Người đàn ông 21 năm hỗ trợ vận động viên khó khăn: Hãy sống tử tế với đời

Nguyễn Cường

(Dân trí) - "Hãy biết ơn và sống tử tế với đời. Có nhiều vận động viên vẫn rất khó khăn, sau những ngày thi đấu họ lại quay về với gánh hàng rong, xấp vé số", kỷ lục gia thiện nguyện Châu Thành Toàn nói.

Từ 21 năm trước, ở những kỳ đại hội thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc, mọi người ấn tượng bởi một chàng trai luôn hò hét, cổ vũ "sung" hơn bất kỳ đội nhóm nào khác. Anh cũng sẵn sàng bồng bế, cõng, đẩy xe lăn, tiếp nước, mua đồ ăn cho bất kỳ vận động viên nào cần đến.

Chàng trai đó có mặt thường xuyên, trong hầu hết các giải đấu, rồi biến thành một phần của những giải đấu. Từ chỗ chỉ vài vận động viên biết tên, đến lúc chẳng ai không biết mặt, và họ sẽ thắc mắc khi anh không xuất hiện. Kỷ lục gia thiện nguyện Châu Thành Toàn (40 tuổi) đã bắt đầu hành trình hỗ trợ vận động viên khuyết tật như thế.

Người đàn ông 21 năm hỗ trợ vận động viên khó khăn: Hãy sống tử tế với đời - 1

Anh Toàn hỗ trợ vận động viên vừa hoàn thành phần thi (Ảnh: Nguyễn Cường).

 Duyên nợ với vận động viên khuyết tật

Anh Toàn nhớ lại, năm 2003, khi đang ở sảnh chờ của sân bay Tân Sơn Nhất, anh vô tình thấy và ấn tượng với cảnh một nhóm người khuyết tật dắt dìu nhau. Là người đã có thâm niên 5 năm làm thiện nguyện, anh Toàn không để vuột mất "cơ hội" được giúp đỡ đoàn người.

"Tôi thấy một người mù cõng một người liệt 2 chân. Người liệt chỉ đường, người mù dò dẫm. Rồi những người chỉ có 1 chân, chống nạng đi cà nhắc với ba lô nặng trĩu trên lưng. Tự nhiên đồng cảm, thương một cách khó tả", anh Toàn nhớ lại.

Dẫn đoàn người khuyết tật ra đến ghế chờ, anh Toàn mới biết họ là vận động viên đi dự Para Games II. Chỉ qua những câu chuyện trên đoạn đường ngắn, anh Toàn "bỗng thấy họ rất cần giúp đỡ, và tôi cần phải làm gì đó".

Xin số điện thoại liên hệ của đoàn vận động viên, rồi kể từ đó, mỗi dịp những người bạn mới quen cần đến, anh Toàn luôn sắp xếp công việc để hỗ trợ hết mình.

Người đàn ông 21 năm hỗ trợ vận động viên khó khăn: Hãy sống tử tế với đời - 2

Các vận động viên khuyết tật chuẩn bị thi đấu với nhiều khó khăn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Cứ qua thêm một giải đấu, lại có thêm nhiều vận động viên khuyết tật liên hệ nhờ anh Toàn hỗ trợ. Một mình không làm xuể, năm 2007, anh Toàn thành lập nhóm thiện nguyện SV07, quy tụ những người "thích lo chuyện bao đồng" như mình.

Kể từ đó, chặng đường của một nhóm thiện nguyện chuyên nghiệp bắt đầu. Không chỉ riêng hỗ trợ vận động viên khuyết tật, SV07 còn xây nhà cho người nghèo, tặng xe đạp cho học sinh, tặng cơm cho người vô gia cư, chăm sóc bệnh nhân ung thư, cứu trợ thiên tai, bão lũ… Địa bàn hoạt động trải khắp Bắc Nam.

"Làm thiện nguyện đầu tiên cần tấm lòng, cần thời gian. Nhưng tiền và kỹ năng cũng vô cùng quan trọng.

Thời gian đầu, chúng tôi làm đủ trò để có tiền đi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Anh em trong SV07 đã từng lập đội nhặt rác, hát dạo xin tiền ở quán ăn, đóng vai người hâm mộ trong những show diễn, nhận hoa giấy về gấp.

Chúng tôi chắt chiu và minh bạch từ đồng tiền quyên góp được để gây quỹ. Còn kỹ năng thì mọi người cùng học, cùng rút kinh nghiệm qua mỗi sự kiện, mỗi hành trình", anh Toàn nói.

Người đàn ông 21 năm hỗ trợ vận động viên khó khăn: Hãy sống tử tế với đời - 3

Anh Toàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ VĐV khuyết tật tới những tình nguyện viên khác (Ảnh: Nguyễn Cường).

 Là nhân viên y tế ở TPHCM, lương không cao nhưng mỗi tháng anh Toàn vẫn trích ra 1 triệu đồng đưa vào quỹ nhóm. Anh sống tằn tiện để có nhiều tiền hơn trong những lần đi giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.

Đều đặn mỗi cuối tuần, anh Toàn và nhóm có thể tổ chức những chương trình thiện nguyện về vùng khó khăn, giúp đỡ người nghèo. Hoặc nhóm sẽ vào những bệnh viện ở TPHCM thực hiện các chương trình hỗ trợ bệnh nhân.

Dần dà, với sự nhiệt huyết và minh bạch, SV07 tạo dựng được niềm tin, có những nhà hảo tâm "ruột" luôn đồng hành, hỗ trợ trong mọi chương trình. Tất nhiên nhóm cũng có những hoàn cảnh "ruột" gắn bó suốt từ ngày thành lập đến nay.

