3 phút cùng luật sư:
Ngọc Trinh hôn môi bé trai có bị xem là dâm ô?
(Dân trí) - Hành động hôn môi bé trai của Ngọc Trinh có phải bị xem là hành vi trái pháp luật hay không thì chưa thể kết luận ngay được mà cần phải xem xét về động cơ, thái độ thực hiện hành vi này.
Những ngày qua, cộng động mạng xôn xao và phẫn nộ với hình ảnh người mẫu nổi tiếng Ngọc Trinh có hành động hôn môi 1 bé trai. Được biết bé trai này chỉ mới 8 tuổi, đang là người mẫu nhí đóng cùng Ngọc Trinh trong 1 bộ phim. Nhiều người cho rằng hành vi này là rất phản cảm, thậm chí có thể xem là dâm ô.
Vậy theo pháp luật, hành động này được nhìn nhận như thế nào? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Nguyễn Đức Hoàng để cùng tìm hiểu.
Thưa luật sư, hành động hôn môi bé trai 8 tuổi như trong hình ảnh được lan truyền của Ngọc Trinh có bị xem là trái pháp luật không? Nếu có thì đã vi phạm cụ thể điều gì và bị xử lý thế nào?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Việc người lớn hôn và âu yếm trẻ em thường là thói quen thể hiện sự yêu thương và thường vẫn được chấp nhận một cách vui vẻ từ phía bé, cũng như người nhà của bé. Tuy nhiên, có những người lợi dụng sự "trong sáng" của thói quen này để thỏa mãn những động cơ không trong sáng của mình để thỏa mãn nhu cầu tình dục của bản thân.
Trong trường hợp này thì người thực hiện hành vi tùy từng mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, như là tội dâm ô với người dưới 16 (Điều 146 Bộ Luật Hình sự 2015). Vì vậy, hành động hôn môi bé trai của một người lớn có phải bị xem là hành vi trái pháp luật hay không thì chưa thể kết luận ngay được mà cần phải xem xét về động cơ, thái độ của người thực hiện hành vi này.
Những hành động gì của người lớn làm với trẻ em bị xét là lạm dụng hoặc dâm ô thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi như đã nói ở trên được quy định tại Điều 146 Bộ Luật hình sự 2015, theo đó được hiểu là một trong các hành vi sau đây nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi:
1. a) Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi;
b) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn... vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác;
c) Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...).
Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ: qua lớp quần áo).
Ở góc độ cá nhân, luật sư đánh giá thế nào về hành động này?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Với những gì được biết, tôi nghĩ nó là một hành động thể hiện tình cảm của một người lớn với đứa trẻ mà mình yêu thương. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi việc yêu thương một đứa trẻ và thể hiện tình cảm yêu thương cũng cần phải có chừng mực và thể hiện đúng cách. Tránh trường hợp việc yêu thương gây nên sự phản cảm và ảnh hưởng đến trẻ em dẫn đến có thể sẽ bị xem xét chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.