Muốn tố cáo khi mua phải hàng giả, hàng nhái, người dân cần làm gì?

Hải Hà

(Dân trí) - Để có căn cứ khiếu nại và yêu cầu bồi thường, người tiêu dùng phải giữ nguyên hiện trạng của sản phẩm bị lỗi cùng các giấy tờ liên quan như hóa đơn, chứng từ, phiếu bảo hành...

Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái (hàng fake) được sản xuất một cách tinh vi khiến người mua, thậm chí cả người bán cũng không phân biệt nổi, vậy trường hợp người bán không biết là họ bán hàng fake thì có bị xử lý?

Nếu mua phải hàng giả, nhất là thực phẩm như sữa, thuốc... gây ảnh hưởng đến sức khỏe thì quy trình, thủ tục pháp lý cần có khi người dân muốn khiếu nại, yêu cầu đòi bồi thường thế nào?

Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng văn phòng luật Đồng đội trả lời:

Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Như vậy, để được xem là đồng phạm về Tội buôn bán hàng giả thì người bán hàng và người cung cấp hàng hóa đều phải biết hàng hóa mà họ xuất ra ngoài thị trường là hàng giả và cùng có ý định dùng số hàng hóa này để sản xuất, buôn bán nhằm mục đích sinh lời. Nếu người bán hàng không biết được hàng hóa mà mình bán là hàng giả thì không có căn cứ chứng minh họ là đồng phạm.

Muốn tố cáo khi mua phải hàng giả, hàng nhái, người dân cần làm gì? - 1

Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng Văn phòng luật Đồng đội.

Tuy nhiên, nếu có căn cứ chứng minh người bán hàng biết nguồn gốc hàng hóa là hàng giả nhưng do hám lợi vẫn bán hàng và khai báo quanh co thì tùy vào tính chất, đối tượng hàng hóa và hậu quả của hành vi mà người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để có căn cứ khiếu nại và yêu cầu bồi thường, người tiêu dùng phải giữ nguyên hiện trạng của sản phẩm bị lỗi cùng các giấy tờ liên quan như hóa đơn, chứng từ, phiếu bảo hành... Trường hợp đã sử dụng sản phẩm lỗi gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng (gây ngộ độc, thương tích...) hoặc làm hư hỏng các tài sản khác, người tiêu dùng cần giữ lại các tài liệu chứng minh có thiệt hại như: chẩn đoán của bệnh viện, đơn thuốc, biên lai thu tiền khám chữa bệnh, hóa đơn sửa chữa… Sau khi đã thu thập được chứng cứ, tài liệu, người tiêu dùng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa.

Trong quá trình khiếu nại, nếu hai bên không thể thỏa thuận, người tiêu dùng có thể gửi đơn khiếu nại kèm theo các hồ sơ, tài liệu đã thu thập được tới một trong những cơ quan sau: Chi cục Trưởng chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương; Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương; Thanh tra cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để yêu cầu giải quyết, xử lý vi phạm của các cá nhân, tổ chức căn cứ Điều 25, Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 34 Nghị định 99/2011/NĐ-CP.

Trường hợp khởi kiện đến Tòa án thì người tiêu dùng cần nộp đơn khởi kiện ghi rõ nội dung yêu cầu bồi thường thiệt hại cụ thể số tiền là bao nhiêu?, dựa trên căn cứ nào?.. nộp kèm theo đó là tài liệu, chứng cứ chứng minh có sự việc và quyền lợi bị xâm phạm như: vi bằng, sản phẩm bị lỗi, file ghi âm, ảnh chụp sản phẩm, lời trình bày, xác nhận của người chứng kiến… Trường hợp lựa chọn giải quyết tại Trọng tài thì người tiêu dùng và bên kinh doanh hàng hóa phải có thỏa thuận trọng tài (có thể trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra).