Nghề báo - Phía sau những con chữ: Nặng lòng với số phận con người

Nhà báo Lê Quang (Báo Bình Dương) đã có những đúc kết rất sâu sắc về nghề: “Người theo nghề báo phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Nhọc nhằn nhưng vinh quang. Nếu không dấn thân và không yêu nghề thì người làm báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ và khó thành công. Nhận lãnh trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và xã hội trao gửi, người làm báo cũng là người chiến sĩ, phải vững bước trên con đường đã chọn”.

Trước cuộc sống bề bộn những vấn đề đặt ra với đa diện sắc màu, người làm báo đối mặt với nhiều thử thách, cám dỗ. Cũng đã có những người không thể vượt qua để tự đánh mất mình. Kinh tế thị trường cũng tạo ra những hình ảnh méo mó, thậm chí là xấu xí về nghề. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít và hiện tượng đó luôn bị xã hội lên án và bị chính nghề báo đào thải.

Đây cũng là nội dung chính mà Congluan.vn phản ánh qua loạt bài : “Nghề báo - Phía sau những con chữ”

Bài 2: Nặng lòng với số phận con người

Đằng sau những con chữ tưởng như khô khan là nỗi niềm đau đáu của người cầm bút. Khi đó, họ dường như không còn là một phóng viên, nhà báo, chỉ còn lại sự đồng cảm, trăn trở làm sao giúp được bạn đọc, bảo vệ, che chở cho những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

“Người làm báo chỉ có sức mạnh là ngòi bút, phản ánh những bức xúc của người dân, dư luận, đâu có quyền hành xử lý gì? Vậy nên, có nhiều vụ việc, dù báo chí phản ánh rất nhiều, sự thật vẫn không thể sáng tỏ, công lý vẫn chưa trả lại được cho người dân. Đó là nỗi ám ảnh của người làm báo…” – một nhà báo lâu năm trăn trở.

Nói như nhà báo Thu Trang – Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, đi viết như là “trả nợ” cuộc đời. Như chuyện năm 2006, cô lặn lội lên tận Hà Giang với thôi thúc làm sao phải tìm ra sự thật 2 em học sinh vùng cao chết tức tưởi? Từ lá đơn viết sai chính tả be bét, nhưng nội dung thấm đẫm nước mắt, về cái chết bí ẩn của hai đứa trẻ đi chăn dê Trang đã tức tốc lên đường ngay sau khi đọc lá đơn ám ảnh đó. Cuộc điều tra diễn ra trong khoảng gần 2 tháng, với hàng chục bài viết thì thanh tra Bộ Công an mới vào cuộc, khai quật tử thi hai đứa trẻ và trả lời những câu hỏi liên quan đến những cái chết bí ẩn này.


Thu Trang- nữ nhà báo mắc nợ với trẻ em vùng cao.

Thu Trang- nữ nhà báo mắc nợ với trẻ em vùng cao.

Điều “neo“ cô lại với Hà Giang chính bởi một cảm giác rất đỗi vô hình. Cô cảm thấy mắc nợ những đứa trẻ ấy. Chừng nào sự thật còn chưa được phơi ra, chừng ấy chúng luôn đi bên cạnh cô, chúng đang kỳ vọng vào sự có mặt của cô ở đó để làm rõ cái chết tức tưởi của chúng. Những ánh mắt ám ảnh cứ bám theo cô trên mỗi chặng đường đi. Trải qua những vất vả không thể kể hết. Có đêm, cô một mình phóng xe máy hàng trăm cây số, trên đường không một bóng người. Bên núi cao, bên vực sâu thẳm… thì những ánh mắt ám ảnh ấy bỗng trở thành tấm bùa hộ mệnh để cô vượt qua nỗi sợi hãi của bản thân…

Mới đây, khi xảy ra vụ việc phức tạp ở Đồng Nhân (Mỹ Đức – Hà Nội), nhiều phóng viên, nhà báo đã lập tức lên đường, quyết vào tận nơi để mong sao trả lời được câu hỏi: Điều gì khiến người dân bức xúc, kích động đến thế? Có thời điểm, đã có những nhà báo chấp nhận làm “con tin” để được có cơ hội trao đổi, phỏng vấn, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con. Những dòng tin, bài thời sự và nhân văn ấy, đã được bạn đọc đón nhận. Nó cũng là bằng chứng sinh động bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về sự việc này…

Nhà báo Phạm Quốc Cường – Tổng thư ký Phapluatplus (Báo Pháp luật Việt Nam) là một trong những người gắn bó với các “vụ án thế kỷ” nổi tiếng Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén. Khi mà cơ quan điều tra thuộc Viện KSNDTC chưa vào điều tra lật lại những vụ án trên, anh là người luôn đau đáu, thức trắng nhiều đêm nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, kiên trì viết bài điều tra để phản biện các cơ quan tố tụng. “Niềm vui của các ông Chấn, Nén, Long và gia đình họ cũng là niềm vui của rất nhiều nhà báo, những người suốt một thời gian dài bị ám ảnh bởi các nhân vật này…” – nhà báo Phạm Quốc Cường tâm sự.