SV07 đặt chỉ tiêu mỗi năm xây một ngôi nhà tình thương. 15 năm qua, nhóm đã vượt chỉ tiêu với gần 100 ngôi nhà đã được xây dựng hoàn thành, kinh phí từ tiền các thành viên đóng góp và mạnh thường quân hỗ trợ.

Người đàn ông 21 năm hỗ trợ vận động viên khó khăn: Hãy sống tử tế với đời - 4

Đồng đội SV07 của anh Toàn đang cổ vũ cho vận động viên khuyết tật (Ảnh: Nguyễn Cường).

Hãy biết thương và sống tử tế

Hơn 2 thập kỷ làm thiện nguyện và hỗ trợ vận động viên khuyết tật, anh Toàn khẳng định "không vụ lợi mà chỉ làm vì chữ thương nên không dừng lại được". Anh nói, làm thiện nguyện không có thu nhập, nhưng có niềm vui, có hạnh phúc và được sống tử tế.

"Mình được khỏe mạnh là đã mang ơn cuộc đời rồi, phải biết ơn, biết thương và sống tử tế, giúp đỡ những người không may mắn. Và trong mỗi hoạt động thiện nguyện, tôi thấy mình có giá trị, thấy vui, hạnh phúc. Người giúp và người được giúp cùng cho nhau nghị lực để cuộc sống tốt đẹp hơn", anh Toàn nói.

Anh Toàn chia sẻ, làm thiện nguyện thì thái độ, kỹ năng đều quan trọng. Cho nhưng phải để người nhận cảm thấy họ được tôn trọng, giúp nhưng phải biết cách để người được giúp không thấy bị phiền hà. Đối với vận động viên khuyết tật, anh Toàn học cách bồng bế, học cách đẩy xe lăn chuyên nghiệp để họ tin tưởng nhận sự giúp đỡ từ anh.

"Tôi không giàu, không đầy đủ, nhưng tôi tin không phải chờ đến khi đủ mới làm thiện nguyện. Ai cũng có điều kiện làm thiện nguyện ở mức độ nào đó, còn tôi sẽ gắn bó với việc làm thiện nguyện cho đến khi không còn làm được nữa thì thôi. Tôi tin những người khó khăn cần tôi, tôi mang lại giá trị cho họ.

Tôi biết có những anh chị em vận động viên khuyết tật, hết thi đấu thì quay về với xấp vé số, gánh hàng rong, cuộc sống khó khăn. Tôi thấu hiểu và muốn được đồng hành, giúp họ một phần nào đó để vươn lên nghịch cảnh", anh Toàn chia sẻ.

Người đàn ông 21 năm hỗ trợ vận động viên khó khăn: Hãy sống tử tế với đời - 5

SV07 chia sẻ niềm vui chiến thắng với vận động viên (Ảnh: Nguyễn Cường).

Chị Nguyễn Thị Sari - Cô gái vàng của Đội tuyển quốc gia bơi Para Games coi anh Toàn như anh ruột. 2 người đã gắn bó với nhau suốt 16 năm qua.

"Quen anh từ năm 2007, lúc đó tôi còn chưa biết bơi. Anh tạo động lực rất nhiều, cùng tôi học bơi, coi nhau như anh em một nhà. Có thể nói rằng hàng chục tấm huy chương tôi đạt được có một phần là công sức của anh Toàn và SV07", chị Sari nói.

Vận động viên Nguyễn Thị Alin thì cho biết chị được anh Toàn hỗ trợ suốt 15 năm nay, từ hồi còn bán vé số dạo và chưa theo nghiệp thể thao. Đến nay chị đã sở hữu hàng chục tấm huy chương ở nhiều giải đấu.

"Hồi trước rất khó khăn, sau giải đấu tôi vẫn đi bán vé số, giờ tôi làm công nhân nên đỡ hơn. Anh Toàn hỗ trợ tiền ăn, tạo động lực và bế bồng đưa đón tôi những lần đi thi đấu. Anh còn hỗ trợ tiền để tôi duy trì cuộc sống những lúc khó khăn. Nếu không có những hỗ trợ đó có lẽ tôi đã không thành vận động viên để đạt thành tích như bây giờ", chị Alin chia sẻ.

Người đàn ông 21 năm hỗ trợ vận động viên khó khăn: Hãy sống tử tế với đời - 6

Từ lâu, những vận động viên khuyết tật và anh Toàn đã coi nhau như một phần không thể thiếu của cuộc đời (Ảnh: Nguyễn Cường).

Nói về hành trình thiện nguyện của anh Toàn, ông Nguyễn Đăng Viễn - Huấn luyện viên Trưởng Đội tuyển quốc gia bơi Para Games nhận xét: "Khó tìm được thêm một ai như anh Toàn, hay một đội nào như đội nhóm của anh ấy. Mọi người nhiệt tình, hết mình, hầu như có mặt ở mọi giải đấu trong nước dành cho người khuyết tật.

Anh Toàn và đội của anh ấy hỗ trợ, động viên rất nhiều đối với các vận động viên, hành động rất tuyệt vời".

Sau chặng đường dài làm thiện nguyện và đồng hành cùng vận động viên khuyết tật, năm  2020 anh Toàn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập Top kỷ lục thiện nguyện Việt Nam. Anh cũng vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các Bộ và địa phương bởi hành động nhân văn của mình.