Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Hàng ngàn người "ngập ngụa" trong chất thải độc hại

(Dân trí) - Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải luyện kim đặt tại thị trấn Phú Thứ, nhưng Công ty khai thác, chế biến Xuất nhập khẩu Khoáng sản Việt Nam không thực hiện đúng quy định về môi trường khiến người dân bức xúc đòi “xóa sổ” nhà máy.

 
Trong thời gian qua, tòa soạn báo Dân trí nhận được nhiều đơn thư của công dân thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương phản ánh việc nhà máy tái chế chất thải ngành luyện kim của Công ty TNHH Khai thác, Chế biến, Xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam (gọi là Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam) không tuân thủ đúng các quy định về môi trường do nhà nước ban hành, nhà máy hoạt động sản xuất khi chưa có đủ giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
 
Theo ý kiến phản ánh của người dân, việc hàng nghìn tấn chất thải có chứa đồng, chì, sắt, kẽm, nhôm... không được che đậy cẩn thận đã khiến chất thải bị rò rỉ, gây chết cá, lúa, hoa màu xung quanh. Mỗi khi nhà máy tiến hành hoạt động tái chế, người dân trong khu vực luôn phải chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc, đe dọa sức khỏe của hàng ngàn con người mỗi ngày, trong đó có nhiều người già và trẻ em.
 
Nhà máy tái chế chất thải ngành luyện kim có nhiều chất độc hại của
Nhà máy tái chế chất thải ngành luyện kim có nhiều chất độc hại của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam nằm gần 3 trường học ở thị trấn Phú Thứ

Sau nhiều lần Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam không thực hiện đúng cam kết tạm dừng hoạt động đưa ra tại các buổi làm việc với người dân, ngày 14/8/2013, hàng trăm người dân thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn đã tập trung tại nhà máy gây sức ép, buộc UBND huyện Kinh Môn, UBND thị trấn Phú Thứ mời lãnh đạo Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam đến làm việc.

Tại buổi làm việc, Công ty này không xuất trình được đầy đủ giấy phép của các cơ quan chức năng cấp cho các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực tái chế chất thải luyện kim. Để bảo đảm sức khỏe cho người dân, Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Kinh Môn, UBND thị trấn Phú Thứ đã yêu cầu Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam dừng hoạt động cho đến khi hoàn tất thủ tục pháp lý.

Ngày 24/8/2013, PV Dân trí đã có mặt tại thị trấn Phú Thứ để làm rõ nội dung đơn phản ánh của công dân. Nhà máy tái chế chất thải kim loại của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam nằm tọa lạc trên diện tích rộng hơn 1ha ở gần khu dân cư và trường học. Chất thải làm nguyện liệu xử lý được liệt vào danh sách chất thải nguy hiểm, nhưng việc che đậy chỉ được thực hiện lấy lệ, nước thải đổ vào hệ thống kênh mương cấp nước tưới phục vụ việc trồng trọt của nông dân.

Ông Trương Ngọc Huy ở khu dân cư số 5 thị trấn Phú Thứ cho biết: “Khi nhà máy này hoạt động là người dân không chịu được mà trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 nằm ngay đây thì các cháu học sinh và người dân nơi đây ngửi nhiều nhất, ảnh hưởng trực tiếp nhất. Sau đó là thiệt hại đến kinh tế của dân, vào vụ trước khi tập kết các vật liệu này về đã bị chết lúa và phải đền 4 triệu rồi”.
 
Nhà máy tái chế chất thải ngành luyện kim có nhiều chất độc hại của
Chất thải Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tập kết gặp nước mưa hòa tan thành vũng ở sân cảng Phú Thái

Nói về vụ người dân tập trung phản đối hoạt động tái chế của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam vì nguy cơ ô nhiễm môi trường, ông Trương Văn Cường, trưởng khu 5 thị trấn Phú Thứ phát biểu: “Là người dân, bằng mắt thường chúng tôi không thể nhận biết từng chất nguy hại trong chất thải Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tái chế. Tuy nhiên, mỗi khi nhà máy xả khói là khu dân cư phải chịu đựng mùi khét, hôi, nồng rất khó chịu. Mặc dù rất bức xúc, nhưng người dân vẫn phản ứng đúng mực buộc Phòng Tài nguyên & Môi trường phải dừng hoạt động của Công ty”.

Về vụ việc này, trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, ông Tô Văn Hanh - Phó Chủ tịch thị trấn Phú Thứ xác nhận việc Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam bị đình chỉ hoạt động do chưa làm đầy đủ thủ tục, hồ sơ. Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam đang ở giai đoạn chạy thử nghiệm đã tập kết chất thải giữa khu dân cư khiến người dân bức xúc. Theo lời ông Hanh, hoạt động của nhà máy tái chế chất thải kim loại sẽ bị đình chỉ cho đến khi có đầy đủ điều kiện mới xem xét lại.

Không chỉ đe dọa môi trường ở thị trấn Phú Thứ, Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam còn bị “tố” tập kết chất thải không đúng quy trình hàng vạn tấn chất thải ngành luyện kim ở cảng Phú Thái trong nhiều tháng qua.

Theo nội dung Thông tư 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011của Bộ Tài nguyên & Môi trường Quy định Quản lý chất thải nguy hại: Vỏ bao bì chuyên dụng có khả năng chống ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hoá học với chất thải bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu; bao bì mềm có ít nhất 2 lớp vỏ; chịu được va chạm, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng thông thường.

Các thiết bị lưu chứa phải có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hoá học với chất thải nguy hại chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu, có gia cố hoặc thiết kế đặc biệt tại điểm tiếp nối và vị trí xếp, dỡ hoặc nạp, xả chất thải để tránh rò rỉ.

Khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển phải có cao độ nền đảm bảo không bị ngập lụt; mặt sàn trong khu vực lưu giữ chất thải nguy hiểm được thiết kế để tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào; có sàn bảo đảm kín khít, không rạn nứt, bằng vật liệu chống thấm, chịu ăn mòn; không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi vệ sinh, chữa cháy hoặc có sự cố rò rỉ, đổ tràn.
 
Nhà máy tái chế chất thải ngành luyện kim có nhiều chất độc hại của
Hàng trăm bao đựng chất thải do Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tập kết tại cảng Phú Thái bị vỡ

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế khu vực tập kết chất thải của Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tại cảng Phú Thái ngày 24/8/2013 cho thấy có hàng trăm túi đựng chất thải đã bị bục, vỡ, chất thải đổ tràn xuống sân cảng nằm bên cạnh sông Kinh Thầy, nhiều túi chất thải bị nước mưa hòa tan tạo thành vũng.

Việc Công ty Khai thác, Chế biến, XNKKS Việt Nam tập kết hàng vạn tấn chất thải ở cảng Phú Thái và tiến hành sản xuất tái chế chất ngay giữa khu dân cư đã có từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, không hiểu vì sao UBND tỉnh Hải Dương, các Sở, Ngành chức năng lại không có biện pháp kiểm tra nhằm hạn chế tối đa những rủi ro đe dọa môi trường, lẫn sức khỏe của hàng ngàn người dân.

Để đảm bảo sức khỏe cho hàng ngàn con người và môi trường trong khu vực, báo Dân trí đề nghị Cục Cảnh sát Môi trường - Bộ Công an, UBND tỉnh Hải Dương khan trương chỉ đạo, giám sát các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ hàng vạn tấn chất thải đang đổ ở cảng Phú Thái có phải là chất thải nguy hại hay không? Nếu là chất thải nguy hại cần phải truy tìm nguồn gốc chất thải thuộc sở hữu của đơn vị nào trước khi vận chuyển về cảng Phú Thái? Tiến hành kiểm tra việc cấp giấy phép hoạt động tái chế chất thải cho nhà máy ở thị trấn Phú Thứ có đúng và đầy đủ các quy định được nêu trong Thông tư 12 hay không?

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc trong thời gian tới.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy