Kinh hãi rác thải nhựa "bóp chết" danh thắng Vịnh Xuân Đài tại Phú Yên!
(Dân trí) - Danh thắng quốc gia Vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu, Phú Yên) vốn nổi tiếng với cảnh đẹp hoang sơ, hữu tình… Thế nhưng, những năm gần đây, hoạt động nuôi trồng thủy sản vượt quy hoạch, xả rác thải nhựa bừa bãi đã khiến vùng vịnh này ô nhiễm một cách nghiêm trọng.
Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước hơn 130 km², được tạo thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa. Khi đi đường bộ lên đến đỉnh dốc Găng nằm trên quốc lộ 1A, người ta có thể nhìn thấy quang cảnh của vịnh này với rừng dừa bao bọc khu vực bờ của vịnh và vòng cung núi bao bọc khu vực vịnh Xuân Đài. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hài hòa và thơ mộng.
Chính vẻ đẹp ấy, năm 2011 Vịnh Xuân Đài được công nhận là danh thắng cấp Quốc Gia. Thế nhưng cũng trong khoảng thời gian này, người dân địa phương và các vùng lân cận bắt đầu tập trung nuôi trồng thủy hải sản một cách vô tội vạ, vượt quy hoạch khoảng 2,5 lần (77.000 lồng nuôi – theo UBND TX. Sông Cầu).
Từ việc nuôi thủy hải sản một cách vô tội vạ và ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường kém, mà hàng tấn thức ăn thừa, bao bì ni lông, rác thải nhựa…đã được người dân đổ dồn xuống biển. Biến vùng vịnh này trở nên ô nhiễm một cách nghiêm trọng.
Nhức nhối vấn nạn rác thải…
Ngán ngẩm với tình trạng ô nhiễm tại Vịnh Xuân Đài, ông Huỳnh Văn Lợi, người dân ở phường Xuân Hải, TX. Sông Cầu cho biết, khoảng trước năm 2010 Vịnh Xuân Đài nước biển trong xanh, không khí trong lành lắm, người dân nuôi tôm hùm mau lớn và nhiều gia đình “phất” lên từ đây. Thấy có lợi, người dân địa phương và các vùng lân cận bắt đầu đổ về đây để nuôi tôm, cá...gây nên vấn nạn ô nhiễm, rác thải nhựa nhức nhối.
“Người ta nuôi tôm, cá nhiều nhưng không có ý thức, bỏ rác bừa bãi, bùn đất rồi rác cứ tấp vào bờ miết. Mức độ ô nhiễm ngày càng cao. Rác thải chủ yếu là bao bì ni lông, túi nhựa và cả xác động vật…khi nước cạn thì bốc lên thối lắm” ông Lợi ngán ngẩm nói.
Còn theo anh Cao Văn Niên, người dân ở phường Xuân Yên, TX. Sông Cầu, mức độ ô nhiễm ở đây là rất nghiêm trọng, nhiều đêm không ngủ được vì mùi hôi, thối. Ruồi và muỗi bu bám rác và bay vào các vật dụng, đồ sinh hoạt trong nhà, gây mất vệ sinh. Người dân mong muốn chính quyền xử phạt thật nặng hành vi xả thải ra môi trường.
“Tôi thấy ngày nào sóng biển cũng đưa rác thải vô bờ hết. Rác ùn ứ ở đây nhiều ngày, rồi ruồi muỗi bu vào lây truyền nhiều bệnh nguy hiểm. Nhiều người dân ở đây bị sốt xuất huyết nhiều lắm” anh Niên cho hay.
Vịnh Xuân Đài gánh hàng chục tấn rác thải mỗi ngày.
Ô nhiễm môi trường do người nuôi tạo ra, tác động ngược lại chính con người đã thể hiện rõ ở đại dịch tôm hùm xảy ra chính trên Vịnh Xuân Đài vào năm 2017, với thiệt hại ước tính hơn 700 tỷ đồng. Sau đại dịch, nhiều gia đình phá sản, ôm nợ…thế nhưng hoạt động xả thải làm ô nhiễm vịnh này ngày ngày vẫn đang tiếp diễn.
Theo báo cáo mới đây của UBND TX. Sông Cầu tại Hội thảo khoa học về định hướng bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên (tổ chức tháng 11/2019), ước tính mỗi ngày có từ 7,2 tấn đến 11,5 tấn chất thải xả thẳng ra Vịnh Xuân Đài, gồm bùn thải, thức ăn nuôi trồng thủy sản dư thừa, thùng xốp, bao bì, túi ni lông…
Theo bà Lê Đào An Xuân, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, nguyên nhân Vịnh Xuân Đài đang phải gánh lượng rác thải lớn là do TX. Sông Cầu chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung nên nguồn thải khu dân cư đổ trực tiếp ra khu vực vịnh.
Để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên vịnh, Tổ chức (JICA) Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ Phú Yên xử lý ô nhiễm môi trường nước vịnh bằng công nghệ máy hòa tan khí ô xi làm giảm thiểu khối lượng bùn và loại bỏ mùi hôi vào năm 2020.
“Đây là thiết bị mang tính bước ngoặt về việc hòa tan khí với số lượng nhiều vào trong nước, hiệu quả sử dụng cao gấp 50-100 lần so với sục khí thông thường. Công nghệ sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc làm giảm khối lượng bùn và loại bỏ mùi hôi. Dự tính đến năm 2020 thì các chuyên gia sẽ thực hiện công việc này” bà Xuân cho hay.
Cũng theo bà Xuân, thì việc xử lý nước trên Vịnh Xuân Đài cũng chỉ giúp giảm bớt một phần ô nhiễm. Muốn làm việc này triệt để phải dựa vào ý thức bảo vệ môi trường của người dân, “bảo vệ môi trường, là bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tiền bạc của người dân” bà Xuân nói.
Còn theo quy hoạch của UBND tỉnh Phú Yên, trong những năm tới đây, chính quyền sẽ triển khai các biện pháp di dời các lồng bè, quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản, đến năm 2025, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lồng, bè là gần 1.700 ha với 50.000 lồng.
Trung Thi