hợp, chưa tương xứng với những hậu quả mà Nhà máy tái chế gây ra thời gian qua.
 
Đơn kiến nghị cư dân thị trấn Phú Thứ và xã Duy Tân gửi báo Dân trí
Đơn kiến nghị cư dân thị trấn Phú Thứ và xã Duy Tân gửi báo Dân trí

Cục Cảnh sát Môi trường ra quyết định xử phạt vi phạm của Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam, nhưng lại không yêu cầu bên vi phạm bồi thường những thiệt hại kinh tế, sức khỏe mà các hộ nông dân có ruộng canh tác xung quanh khu vực nhà máy phải gánh chịu, do ruộng đất bị ô nhiễm không thể canh tác thời gian qua. Hiện đang bị tạm dừng hoạt động, nhưng Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam vẫn lén lút hoạt động, có dấu hiệu khoan sâu vào lòng đất để nước thải ngấm trực tiếp xuống nguồn nước ngầm.

Nhận được đơn của công dân, PV Dân trí đã trở lại Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam đặt tại khu 7, thị trấn Phú Thứ để ghi nhận và phản ánh kịp thời những bức xúc, lo lắng của người dân. Theo phản ánh của người dân, nhà máy này thường hoạt động “chui” và tranh thủ xả chất thải chủ yếu vào ban đêm. Ban ngày có công nhân đến làm việc nhưng không công khai, không thực hiện tái chế mà chỉ dùng ròng rọc để vận chuyển nguyên liệu.

Ông Nguyễn Xuân Lục (Khu 7, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho biết: “Đêm hôm qua tôi tháo ao, nên tôi thức suốt đêm, khét không thể tưởng tượng được, khét như mùi người bị la ban cháy. Nếu cứ để như thế này, chúng tôi chết đã đành, nhưng còn con cháu. Đêm qua vẫn thậm thụt đốt”.
 
Công dân sống trong khu vực tố nhà máy lén lút hoạt động bất chấp lệnh cấm
Công dân sống trong khu vực "tố" nhà máy lén lút hoạt động bất chấp lệnh cấm

Ông Trương Văn Hiên (Khu 5, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) - người có ruộng gần nhà máy phản ánh: “Ruộng của doanh nghiệp này được quây từ năm 2009, đã khó khăn vì không sản xuất được. Đến thời kỳ này, nhà máy làm từ đầu năm đã xả trực tiếp ra lại càng độc hại hơn khiến ruộng của tôi vĩnh viễn không bao giờ sản xuất được.Từ hôm xử phạt đến giờ, nhà máy này lén lún sản xuất ban đêm chứ không dám sản xuất ban ngày nữa”.

Để khẳng định chắc chắn hơn, bà Trương Thị Nguyệt (Khu 7, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho biết: “Nhà máy nổ máy khởi hành vào buổi chiều, sau đó ngừng khoảng 3 hôm rồi cứ hoạt động suốt, cách mấy hôm lại xả lên ống khói này. Nên tôi nói thật, như tối qua là không chịu được, tôi nghĩ nếu cứ như thế này phải đi nơi khác để ở. Nó khói đến nỗi mà mùi lốp xe cháy còn ngửi dễ hơn, ngạt thở và tức ngực. Bây giờ chỉ cần mở cổng nhà máy thì vào đến nơi, nguyên liệu để ở đó đã khiến chúng tôi không chịu được, chưa nghiền đã khó thở huống chi là khói lên.Chúng tôi đã kiến nghị lên xã và nhà máy rất nhiều lần nhưng hàng bao nhiêu xào lúa chết, xã lại cứ dưa cho nhà máy, nhà máy lại bảo phải lên xã”.
 
Người dân khển thiết đề nghị các cơ quan chức năng đóng cửa nhà máy
Người dân khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng đóng cửa nhà máy

Như thông tin đã đưa, thời gian qua, báoDân trínhận được phản ánh của công dân trú tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam chi nhánh Hải Dương không tuân thủ đúng các quy định về môi trường do nhà nước ban hành, nhà máy hoạt động sản xuất khi chưa có đủ giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

Trong quá trình vận hành, Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành hoạt động tái chế chất thải luyện kim khiến không khí hôi thối bốc lên nồng nặc, làm chết cá, lúa, hoa màu của nông dân nằm xung quanh nhà máy, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và không khí khiến đời sống dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bên cạnh việc đe dọa môi trường ở thị trấn Phú Thứ, Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam còn bị “tố” tập kết chất thải không đúng quy trình hàng vạn tấn chất thải ngành luyện kim ở cảng Phú Thái trong nhiều tháng qua, đi ngược nội dung Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011của Bộ Tài nguyên & Môi trường về Quản lý chất thải nguy hại.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, cho đến nay, tại cảng Phú Thái vẫn còn nguyên hàng trăm túi đựng chất thải đang bị bục, vỡ, chỉ được che đậy tạm thời, chất thải đổ tràn xuống sân cảng nằm bên cạnh sông Kinh Thầy.
 
Văn bản thông báo việc xử phạt của Cục Cảnh sát Môi trường gửi báo Dân trí
Văn bản thông báo việc xử phạt của Cục Cảnh sát Môi trường gửi báo Dân trí
Văn bản thông báo việc xử phạt của Cục Cảnh sát Môi trường gửi báo Dân trí

Về vụ việc này, ngày 18/10/2013, Đại tá Nguyễn Sỹ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã ký công văn số 1307/CV - C49 (P2) gửi báoDân tríthông báo kết quả điều tra dấu hiệu vi phạm của Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Căn cứ tài liệu xác minh thu thập được, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về Môi trường đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 110/QĐ- XPHC ngày 17/9/2013, với tổng số tiền phạt là 270 triệu đồng đối với Nhà máy tái chế - Công ty XNK khoáng sản Việt Nam và yêu cầu khắc phục các vi phạm theo đúng qui định. Hiện Nhà máy đang bị tạm ngừng hoạt động vận hành thử nghiệm theo công văn số 1452/TCMT - QLCT&CTMT ngày 5/9/2013, của Tổng Cục Môi trường - Bộ tài nguyên và Môi trường”.

Đã bị xử phạt và tạm ngừng hoạt động nhưng Nhà máy tái chế - Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam vẫn cho vận hành nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim. Vì vậy, người dân sống gần nhà máy rất phẫn nộ vì sự coi thường “mệnh lệnh” của công ty này.

Ông Trương Văn Hiên (Khu 5, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đề nghị: “Vừa rồi Cục Cảnh sát Môi trường đã phạt 270 triệu đồng, như vậy là chưa đủ dăn đe. Ý của chúng tôi là tuyệt đối cấm không được sản xuất chất này nữa, nhà máy này bắt buộc phải tháo dỡ, chuyển công nghệ. Nếu tiếp tục để công nghệ như thế này, chúng tôi không bao giờ đồng ý”.
 

Bà Nguyễn Thị Thúy (Khu 7, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cũng đề nghị: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, cả Giám đốc nhà máy, Tổng Giám đốc công ty về, chính thức là anh Hoàng mà anh Hoàng lại là người đi bưng bít thông tin, anh Hoàng dám trả lời trước cán bộ TT Phú Thứ và hàng ngàn người dân rằng: “Tôi sản xuất nhà máy này không có gì độc hại”. Người dân chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra biện pháp duy nhất, tốt nhất là phải ngăn chặn nhà máy này, dừng hoàn toàn và tháo dỡ hoàn toàn”.

Để bảo vệ sức khỏe cho hàng ngàn người đang sinh sống xung quanh khu vực nhà máy, cuối tháng 9/2013, đại diện các hộ dân ở thị trấn Phú Thứ đã mời cán bộ Trung tâm Phân tích và Chuyển giao công nghệ, Môi trường về lấy mẫu bùn (đất trồng lúa quanh nhà máy) và nước thải từ cống nhà máy. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng chất độc hại có trong mẫu bùn, nước đều vượt chỉ số Bộ TN&MT cho phép.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc trong thời gian tới.

 Ngọc Cương - Vũ Thúy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm