Nghệ thuật thư pháp, phong vị ngày xuân

(Dân trí) - Vào mỗi dịp xuân sang tết đến, cùng với việc du xuân, thăm thú họ hàng, bè bạn, không ít người lựa chọn cho mình một thú chơi truyền thống, tao nhã. Một trong những thú chơi đó là nghệ thuật thư pháp.

Nghệ thuật thư pháp, phong vị ngày xuân - 1

Thư pháp không chỉ thể hiện bằng nét chữ tài hoa mà còn bằng cả cái tâm và cá tính của người viết.
 
Thư pháp có nghĩa ban đầu là phương pháp viết chữ cho sao chuẩn xác, cho đẹp. Theo dòng thời gian, thư pháp đã vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu và trở thành nghệ thuật viết chữ cách điệu, trở thành những hình tượng nghệ thuật thể hiện những ý tử trực giác hoặc sâu xa của tác giả.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Đối với các bậc nho học xưa, học văn chương bao giờ cũng bắt đầu bằng việc học viết chữ. Văn bao giờ cũng đi liền với chữ viết, bởi thế mới có câu “văn hay chữ tốt”. Hai nguyên tắc cơ bản trong viết thư pháp là hìnhthần. Qua mỗi tác phẩm thư pháp, thể hiện được tài năng viết chữ đẹp, quan trọng hơn, qua nét chữ hiểu được tâm thức của người viết chữ. Nghệ thuật thư pháp Việt Nam gắn liền với tên tuổi của các bậc hiền nhân như: Cao Bá Quát, Trương Hán Siêu, Nguyễn Khuyến… Nghệ thuật viết chữ Hán của người Việt luôn trọng chừng mực, mềm mại mà không yếu đuối, nét bút bay bướm, tài hoa nhưng mô phạm, sâu lắng. Điều đó thể hiện nền văn hóa Việt Nam khiêm tốn, mộc mạc nhưng không hề thiếu cá tính, không quá chú trọng cái phi thường mà ưu cái bình dị, gần gũi. Đây đồng thời là điểm khác biệt giữa thư pháp Việt Nam và thư pháp Trung Quốc. Qua quá trình tìm hiểu, một điều dễ nhận thấy là thư pháp Việt Nam mang đậm nét “tài tử”. Nhắc tới thư pháp Việt, người ta có thể liên tưởng tới hình ảnh ông đồ đang ngồi thảo những nét “như phượng múa rồng bay” rất gần gũi. Nhiều tác phẩm thư pháp đi vào lòng người từ những rung cảm, cảm hứng có thật, không hề có cái gọi là quý tộc, siêu phàm mà thay vào đó là sự mộc mạc, chân chất, giản dị.

Các bậc hiền nhân xưa vẫn từng cho rằng: “học tập thư pháp có thể tu thân dưỡng tính, đào dã tâm tình” (học tập thư pháp có thể tu thân dưỡng tính, uốn nắn tình cảm). Nói đến thư pháp là nói đến khổ luyện, người xua quan niệm: “học thư vô nhật bất lâm trì” (học thư pháp chẳng ngày nào mà không vào ao). Thuật ngữ “lâm trì” ý nói công phu khổ luyện thư pháp. Tích xưa kể lại thư pháp gia Trương Chi đời Đông Hán mỗi ngày luyện viết xong thì rửa bút ở ao, lâu ngày nước đen như mực (lâm trì học thư trì thủy tận mặc). Các công cụ cơ bản để tạo nên một tác phẩm thư pháp là: bút, nghiên, giấy, mực (còn gọi là “văn phòng tứ bảo”). Việc học thư pháp xưa nay thường khởi đầu bằng khải thư khi thuần thục mới chuyển sang hành thưthảo thư hoặc triện thư. Người bắt đầu học thư pháp luôn cần có thầy dạy, ít ai có thể tự học được. Phải trực tiếp chứng kiến phương pháp viết chữ của thầy mới lĩnh hội hết được bút ý, có những phương pháp viết chữ cần được giảng giải trực quan, không thể tự đọc sách mà hiểu. Người giỏi thư pháp bên cạnh việc cần có đức tính kiên nhẫn còn phải là người ham học hỏi và có ít nhiều năng khiếu. Chữ nghĩa thường thấy trên các bức thư pháp như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, phúc, lộc, thọ, nhẫn. Ngoài ra các bài thơ hay, những lời hay ý đẹp cũng xuất hiện nhiều tại các cuộc triển lãm thi pháp, trên lịch tết, trong nhà những người yêu thư pháp và đam mê văn chương, nhất là vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Thi pháp ở Việt Nam bao gồm hai dòng chính: thư pháp Hán – Nôm và thư pháp chữ Việt. Thư pháp chữ Việt được bắt đầu khoảng vài chục năm gần đây. Thư pháp chữ Việt là sự sáng tạo mang âm hưởng nguồn cội, là sự nối tiếp và kế thừa của thư pháp truyền thống. Hình thức trình bày, bố cục tương tự như thư pháp chữ Hán: màu đen của mực tương phản với màu nền duy nhất, chữ quốc ngữ được bố trí trong khối tròn hoặc vuông, nội dung tư tưởng vẫn xoay quanh tư tưởng đạo đức nhân văn, từ những câu đối, lời hay ý đẹp… Thư pháp chữ Việt hiện có 5 kiểu chữ chính: chữ chân phương, chữ cách điệu, chữ cá biệt (cuồng tháo), chữ mô phỏng, chữ mộc bản. Nhìn chung, các kiểu chữ đều có tính biểu cảm, xuất phát từ bản tính của người Việt, trọng tình cảm, hiền hòa, linh hoạt, nét bút khoan thai, bay bướm, không câu nệ, khuôn sáo. Các chất liệu làm nền cũng phong phú hơn: giấy dỏ, giấy lụa, mành tre, bia đá…Thư pháp chữ Việt là sự kết hợp giữa cái thần của chữ Hán và nét chữ quốc ngữ, là sự giao hòa giữa văn hóa Đông – Tây. Xã hội càng phát triển, việc tìm về với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc càng trở nên cần thiết. Tìm đến với nghệ thuật thư pháp vào mỗi dịp đầu xuân không chỉ là cách để tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn góp cho phong vị của ngày xuân càng thêm đậm đà.

 

 

Bùi Minh Tuấn
( Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Thư pháp không chỉ thể hiện bằng nét chữ tài hoa mà còn bằng cả cái tâm và cá tính của người viết. Cho nên, nói : “xem chữ biết nết người” thì điều này càng chí lý đối với việc xem thư pháp.

 

Dành lúc an nhàn và thư thái trong không khí ngày đầu xuân để viết thư pháp và thưởng ngoạn cảnh viết thư pháp quả là một thú chơi tao nhã đậm đà tính dân tộc vốn có truyền thống văn hiến như dân tộc Việt Nam ta.

 

Thú chơi tao nhã ấy ngày càng thu hút đông đảo người tham gia, không chỉ ở lớp người cao tuổi hoặc trung niên mà cả thanh niên cũng tập viết thư pháp và đến thưởng ngoạn các phòng trưng bầy thư pháp vào các dịp lễ hội, nhất là vào những ngày đầu xuân. Đấy là một tín hiệu đáng mừng trong cuộc “hành hương” tìm về với cội nguồn truyền thống văn hóa dân tộc.