Người đàn ông ở Nha Trang đam mê "nhốt" rác thải nhựa vào bê tông

Trung Thi

(Dân trí) - "Tôi làm bê tông rác thải nhựa không phải vì tiền, nhưng tính toán sao để công trình nghiên cứu của mình có thể làm ra tiền. Nghĩa là hữu ích, được công nhận để thế hệ phía sau tiếp tục phát huy".

Người đàn ông ở Nha Trang đam mê nhốt rác thải nhựa vào bê tông - 1

Ông Nguyễn Văn Xuân cùng mảng bê tông rác thải nhựa (Ảnh: Trung Thi).

Nhiều lần thất bại nhưng không nản lòng

Về hưu sau hơn 30 năm công tác trong ngành điện, nhiều người nghĩ ông Nguyễn Văn Xuân (64 tuổi) sẽ túc tắc an hưởng tuổi xế chiều cùng con cháu. Trái lại, người đàn ông ngoài 60 đổ công sức, tiền bạc để nghiên cứu các sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường.

Mái tóc bạc trắng, ông Xuân vui vẻ cầm lên tay viên gạch lót đường được làm bằng bê tông cùng rác thải nhựa và nói với chúng tôi "Nó đây! Gạch được làm bằng rác thải nhựa, thứ mà tôi ấp ủ hồi trẻ, về hưu nghiên cứu tận 3 năm mới làm ra được".

Giọng trầm ấm, ông Xuân chia sẻ, ngày còn trẻ, ông đã trăn trở về vấn nạn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, nhưng không có thời gian, tiền bạc để nghiên cứu. Tuổi hưu, thời gian rảnh rỗi, kinh tế ổn định nên ông bắt tay vào làm.

Đầu tiên, ông Xuân định dùng nhiệt để nhiệt phân nhựa tạo ra dầu. Dầu từ rác thải có thể dùng làm chất đốt hoặc sử dụng cho các động cơ tốc độ thấp, động cơ diesel. Sau đó, làm gạch từ nhựa dẻo bằng phương pháp gia nhiệt, tuy nhiên cả 2 cách đều thất bại do giá thành để ra sản phẩm quá cao. Bên cạnh đó, khi sử dụng nhiệt để đốt, tạo ra khí thải không thân thiện với môi trường.

Người đàn ông ở Nha Trang đam mê nhốt rác thải nhựa vào bê tông - 2

Nhựa thải từ quy trình làm khuy nút áo được ông Xuân thu thập để làm bê tông rác thải nhựa (Ảnh: Trung Thi).

Khi làm gạch từ rác thải nhựa, ông hóa dẻo nhựa với mục tiêu thay thế chất kết nối là xi măng. Tuy nhiên, qua tính toán ông Xuân thấy thực tế giá xi măng rẻ, thân thiện môi trường, ông lại suy nghĩ: "Tại sao mình phải thay thế xi măng mà không tìm cách kết hợp với chúng?".

"Theo thống kê, mỗi năm, lượng bê tông được sản xuất ra trên thế giới khoảng 35 tỷ tấn, trong khi đó rác nhựa thải ra khoảng 300 triệu tấn/năm. Do đó, tôi nghĩ rằng chỉ cần "nhốt" nhựa vào bê tông là cơ bản có thể giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra", ông Xuân nói.

Ông Xuân cho biết các phương pháp cũ đều phải tốn công đoạn phân loại và gia nhiệt, quá trình đó tốn kém và ảnh hưởng xấu tới môi trường. Còn phương pháp "nhốt" nhựa vào bê tông không gia nhiệt, cơ bản khắc phục được các tồn tại trên.

Ngoài ra, phương pháp này không "kén" nhựa, nghĩa là mọi rác thải nhựa để có thể kết hợp cùng bê tông để cho ra một sản phẩm thân thiện môi trường.

Theo tính toán, để tạo thành một chiếc ghế đá có trọng lượng 150kg, ông Xuân sử dụng 50kg nhựa. Sản phẩm bê tông từ nhựa của ông Xuân có thể chịu được sức nặng khoảng 300kg, bền và đẹp không khác gì bê tông thông thường, còn giá thành thì thấp hơn 20-30%.

"Rác thải nhựa được thu mua và cho tất cả vào máy nghiền, sau đó kết hợp với xi măng, cốt sợi phi kim, chất phụ gia. Qua nhiều công đoạn, xi măng và nhựa sẽ liên kết chặt chẽ với nhau, trở thành khối bê tông chịu lực được, chịu nhiệt, cách âm và có tính đàn hồi cao", ông Xuân chia sẻ.

Về vấn đề an toàn của bê tông từ rác thải nhựa, ông nói rằng, dù nhìn thấy hạt nhựa nhưng người dùng không tiếp xúc trực tiếp với nhựa do đã có lớp chống thấm và lớp tạo bề mặt bên ngoài. Ngoài ra, khi sản xuất cũng có thể "nhốt" nhựa vào hẳn bên trong và đổ thêm một lớp bê tông ra bên ngoài để che lấp hoàn toàn những hạt nhựa.

Người đàn ông ở Nha Trang đam mê nhốt rác thải nhựa vào bê tông - 3

Đoàn viên lắp các ghế làm bằng bê tông rác thải nhựa tại công viên dọc đường Trần Phú, Nha Trang (Ảnh: Trung Thi).

Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường

Ông Xuân cho hay, mặc dù sản phẩm làm ra cực kỳ phong phú như làm bàn, ghế, gạch lát nền, đường tải trọng thấp, vỉa hè, dải phân cách, chậu cảnh, làm vật liệu xây dựng, kênh mương nội đồng nhưng hiện nay đầu ra vẫn đang gặp khó khăn, do người tiêu dùng hiện chưa quen với việc sử dụng tác phẩm tái chế, mang tâm lý e ngại về độ an toàn.

Bên cạnh đó, hiện nước ta chưa có tiêu chuẩn cho sản phẩm tái chế nên không thể tham gia vào các công trình công cộng hay dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể về sản phẩm tái chế.

Người đàn ông ở Nha Trang đam mê nhốt rác thải nhựa vào bê tông - 4

Sản phẩm "rác thải nhựa mỹ nghệ" đang được ông Xuân nghiên cứu, phát triển (Ảnh: Trung Thi).

Ông Xuân cho biết ông sẵn sàng chia sẻ công nghệ cho các cá nhân, đơn vị quan tâm với mục đích góp phần bảo vệ môi trường. Cùng với đó, rất cần sự chung tay của mọi người, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế. Từ đó, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

"Tôi làm bê tông rác thải nhựa không phải vì tiền, nhưng tính toán làm sao để công trình mình nghiên cứu có thể làm ra tiền. Nghĩa là hữu ích, được xã hội công nhận, có như vậy thế hệ sau mới tiếp tục phát triển, phát huy", người đàn ông "nhốt" rác thải nhựa vào bê tông trải lòng.

Vừa qua, Tỉnh đoàn Khánh Hòa phối hợp với ông Xuân trưng bày 30 ghế đá và "Đoạn đường bê tông bằng rác thải nhựa" tại công viên dọc đường Trần Phú làm từ bê tông và rác thải nhựa, đem đến sự hào hứng cho người dân và du khách.

Ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa, cho biết mỗi ghế đá có thể chịu sức nặng khoảng 300kg và hoàn toàn thân thiện với môi trường, ước tính tồn tại trên 50 năm.

Còn "Đoạn đường bê tông bằng rác thải nhựa" góp phần phục vụ người dân và du khách đi bộ, tạo cảnh quan đô thị và đặc biệt góp phần tuyên truyền người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.

"Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với ông Xuân cùng thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa như xây dựng các đoạn đường bê tông rác thải nhựa, thực hiện các mô hình, vật dụng lưu niệm bê tông từ rác thải nhựa. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn sẽ đẩy mạnh việc triển khai phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh", Bí thư Tỉnh đoàn Khánh Hòa chia sẻ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm