3 phút cùng luật sư:

"Hồn nhiên" bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 100 triệu đồng

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Hàng hóa xách tay được xem là hàng hóa nhập lậu. Việc bán hàng hóa nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.

Hiện nay, hàng xách tay rất phổ biến trên thị trường. Pháp luật cũng đã có quy định để điều chỉnh vấn đề này. Tuy nhiên, không ít người bán vẫn rất "mơ hồ" về tính pháp lý của chính hàng hóa do mình bán ra.

Nói về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Chánh chia sẻ:

Những quy định về pháp luật với việc buôn bán hàng xách tay

Về thuật ngữ "hàng xách tay" thì đây là cách gọi thông thường của người tiêu dùng chứ không phải là một thuật ngữ pháp lý. Do đó, để hiểu đúng về tính pháp lý việc mua bán hàng xách tay cần xem xét từng loại mặt hàng được bán cũng như cách thức vận chuyển hàng hóa vào Việt Nam như thế nào.

Tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2020) định nghĩa về hàng hóa nhập lậu như sau:

a) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu;

b) Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.

Hồn nhiên bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 100 triệu đồng - 1

Luật sư Nguyễn Đức Chánh trao đổi cùng PV Dân Trí

Như vậy, trong trường hợp hàng hóa xách tay thuộc vào một trong những trường hợp nêu trên thì sẽ được xem là hàng hóa nhập lậu. Việc bán hàng hóa nhập lậu là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, việc mua bán hàng nhập lậu có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể:

Người có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2020). Theo đó, mức phạt tiền tối đa lên đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi vi phạm bị xử phạt. Cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, tịch thu phương tiện vận tải, … Ngoài ra, cá nhân vi phạm phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Có thể thấy, chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu là rất nặng. Chính vì vậy, những cá nhân có ý định kinh doanh hàng xách tay cần cân nhắc trong việc kinh doanh của mình và phải đảm bảo hoạt động kinh doanh tuân thủ đúng quy định pháp luật.