Kể chuyện "Rồng Vàng" và long cuộc "Rồng nằm" ở Tây Đô
(Dân trí) - Trong 12 con giáp, Rồng là loài vật siêu nhiên, do con người tưởng tượng. Đây là loài vật có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam.
Rồng biểu trưng cho sự uy quyền, thịnh vượng, may mắn và sự trường tồn. Hình ảnh và truyền thuyết về Rồng nói lên ước mơ, khát vọng ngàn đời về sự hiển vinh, cẩm tú của non sông gấm vóc.
Bên tách trà Xuân năm Giáp Thìn, xin kể chuyện về "Rồng Vàng" và long cuộc "Rồng nằm" trên đất Tây Đô.
Người Việt Nam ngàn đời tự hào là "con Rồng cháu Tiên". Tín ngưỡng thờ Tổ Phụ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ có hàng ngàn năm qua, biểu trưng cho đạo lý cây có cội, nước có nguồn, biểu thị thiêng liêng cho hai tiếng dân tộc, hai tiếng đồng bào.
Tự hào dòng dõi Rồng Tiên, dân tộc Việt Nam bao đời dựng nước và giữ nước, làm nên dân tộc hùng cường, quốc gia thịnh trị. Lịch sử Việt Nam ta gắn liền với những truyền thuyết về Rồng. Đó là nơi Rồng bay lên nơi một vùng đất hưng thịnh, vượng khí, Đức Lý Thái Tổ đã chọn đóng đô, tên gọi Thăng Long. Thăng Long xưa nay là Thủ Đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đó còn là vùng đất long mạch, nơi Rồng hạ xuống, danh gọi Hạ Long.
Dọc dài đất nước Việt Nam, không khó tìm gặp những địa danh Long hay Rồng. Ở khu vực ĐBSCL, từ Long còn được gọi trại thành Luông. Những mảnh đất đi qua, đây: Phú Luông, Khai Luông, Hàm Luông... đây: Vĩnh Long, Long Hồ, Long Hậu, Long Tuyền, Long Hòa, Long An, Long Xuyên... và kìa: Hàm Rồng, Rạch Rồng... nói lên sự cẩm tú, khang trang và trổi vượt của xứ sở qua tên đất, tên làng.
Người miền Tây lại tự hào là quê hương của dòng Cửu Long uốn lượn, nơi vùng đất Chín Rồng vươn ra biển lớn. Chín cửa sông như chín miệng Rồng, hút tinh túy từ biển khơi, mây trời, nuôi nấng long mạch cho xóm làng, quê hương.
"Rồng Vàng" Bùi Hữu Nghĩa
Ca dao Nam Bộ có câu:
"Đồng Nai có bốn Rồng Vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi"
Hay là:
"Vĩnh Long có cặp Rồng Vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuẫn Thần"
Trước hết, cần hiểu rằng, bối cảnh câu ca dao này nhắc đến là Đồng Nai và Vĩnh Long, không phải là địa giới hành chính hiện đại mà lúc bấy giờ, xứ Đồng Nai được tạm hiểu là gần cả Nam Bộ ngày nay; còn tỉnh Vĩnh Long xưa bao gồm cả Cần Thơ nay.
Trong 4 nhân vật được xưng tụng Rồng Vàng xứ Đồng Nai, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa giỏi ở lĩnh vực thơ, bên cạnh các nhân vật khác giỏi về mỹ thuật, viết phú và ngón đàn. Ở một vùng đất rộng lớn như vậy, việc Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được vinh danh Rồng Vàng là một vinh dự lớn.
Còn với câu ca dao thứ 2, Phan Tuẫn Thần chính là cụ Phan Thanh Giản, vị Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ, vị đại thần triều Nguyễn. Việc dân gian ví cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và cụ Phan Thanh Giản là cặp Rồng Vàng, cho thấy sự ngưỡng vọng, trọng thị.
Trong bối cảnh triều đại phong kiến nhà Nguyễn, việc ví một nhân vật là "Rồng Vàng" cũng là điều hiếm có, khó tìm. Bởi, Rồng trong tín ngưỡng, văn hóa Việt Nam luôn tượng trưng cho Vua, cho Hoàng tộc, là biểu tượng vương quyền. Vậy nên, việc một người con của xứ sở Bình Thủy, Cần Thơ được xưng tụng là "Rồng Vàng" thật đáng tự hào.
Rồng Vàng ở đây được hiểu vừa chỉ tài năng, vừa chỉ đức độ. Đời truyền đời, người Bình Thủy, người Cần Thơ vẫn luôn tự hào về gương sáng "Rồng Vàng" Bùi Hữu Nghĩa, từ đó nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của tiền nhân, góp phần làm dày thêm bản sắc văn hóa cho vùng đất này.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807, tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định (nay thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Cụ thi Hương năm Ất Mùi (1835) ở Gia Định và đỗ đầu, từ đó thường được gọi là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hay Thủ khoa Nghĩa.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là vị quan thanh liêm, đứng về phía dân nghèo, không khuất phục cường quyền. Điển hình là vì bênh vực dân nghèo trong một vụ án ở rạch Láng Thé, cụ bị bọn tham quan, cường hào hãm hại, vu oan tội xúi dân làm loạn, chủ mưu giết người. Triều đình phán cụ Thủ khoa tội tử. Bà Nguyễn Thị Tồn đã lặn lội ra kinh đô Huế kêu oan cho chồng.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa còn được nhắc nhớ muôn đời với tài năng văn chương sáng chói, là Rồng Vàng của đất Nam Bộ. Các áng văn, thơ của cụ thể hiện tinh thần yêu nước, chống xâm lược, chống áp bức, bất công, giàu tình yêu thương.
Đặc biệt, trong thời gian trấn nhậm đồn Vĩnh Thông, cụ đã viết bổn tuồng "Kim Thạch kỳ duyên" (mối tình kỳ lạ, đầy sóng gió của chàng Kim Ngọc và nàng Thạch Vô Hà). Đây được xem là một trong những bổn tuồng cổ xưa nhất của nước ta và cũng là bổn tuồng đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp. Do vậy, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ngoài là nhà thơ tên tuổi còn là một trong những người khai phá nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Tuổi xế chiều, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cáo quan, về quê ở làng Long Tuyền - Cần Thơ sống cảnh thanh bần, dạy học, làm thơ, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Cụ qua đời năm Nhâm Thân 1872, thọ 65 tuổi.
Long Tuyền - thế đất "rồng nằm"
Long Tuyền là tên gọi xưa của vùng đất Bình Thủy, TP Cần Thơ ngày nay. Theo nhà biên khảo Huỳnh Minh thuật trong quyển "Cần Thơ xưa", Long Tuyền có từ thời Hậu Lê, đến đời vua Gia Long năm thứ 15, Bính Tý 1816, long cuộc trổ ra, phong quang ngày càng xinh đẹp, nghiễm nhiên là một nơi "đất lành chim đậu", "địa linh nhân kiệt".
Vậy, hai từ "long cuộc" nhà biên khảo Huỳnh Minh nói, do đâu mà có?
Theo ông, thuở xa xưa, làng Long Tuyền có tên là Bình Hưng, sau cải lại thành Bình Phó. Đất này có nguồn nước trong lành, từ trong lưu vực cồn Linh nối dài tới Thới Bình, sông sâu mà không có sóng lớn, gió to. Năm 1852, tương truyền trong một cuộc tuần thú đến đất này, do được đất che chở khỏi sóng to gió dữ, Tuần Phủ Huỳnh Mẫn Đạt đã đặt tên cho vùng đất này là Bình Thủy, tấu lên triều đình sắc chuẩn.
Năm 1908, vùng đất Bình Thủy lại thêm cẩm tú, mỹ miều, sung túc. Tri Phủ Nguyễn Đức Nhuận và Cai Tổng Lê Văn Noãn đều là người Bình Thủy, từ lòng yêu mến quê hương, trong dịp nọ, đã mời thân hào, nhân sĩ, nhóm họp bàn chuyện đổi tên làng.
Tri Phủ Nhuận nhắc lại tích gọi tên Bình Thủy thuở xưa của Tuần Phủ Huỳnh Mẫn Đạt rồi nói: "Đời càng văn vật thì phong khí càng mở mang ra, thiết nghĩ, chúng ta cũng nói lên tấm lòng yêu quý mảnh đất quê hương của chúng ta, đánh dấu thêm một đoạn đường đã trải qua. Các ông nghĩ sao?". Lời khai từ của Tri Phủ Nhuận nghe thao thiết, cảm tình nên ai cũng động lòng và đồng tình.
Vậy rồi Tri Phủ Nhuận giải thích, cuộc đất ở xứ sở này rất tốt. Con rạch thì nguồn nước chảy uốn khúc như rồng nằm, miệng ngậm trái châu là cồn án ngang con rạch. Lại có 4 chân, 2 chân trước ấy là rạch Ngã Tư Lớn và Ngã Tư Bé ngang nhau; hai chân sau là rạch Miễu Ông và rạch Cả Tắc ngang nhau. Đuôi rồng uốn khúc vắt qua làng Giai Xuân. "Địa hình, địa cuộc đã trổ ra như thế, tôi muốn đặt tên lại là Long Tuyền. Quý chức đồng ý chăng?", Tri Phủ Nhuận hỏi.
Ông Cai Tổng Noãn đáp lời rằng, hai chữ Long Tuyền thật đầy đủ, ý vị. Nhưng hai chữ Bình Thủy cũng rất hay. Vậy nên, tên Bình Thủy đặt cho chợ còn Long Tuyền đặt cho làng. Hết thảy mọi người đều đồng tình.
Giai thoại này cũng góp phần lý giải vì sao đình Bình Thủy lại có tên gọi khác là "Long Tuyền cổ miếu". Qua đây cũng cho rằng, tiền nhân xưa trên đất Bình Thủy rất ý tứ và tự hào về "long cuộc" của xứ sở. Ấy là thế rồng nằm, là nơi rồng ở, vùng đất có phong thủy viên viên, tài lộc túc túc.
Mai Huỳnh