Bài 2:

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cần làm gì?

(Dân trí) - Trong tố tụng hình sự có một giai đoạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Tại giai đoạn này, cơ quan điều tra có quyền triệu tập người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đến làm việc.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Khi một người dân nhận được văn bản tố tụng như lệnh, quyết định, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu đến làm việc thì cần phải xem xét kỹ lưỡng nội dung văn bản. Trong văn bản sẽ phải chỉ rõ tư cách tham gia tố tụng của người bị triệu tập, liên quan vụ việc gì, đến đâu, gặp ai, làm việc gì.

Đây là những thông tin rất quan trọng. Chỉ khi biết được tư cách tham gia tố tụng mới hiểu được mình có quyền và nghĩa vụ gì trong quá trình làm việc. Chỉ khi biết đến để làm gì, trong vụ việc gì thì người dân mới đánh giá, cân nhắc được sự nghiêm trọng của vấn đề, từ đó có sự chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho phù hợp.

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cần làm gì? - 1

Luật sư Quách Thành Lực phân tích quy định pháp luật liên quan đến hoạt động triệu tập người bị tố giác, bị đề nghị khởi tố.

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có các quyền và nghĩa vụ sau:

"1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:

a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;

b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;

d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;

h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố." (Theo điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự)

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố được cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập có nghĩa vụ phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên trong một số trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan như làm ăn xa, ốm đau, bệnh tật thì người bị triệu tập có thể liên hệ lại với cơ quan tiến hành tố tụng sắp xếp một thời điểm khác để đến làm việc. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể bị dẫn giải khi mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền thì cần hiểu rằng họ được lựa chọn thực hiện hay không. Người này có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến hoặc không trình bày lời khai ý kiến trước các câu hỏi của điều tra viên. Họ có quyền im lặng không trả lời hoặc trả lời không nhớ, không nắm được sự việc…

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Theo quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cần phải xuất tình đầy đủ giấy tờ nhưng không phải thực hiện thủ tục đăng ký và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên tại Thông tư 46/2019/TT-BCA, điều 9 lại quy định thêm Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Theo đó Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì cần 24h để có Thông báo về việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và vào sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Như vậy Thông tư đã đưa ra thêm một thủ tục mà Luật Tố tụng không quy định. Điều này sẽ làm hạn chế quyền tiếp cận luật sư của người dân.

Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố cần bình tĩnh, nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến vụ việc mình bị triệu tập. Nên sử dụng quyền nhờ Luật sư làm người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp trong buổi làm việc để tận dụng hết các quyền và giảm thiểu những rủi ro pháp lý.