Còn với nhà báo Nguyễn Anh Thế (Thư ký tòa soạn -Trưởng Ban Bạn đọc báo Điện tử Dân trí), chỉ khi nào những nỗi “oan khiên” của nhân vật đươc hóa giải, người cầm bút mới cảm thấy nhẹ lòng.

Anh tâm sự: “Số phận bất hạnh của những người dân “bé mọn” bị chèn ép, bị tước đoạt quyền lợi chính đáng luôn ám ảnh và thôi thúc tôi phải đi đến tận cùng. Không phải chỉ là một vài kỳ báo mà có khi cả chục kỳ báo, thậm chí đến gần 100 kỳ báo ròng rã đấu tranh trong nhiều năm mới lấy lại được công bằng cho những thân phận “bé mọn” ấy.


Cuộc hành trình đi tìm chân lý cho cụ bà Đàm Thị Lích trên báo điện tử Dân trí và Khuyến học Dân trí đã kết thúc có hậu như cổ tích.

Cuộc hành trình đi tìm chân lý cho cụ bà Đàm Thị Lích trên báo điện tử Dân trí và Khuyến học Dân trí đã kết thúc có hậu như cổ tích.


Nhà báo Nguyễn Anh Thế trao đổi với thương binh Lê Văn Dinh trong loạt bài điều tra“Số phận đau đớn của người thương binh hơn 20 năm đi đòi đất tại Bắc Giang”.

Nhà báo Nguyễn Anh Thế trao đổi với thương binh Lê Văn Dinh trong loạt bài điều tra“Số phận đau đớn của người thương binh hơn 20 năm đi đòi đất tại Bắc Giang”.

Kỳ án áp thuế oan 5,7 tỷ đồng với bà cụ 75 tuổi người dân tộc Tày tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) mà tôi và các đồng nghiệp Báo Dân trí thực hiện là một ví dụ điển hình cho nỗi đau khổ của người dân trước thói cửa quyền, hành dân của một bộ phận quan chức địa phương biến chất.

Một buổi chiều cuối tháng 6/2015, Ban Bạn đọc báo Dân trí và báo Khuyến học & Dân trí nhận được đơn cầu cứu của cụ Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) trình bày về việc cụ bị áp mức thuế hơn 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất của gia đình.

Nhận thấy đây là một vụ việc có dấu hiệu oan khuất trong khi nạn nhân là một người dân “thấp cổ, bé họng” với những lời kêu cứu tưởng như đã tuyệt vọng, Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn đã chỉ đạo làm sáng tỏ đến cùng sự việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Và nhóm phóng viên Báo Dân trí đã mất gần 2 năm, với đúng 80 bài báo trong sự đồng hành của hàng triệu bạn đọc và cả chục ngàn comment.

Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT trực tiếp yêu cầu, chỉ đạo, kỳ án áp thuế oan hơn 5,7 tỷ đồng đối với gia đình cụ bà 75 tuổi đã được làm sáng tỏ, công lý được thực thi, trả lại quyền lợi chính đáng của người dân. Cụ Lích được cấp cuốn sổ đỏ 0 đồng. 10 cán bộ, lãnh đạo địa phương bị kỷ luật.

Cũng mới đây, câu chuyện về số phận đau đớn của người thương binh Lê Văn Dinh hơn 20 năm đi đòi đất tại Bắc Giang đã đeo đẳng tôi trong nỗi day dứt với hơn 10 kỳ báo. Là thương binh mất 61% sức khoẻ, nhiễm chất độc da cam, ông Lê Văn Dinh bỗng dưng bị chính quyền cưỡng chế thu hồi đất rồi cấp sổ đỏ cho em ruột chủ tịch xã. Sau loạt bài điều tra của Báo Dân trí, người thương binh suốt hơn 20 năm đi đòi mảnh đất bị tước đoạt giao cho em ruột “quan xã” đã tìm được công lý.

UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định yêu cầu cấp đất mới cho gia đình ông Dinh. Song, công bằng thì mọi nỗ lực của cá nhân tôi cũng như các đồng nghiệp có thể sẽ chẳng đi đến đâu nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà và “quyết tâm đi đến cùng” sự việc của TBT Phạm Huy Hoàn. Đặc biệt là sự nhiệt tình ủng hộ, đồng hành tìm chân lý của hàng vạn, hàng triệu lượt độc giả Báo Dân trí. Thắng lợi của cụ bà Đàm Thị Lích, của ông Lê Văn Dinh… không chỉ là thắng lợi của chân lý, thành công của báo chí mà còn là minh chứng cho tinh thần gần dân, lắng nghe và giải quyết từ những việc nhỏ nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân trên tinh thần một Chính phủ hành động, liêm chính.”

Thế mới biết, nhà báo dù chỉ là một con người nhỏ bé nhiều khi sức vóc “trói gà không chặt” nhưng nếu anh biết đau cùng số phận con người, biết sẻ chia, đồng cảm, chấp nhận dấn thân thì nhiều khi lại làm được những điều lớn lao, đươc bạn đọc, xã hội ghi nhận…

Theo Như Hoa

Báo Nhà báo và Công luận