Điều tra theo đơn thư bạn đọc:
Người dân phản ứng dữ dội đòi đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm ở Hải Dương
(Dân trí) - Cho rằng Cục Cảnh sát Môi trường và Bộ Tài nguyên & Môi trường chưa xử lý kiên quyết, người dân thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tiếp tục tập trung phản đối, đề nghị đóng cửa nhà máy của Công ty XNK Khoáng sản Việt Nam.
Dựa trên tài liệu PV Dân trí thu thập được, Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương có trụ sở tại Lô CN19 cụm công nghiệp Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được Sở kế hoạch & Đầu tư tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận ĐKKD lần đầu ngày 20/3/2013; Công ty hoạt động trong lĩnh vực xử lý và tiêu hủy rác thải độc hại, xử lý chất thải ngành luyện kim; Người đứng đầu Chi nhánh là ông Hà Quang Hoàng.
Ngày 9/7/2013, Tổng Cục môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường ban hành văn bản số 1116/TCMT-QLCT&CTMT, phê duyệt kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại với yêu cầu: “Sau khi kết thúc vận hành thử nghiệm, yêu cầu Công ty TNHH Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm và ngừng xử lý chất thải nguy hại cho đến khi có ý kiến khác của Tổng cục Môi trường hoặc được cấp Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại.
Tổng Cục Môi trường có thể đột xuất kiểm tra và lấy mẫu giám sát trong quá trình vận hành thử nghiệm”.
Tuy nhiên, sau khi được cấp phép chạy thử nghiệm, Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam đã tiến hành hoạt động tái chế chất thải luyện kim khiến không khí hôi thối bốc lên nồng nặc, làm chết cá, lúa, hoa màu của nông dân nằm xung quanh nhà máy. Vì quá bức xúc, ngày 14/8/2013, đông đảo người dân đã tập trung tại nhà máy gây sức ép, buộc UBND huyện Kinh Môn, UBND thị trấn Phú Thứ mời lãnh đạo Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam đến làm việc.
Ngày 24/8/2013, PV Dân trí đã có mặt tại thị trấn Phú Thứ để làm rõ nội dung đơn phản ánh của công dân. Nhà máy tái chế chất thải kim loại của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam nằm tọa lạc trên diện tích rộng hơn 1ha ở gần khu dân cư và trường học. Chất thải làm nguyện liệu xử lý được liệt vào danh sách chất thải nguy hiểm, nhưng việc che đậy chỉ được thực hiện lấy lệ, nước thải đổ vào hệ thống kênh mương cấp nước tưới phục vụ việc trồng trọt của nông dân.
Ông Trương Ngọc Huy ở khu dân cư số 5 thị trấn Phú Thứ cho biết: “Khi nhà máy này hoạt động là người dân không chịu được mà trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 nằm ngay đây thì các cháu học sinh và người dân nơi đây ngửi nhiều nhất, ảnh hưởng trực tiếp nhất. Sau đó là thiệt hại đến kinh tế của dân, vào vụ trước khi tập kết các vật liệu này về đã bị chết lúa và phải đền 4 triệu rồi”.
Cùng trao đổi về việc này, ông Trương Văn Cường, trưởng khu 5 thị trấn Phú Thứ phát biểu: “Là người dân, bằng mắt thường chúng tôi không thể nhận biết từng chất nguy hại trong chất thải Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tái chế. Tuy nhiên, mỗi khi nhà máy xả khói là khu dân cư phải chịu đựng mùi khét, hôi, nồng rất khó chịu. Mặc dù rất bức xúc, nhưng người dân vẫn phản ứng đúng mực buộc Phòng Tài nguyên & Môi trường phải dừng hoạt động của Công ty”.
Bên cạnh việc đe dọa môi trường ở thị trấn Phú Thứ, Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam còn bị “tố” tập kết chất thải không đúng quy trình hàng vạn tấn chất thải ngành luyện kim ở cảng Phú Thái trong nhiều tháng qua, đi ngược nội dung Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011của Bộ Tài nguyên & Môi trường về Quản lý chất thải nguy hại.
Quy định Thông tư 12 nêu: Vỏ bao bì chuyên dụng có khả năng chống ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hoá học với chất thải bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu; chịu được va chạm, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng thông thường.
Khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển phải có cao độ nền đảm bảo không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ chất thải nguy hiểm được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; có sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, chịu ăn mòn; không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh, chữa cháy hoặc có sự cố rò rỉ, đổ tràn...
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế khu vực tập kết chất thải của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tại cảng Phú Thái ngày 24/8/2013 cho thấy hiện có hàng trăm túi đựng chất thải đang bị bục, vỡ, chất thải đổ tràn xuống sân cảng nằm bên cạnh sông Kinh Thầy, nhiều túi chất thải bị nước mưa hòa tan tạo thành vũng.
Để làm rõ phản ánh của công dân, chiều 3/9/2013, PV Dân trí đã đến Cục Kiểm soát ô nhiễm và Cải thiện môi trường - Tổng Cục môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) liên hệ làm việc với lãnh đạo Cục về những vấn đề liên quan đến việc cấp phép chạy thử nghiệm, kế hoạch vận hành thử nghiệm Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam nộp lên. Tuy nhiên, bộ phận Văn phòng Cục Kiểm soát ô nhiễm và Cải thiện môi trường lại hướng dẫn phóng viên liên hệ qua Văn phòng Tổng Cục Môi trường với lý do phải có ý kiến đồng ý của cấp trên.
Trong lúc sức khỏe của hàng nghìn người dân xung quanh nhà máy tái chế và cảng Phú Thái đang bị đe dọa, báo Dân trí đề nghị Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND tỉnh Hải Dương tiến hành điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường khi tiến hành xử lý, tái chế CTNH tại thị trấn Phú Thứ. Làm rõ hàng vạn tấn chất thải đang đổ ở cảng Phú Thái có phải là chất thải nguy hại hay không? Nếu là chất thải nguy hại cần phải truy tìm nguồn gốc chất thải thuộc sở hữu của đơn vị nào trước khi vận chuyển về cảng Phú Thái? Tiến hành kiểm tra việc cấp giấy phép hoạt động tái chế chất thải cho nhà máy ở thị trấn Phú Thứ có đúng và đầy đủ các quy định tại Thông tư 12 hay không?.
Ngoài ra, hàng nghìn người dân đang sinh sống xung quanh nhà máy tái chế và cảng Phú Thái cũng đề nghị Cục Kiểm soát ô nhiễm và Cải thiện môi trường cho công khai kế hoạch vận hành thử nghiệm của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam. Cục Cảnh sát Môi trường điều tra, làm rõ dấu hiệu kinh doanh trái phép của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam (đăng ký kinh doanh chưa có ngành nghề trên mà đã ký hợp đồng mua bán với các công ty thép).
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong thời gian tới.
Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy