Bạn đọc viết:
Nghề bán vàng bạc và triết lý "thánh nhân đãi kẻ khù khờ"
(Dân trí) - Một cái nhẫn đeo chật khiến ngón tay sưng lên. Người thợ kim hoàn khéo léo lấy chiếc nhẫn ra nhẹ nhàng; tiếp theo lùa nhẫn vào một dụng cụ, vung cao gõ một nhát dứt khoát trên chiếc đe sắt.
Một lực đủ mạnh từ tay, truyền qua lòng nhẫn va vào đe, lẩy lực lại cái nhẫn, chiếc nhẫn rộng ra, vừa tay người dùng. Nhanh, đơn giản, các bước kéo dài không quá 3 phút. Để có 3 phút ấy người thợ phải cần 20 năm kinh nghiệm trong nghề.
Người khách vỡ òa vui sướng, vừa thoát khỏi đau đớn và lại tiếp tục được sử dụng chiếc nhẫn cưới. Cảm kích, người đó hỏi bao tiền để trả, người thợ mỉm cười đơn giản: "Không lấy tiền, anh chị về đi nhé, đeo nhẫn nên chú ý chút nhé!".
Ngại ngùng, khách dúi tiền nhưng người thợ kiên quyết từ chối. "Đơn giản mà, có gì đâu anh chị".
Dại nhỉ, bỏ công, bỏ sức hành nghề, bỏ của mở cửa hàng, mang lại lợi ích mà không lấy tiền khách. Giản đơn chỉ bởi với người thợ việc ấy thực sự rất dễ dàng, một kỹ năng thuộc hàng thấp của hoạt động nghề nghiệp, làm miễn phí cũng là cách cho đi không vụ lợi, báo đáp tổ nghề.
Người thợ có nhận được gì không? Tiền bạc trước mắt hẳn không có gì, nhưng ánh mắt vui mừng, nụ cười tươi, năng lượng tích cực từ khách hàng mang lại cho người thợ ấy quả thực vô hạn. Giá trị nhận được lớn hơn rất nhiều trị giá tiền bạc.
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ
Mua một cái nhẫn thì ở cửa hàng nào cũng có nhưng mua một cái nhẫn, nhận được cả tấm lòng thì chỉ chỗ này bán thôi.
Người khách ấy về, tới ngày con chúng ta đầy tháng, ra mua cho con cái lắc đeo tay, đeo chân để trừ tà, tránh gió. Ngày con biết làm đẹp bắn cái lỗ tai, mua đeo cho con cái tòng ten xinh xắn. Ngày con đi xa học tập dúi cho con cái nhẫn vàng ta làm vốn phòng thân cũng mua ở cái cửa hàng có người thợ dại ấy.
Rồi ngày con cưới, nào nhẫn, nào vòng, kiềng cổ của hồi môn cũng tìm đến nơi đây. Ngày sau con sinh cháu, cũng theo cái đạo lý tình cảm ấy mà tạo một vòng lặp giá trị, ân tình ấy lần nữa. Người khách năm xưa đến ngày về với tiên tổ, còn dặn rằng con cháu mua lá vàng để miệng thì cứ đến chỗ đó mà mua.
Người dại hóa khôn, người khôn hóa dại!
Cái vật mua ở chốn này không chỉ là vàng mà còn cả tấm chân tình từ người bán, đến người mua truyền tới người nhận. Vật tốt không chỉ ở bản thân của vật mà còn nằm trong cả câu chuyện, con người hình thành nên vật ấy.
Bên hàng xóm, có ông chủ cửa hàng sửa xe chuyên bơm xe miễn phí, nhưng đều ra sức bơm cho lốp căng phồng rồi nổ luôn. Được 10 lần bơm miễn phí nhưng thay săm có phí thì đến khách thứ 11, ông bị đấm đến gãy răng.
Tiền sửa cái răng cả triệu không bù được tiền lời từ những lần thay săm. Tiếng đồn xa, ông không còn hành nghề bơm xe miễn phí được nữa.
Người khôn chẳng phải đã hóa dại!?
Quách Thành Lực