Nghề giáo nhìn từ nhiều phía
(Dân trí) - Bài viết “Ước muốn làm người thầy đúng nghĩa” được đăng trên Dân trí dường như đã gãi đúng chỗ ngứa của cả những người trong và ngoài ngành. Bao điều trăn trở được dãi bày, bên cạnh những cái nhìn của không ít người "ngoại đạo".
Những người thầy tâm huyết nhất, yêu nghề nhất có lẽ cũng đã phải đấu tranh rất nhiều với đời sống bấp bênh, khắt khe để không bị lung lay, để không bị sa đánh mất niềm tin vào cái nghề mà họ theo đuổi.
“Ước muốn làm người thầy đúng nghĩa” là bài viết có lẽ là đã lâu lắm rồi tôi mới thấy có người tâm huyết thế! Đã lâu rồi hình như cái nghề được tôn vinh “cao quý nhất trong các nghề cao quý” mới được dãi bày trên diễn đàn.
Thưa các bạn, tôi đã “lái đò” trên con đò này 13 năm, cùng các em học sinh tiểu học tại vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Qua bài viết “Ước muốn làm người thầy đúng nghĩa” có lẽ cũng là niềm an ủi và bộc bạch bấy lâu nay phần nào. Nói ngắn gọn như sau:
+ Giáo viên: cái nghèo, cái thiếu lúc nào nó cũng đeo đẳng, làm cho người thầy nhiều phần bị chi phối. Học nâng cao trình độ chuyên môn, thì khi chuyển ngạch cũng không đủ trả lãi vay tiền để học nâng cao trình độ.
Vay làm nhà, mua xe ... tiền lương biết khi nào được lấy đủ cả tháng, trừ ngân hàng, trừ tham quan du lịch, các loại trừ... nhìn lại chả còn lại bao nhiêu! Có nơi đi chậm 2, 3, có khi đến 5 phút là cùng vì có lý do chính đáng cả thôi mà cũng bị trừ nữa...
Nghịch lý ở đời là hai vợ chồng giáo viên cố mãi mới làm được cái nhà nho nhỏ, thế mà bên cạnh là một hộ nghèo của thôn lại đang xây cái nhà mái bằng dài 18m.
Cũng hơn anh em hợp đồng là biên chế mỗi tháng trên 6 triệu đồng nhưng khi chia theo nhân khẩu được 50 nghìn/người/ngày, lấy đâu tiền xăng mà chạy...
(ảnh minh họa nguồn internet)
“Là một giảng viên đại học đã gần 3 năm công tác, tôi nhận thấy càng ngày mình càng yêu nghề và càng cảm nhận đây là nghề cao quý.
Nhưng nói thật là những gì chúng tôi cống hiến đã không được bù đắp xứng đáng. Hiện giờ mức lương gần 3 triệu đồng, làm sao sống được giữa thủ đô? Lại còn phải lo cho sự nghiệp học hành cả đời, từ cao học, lên tiến sỹ, đến ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học... và bao thứ khác nữa chứ. Nói ra cũng chỉ là hi vọng một ngày nào đó, chúng tôi nhận được sự quan tâm và công bằng đối với xã hội mà thôi.
Mỗi người đều có sự lựa chọn của mình. Tôi chọn nghề mà tôi yêu, dù vất vả nhưng vẫn luôn cố gắng, chỉ cần được tôn trọng mà thôi. Những người trong nghề cũng đủ loại người, tôi không vơ đũa cả nắm nên cũng mong một số người đừng vơ đũa cả nắm khi nói rằng giáo viên thì có thu nhập chính là từ sinh viên, học sinh, phụ huynh chẳng hạn. Tôi xin nói thẳng rằng đã làm giáo viên, thì hầu hết đều là những người tâm huyết với nghề.
Từ ngày bước lên bục giảng, tôi luôn cảm thấy công việc của mình như một công việc tình nguyện vậy. Tôi thì vẫn giữ ý chí vững vàng và tin rằng tôi sẽ thành công trên con đường tôi đã chọn. Tôi cũng thích làm giàu, nhưng sẽ làm giàu chính đáng. Nhưng khách quan mà nói, thì tôi thấy có rất nhiều báo động vì đời sống giảng viên, giáo viên quá thấp, nhất là giáo viên trẻ. Thử hỏi nếu hai vợ chồng làm giảng viên mà không đủ sống, không đủ nuôi con... thì người ta có còn trụ lại với nghề được không?
Nghề mà đòi hỏi cao, lương lại thấp, thì tất nhiên không thu hút người tài, và cứ thế, không hiểu càng ngày chất lượng giáo dục sẽ càng đi đến đâu.
Hôm trước, tôi có đi nghe một diễn giả (được quảng bá là hàng đầu Việt Nam). Nói câu nào là ông chê giảng viên câu đó, ông động viên sinh viên làm giàu và kiếm tiền bên ngoài. Rồi ông nói giảng viên thiếu kĩ năng, không dám ra ngoài đời, không thành công được như ông.
Tôi là người hết mình ủng hộ sinh viên, và cũng cảm ơn vì ông đã nhận lời mời về diễn thuyết cho sinh viên của chúng tôi. Nhưng ông không biết rằng, chúng tôi luôn phải cố gắng cập nhật theo khoa học hiện đại; luôn cố gắng để cân bằng kiến thức và kinh nghiệm thực tế; có thêm hiểu biết về ngành giáo dục, về tâm lý sinh viên, về xu hướng của thời đại. Chúng tôi cũng tự rèn luyện để dạy sinh viên các kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên... Nếu có khi nào nản lòng, tôi lại tự động viên mình cố gắng vì tôi yêu sinh viên, nên luôn phải hoàn thiện bản thân mình, luôn phải "giữ mình" nữa!
Cảm ơn báo Dân trí đã giúp chúng tôi chia sẻ những tâm tư của mình như thế này!” Lê Dung: angel_wru@yahoo.com.
“Tôi cũng là một GV mới ra trường, may mắn hơn các bạn khác là khi ra trường tôi xin được vào 1 trường cấp III. Nhưng thú thật, đến thời điểm hiện tại thì tôi thấy nản với nghề rồi. Tôi không dám nói tới những bất cập về đồng lương nữa vì các bạn đã nói nhiều rồi, vấn đề tôi muốn đề cập tới đó là chất lượng giảng dạy. Không biết ở các trường cấp III khác như thế nào, chứ ở trường tôi đang công tác có thể nói 80% các em HS không giải được một bài toán về Quy đồng mẫu số. Vậy thử hỏi, nếu như tất cả HS của chúng ta đều như vậy thì đất nước chúng ta sẽ ra sao trong 5 năm nữa. Nguyên nhân tại sao thì rất nhiều, chẳng hạn như: chúng tôi ngoài việc lên lớp giảng dạy còn phải họp hành, hoàn thành hồ sơ chuyên môn, làm thêm ...” - Nhung: hoangnhung_86hg@yahoo.com.
“Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến trên của bạn đọc. Tôi cũng là GV trung học đã 21 năm công tác, 14 năm dạy vùng sâu, vùng xa khó khăn của tỉnh vùng núi. Tôi thấy thật là vất vả không để đâu hết cũng không bút nào tả hết nỗi khổ của GV vùng sâu, vùng xa nhưng thật là 1 nghề nhiều áp lực quá: áp lực chất lượng, áp lực từ cấp phòng xuống. Nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề cho dù lương của tôi bây giờ đã 5 triệu nhưng sống ở TP cũng khó khăn khi nuôi thêm 1 con ăn học. Tôi tâm huyết mãi câu nói của 1 người làm ngoài với tôi rằng: chị làm GV lương 5-10 triệu đ/ tháng nhưng khi nhìn lại xem chị có gì khi cuối tháng thì lương cũng hết. Còn tôi làm ngoài nhưng tôi vẫn xây nhà... Còn chúng tôi GV không biết khi nào có tiền xây nhà... khi tết được 50.000 đ thưởng của CĐ trích từ quỹ CĐ ra lại là tiền đóng góp hàng tháng của mình. Vậy thì ai muốn vào nghề "cao quý" nữa” - Khoangtam: khoangtam@gmail.com.
“Tôi là một giáo viên đã công tác trong ngành giáo dục 25 năm và làm hiệu trưởng liên tục 23 năm. Hiện tôi vẫn đang đương nhiệm, tôi thấy bài viết của các bạn đúng với thực trạng giáo dục hiện nay quá: Nói chống thành tích nhưng bệnh càng nặng. Nặng từ cấp sở đến cấp trường, nặng từ giáo viên lên đến giám đốc sở. Áp lực thì vô cùng nặng nề: áp lực về hồ sơ, áp lực về chất lượng, áp lực về ngày giờ công. Nào là phải làm đủ 8 tiếng trên ngày, 40 tiếng trên tuần, hết ngày dạy về lo cơm nước cho chồng con xong thì vừa tối, thế là cắm mặt vào soạn bài đến 11 - 12 giờ đêm cũng chưa xong. Nhiều nhiều lắm. Vậy mà lương thì 3 cọc 3 đồng . Đối với cán bộ giáo viên các trường phát triển, vùng thuận lợi thì còn dạy thêm dạy chui, có quà cáp của học sinh của phụ huynh khi lễ tết. Còn chúng tôi ở vùng cao thì như tôi 25 năm nay chưa hề biết đến một bó hoa chứ đừng nói đến quà cáp, còn giáo viên thì họ cũng như mình mà còn nghèo hơn mình thì làm gì có quà cáp hay phong bì, nên nghèo và buồn lắm” - Sao Băng: saobang@gmail.com.
“Các bạn công tác trong ngành GD miền Bắc và miền Nam đều đã lên tiếng, còn miền Trung quê tôi cũng chung một số phận như thế cả. Tôi thuộc lớp GV ra trường từ năm 1980. Chỉ cần nhắc đến giai đoạn lịch sử này chắc ai đã từng là cán bộ công chức trong ngành đề biết rõ. "Thôi những chuyện xưa ta không nói nữa" vì thời điểm lúc bấy giờ phần lớn ai cũng rách như ai. Trở lại vấn đề thời điểm hiện nay:
-Thứ nhất: Tôi đồng tình về ý kiến của bạn Giâc mơ sao băng về áp lực về giấy tờ sổ sách. Câu nói cửa miệng của lãnh đạo ngành chỗ chúng tôi là: "Khôn dại tại hồ sơ" vì thế nảy sinh hằng hà sa số giấy tờ văn bản mà mỗi GV phải thực hiện lưu giữ, kể cả những cái không đáng giữ như sổ tích luỹ vì hiện nay dữ liệu trên máy tính, USB GV phần lớn đã có. Lãnh đạo về kiểm tra chủ yếu là nhìn vào những cái hình thức như thế.
-Thứ hai: Mặc dù trên lý thuyết phong trào "Hai không" được phát động rầm rộ, song trên thực tế áp lực về chất lượng vẫn đè lên cổ GV. Trường nào học sinh yếu kém nhiều thì bị lãnh đạo khiển trách, chỉ trích. Khi đó tình hình chất lượng HS trên thực tế ngày càng tệ do tác động rất nhiều yếu tố, dẫn đến ở huyện tôi công tác có trường hợp một trường dân tộc ít người mà chất lượng cuối năm cao đứng thứ nhì huyện. Hiệu trưởng các trường thì nhìn nhau để chỉ đạo giao khoán chất lượng cho GV ngay từ đầu năm học. Lãnh đạo trường đi họp kêu ca thì nhận được câu trả lời của cấp trên rằng: các anh buộc phải tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng, chứ tại sao các trường khác làm được? Và như thế "Hai không" buộc phải biến thành... hai khống.
- Thứ ba:Do chương trình học đưa vào thêm nhiều bộ môn so với trước đây nên HS bị đè nặng vô cùng về thời gian học. Mỗi buổi học phần lớn từ 4 đến 5 tiết cộng thêm các hoạt động khác, chương trình học nghề vô bổ... sức lực trẻ em phát sợ khi nghĩ phải đến trườn , nhất là bậc THCS. Trước đây học mỗi học kì 33 tuần đã là nặng, bây giờ tiến tới 35 tuần, sức thầy, sức trò có hạn, chất lượng giảm dần âu cũng là lẽ thường.
- Thứ tư: Nghề sư phạm những năm gần đây lấy điểm vào tương đối cao đó là điều tốt, cần phải thế. Nhưng khốn nỗi ra trường ế nhiều lắm. Có những anh ra trường đã 5 năm dạy hợp đồng với mấy đồng lương bèo bọt không đủ tiền xăng chạy xe đi dạy ,buộc phải thi lại đại học vào ngành khác vì bộ môn mình học thừa GV nên không được biên chế. Rất nhiều trường hợp không còn cách nào khác phải về giúp mẹ bán quầy hàng ở chợ. Tôi dù lớp già hơn mà nghĩ thật thương cho các em.
- Thứ năm: GV không có ngày nghĩ lễ. Do đặc trưng của ngành nên ngày nghĩ lễ thường không chịu rơi vào ngày chủ nhật. Thế là mất tiết, thế là phải dạy bù, thế là bắt HS đến ngồi theo ca, thế là cứ thế, cứ thế.... Thầy đến phải có trò. Trò bị nhồi nhét cho kịp chương trình để thi học kỳ vì đề là do trên ra, có đề cương hẳn hoi. Thật là hài hước.
- Thứ sáu: Là đói, đói từ những năm 80 đói tràn đến bây giờ, hình như đói cho lớp trẻ đã đành còn đói cho lớp già dù đồng lương cao hơn một chút, nhưng phải nuôi hai cái tàu há miệng học đại học như tôi. Nói cho to, cỡ tuổi như chúng tôi lương "cao lắm". Hai vợ chồng GV khoảng hơn 7 triệu đồng một, các vị thử tính chi tiêu cho mình và hai đứa con đi học đi sẽ thấy. Hãy dạy thêm đi. Nhưng dạy ở đâu? Ở các thành phố còn được, chứ như ở nông thôn thì dân lấy đâu ra tiền để trả tiền thầy? ... " - Nguyễn Thuận Phẩm: Thuanpham@yahoo.com.vn.
Từ phía những người ngoại đạo, lại có không ít những cái nhìn giống có, khác có về những “kỹ sư tâm hồn”:
“Theo cá nhân tôi thì có một vài ý kiến sau:
- Với người trong cuộc (giáo viên): họ cũng hay đòi hỏi, chủ yếu là những GV ở khu vực thành thị, do cuộc sống kém hơn nhiều người tại đó. Hãy lắng nghe những GV ở vùng xa, họ có phàn nàn gì về lương, thưởng không? Hay họ chỉ yêu cầu nhà nước cần quan tâm hơn đến trang thiết bị trường học cho học sinh để chất lượng giảng được tốt hơn mà thôi.
- Các thầy dạy đại học thì cực kỳ hoành tráng, họ có xe hơi, nhà lầu ở trung tâm thành phố với vài triệu đô... Nhưng họ có nghĩ gì đến chất lượng bài giảng trên lớp hay không? hay chỉ tìm cách giao phó cho SV tự học, tự tìm hiểu còn bản thân mình thì làm việc khác hay đi dạy học ở các lợp tại chức, chuyên tu để kiếm tiền và nhận "lót tay" của sinh viên (vì SV tại chức vừa học vừa làm, đa số làm sao có đủ trình độ để theo học nên thường lấy tiền để "mua chữ"). Còn nhiều vấn đề khác tôi không tiện nêu ra.
Tóm lại GV hãy lấy cái tâm để dạy chữ. Còn nhà nước hãy quan tâm hơn nữa đến các tỉnh, các vùng xa xôi để nâng cao trình độ và nhận thức ở vùng hẻo lánh” – TK: tktkttn@gmail.com.
“Tôi thấy thu nhập của giáo viên bây giờ khá cao và ổn định đấy chứ, nhất là ở thành phố. Khi con em có điều kiện học thêm thì mỗi buổi dạy thêm là được mấy trăm ngàn rồi. Chưa nói quà đi cô vào dịp lễ, tết thì những gia đình có điều kiện họ chẳng ngại bỏ thêm tiền để cho con em học tốt. Ở nông thôn lương giáo viên ít hơn một chút nhưng có thấm gì so với những người chỉ biết suốt ngày "bán lưng cho đất, bán mặt cho trời" chắt chiu từng đồng cho con ăn học. Tôi chỉ thấy giáo dục chúng ta bị hạn chế về cơ cấu, cách dạy và học. Và cái tâm trong ngành cũng vô cùng quan trọng” – thuanle: thuancoithhoa@gmail.com.
“Tôi đồng ý khó khăn về kinh tế của đa số đội ngũ giáo viên khi mới vào nghề, tuy nhiên TRỒNG NGƯỜI là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong việc xây dựng và phát triển xã hội để tiến tới một xã hội văn minh. Vì thế cần ĐẢM BẢO CUỘC SỐNG của họ, đồng thời NGHIÊM KHẮC TRỪNG TRỊ hiện tượng QUÀ LÓT TAY trong việc dạy và học đang diễn ra rất thường xuyên như hiện nay” - huyms2000: huyms2000@yahoo.com.
“Tôi thấy rằng ngành giáo dục cần quan tâm đến đời sống của giáo viên hơn nữa. Trước đây, tôi là một học sinh rất bất mãn với giáo viên. Vì một lý do mà đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao các cô giáo phải làm vậy.
Khi còn là học sinh ở trường cấp III ở một làng quê thuộc tỉnh Thái Bình. Giáo viên chủ nhiệm của tôi dạy môn sinh học, môn sinh học ở cấp III có 2 phần: lý thuyết và bài tập. Thay vì hướng dẫn và giảng dạy cách làm bài tập cho học sinh ở lớp, giáo viên của tôi lại mở lớp học thêm ở nhà cô. Nếu ai đăng ký đi học thêm thì mới làm được bài tập và có điểm cao. Nhà tôi thì nghèo, tiền học phí đóng còn khó khăn, nói chi tiền học thêm. Giáo viên chủ nhiệm tôi trong liền 3 năm. Những hành động của cô đã in dấu trong tôi. Kể từ đó tôi không còn tin vào phẩm chất đạo đức của nghề giáo viên nữa.
Nhưng sau khi học đại học 4 năm, tiếp xúc với môi trường xã hội và cũng hiểu được một chút mặt trái của xã hội, tôi mới hiểu rằng giáo viên họ cũng là người, họ cũng phải lo cho cuộc sống của họ, con cái họ. Chung quy cũng chỉ tại đồng tiền mà thôi.
Nguyệt Thu (tổng hợp)