Nghệ An: Xin cải tạo hồ trồng sen, đào hết đất bán thành hồ nuôi cá!
(Dân trí) - Sau khi “dự án” cải tạo hồ trồng sen được chấp thuận, thì cũng là lúc doanh nghiệp đào hàng chục vạn khối đất đem đi bán. Thời gian trôi qua chẳng thấy một cây hoặc bông sen nào nở, diện tích này trở thành một “hố tử thần” sâu từ 1-3m và rất nguy hiểm cho người dân địa phương.
Hồ trồng sen biến thành hồ nuôi cá
Trong thời gian qua nhiều hộ dân tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An bức xúc phản ánh, việc chính quyền nơi đây lợi dụng “dự án” cải tạo hồ trồng sen để múc đất đem bán vô tội vạ và gây thất thoát tài nguyên khoáng sản của địa phương. Không những thế, việc cải tạo hồ sen nơi đây trở thành một hố tử thần gây nguy hiểm cho người dân địa phương.
Theo đó, vào tháng 4/2016, UBND xã Nam Giang gửi tờ trình lên UBND huyện Nam Đàn (Nghệ An) về việc xin cải tạo hồ trồng sen tại cụm công nghiệp Nam Giang. Cụ thể, theo Công văn số 519/UBND-HTKT ngày 13/4/2016 của UBND huyện Nam Đàn về việc quản lý quỹ đất tại cụm công nghiệp Nam Giang. Để quản lý có hiệu quả diện tích đất này, UBND xã Nam Giang kính đề nghị được huyện xem xét giải quyết theo một số nội dung:
Phần đất lưu không trước nhà máy Haivina Kim Liên có diện tích 1,4 ha đã đền bù, thu hồi đất. Phần đất này không chủ động tưới tiêu, không giao khoán sản xuất lúa và hiện nay đã có một số hộ tự phát trồng sen với diện tích 0,3 ha, còn lại bỏ hoang hóa. UBND xã Nam Giang đề nghị Chủ tịch UBND huyện cho phép UBND xã cải tạo mặt bằng, hạ độ sâu 0,5 m để trồng sen thành điểm nhấn trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cụm công nghiệp, cũng như phù hợp với mục đích sử dụng đất tại đây.
Sau khi xem xét tờ trình, UBND huyện Nam Đàn có Công văn số 620/UBND -KTHT ngày 28/4/2016 chấp thuận tờ trình của UBND xã Nam Giang. Trong đó nêu rõ, phần diện tích đất quy hoạch hồ sen với diện tích 31.895m2, UBND huyện đồng ý cho UBND xã Nam Giang cải tạo phần diện tích quy hoạch và trồng sen theo đúng phương án đã được phê duyệt. Đồng thời giao Phòng kinh tế hạ tầng UBND huyện Nam Đàn chỉ đạo UBND xã Nam Giang thực hiện theo đúng mục đích của quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo hành lang ATGT và kết cấu hạ tầng đường bộ.
Thế nhưng, không hiểu sao khi tiến hành cải tạo hàng chục ngàn m2 đất tại hồ sen này đã được múc đi. Theo đó, UBND xã Nam Giang và đơn vị thực hiện đã ngang nhiên đào sâu từ 1-3m. Khoét khu đất rộng hàng chục ngàn m2 thành một “hố tử thần” sâu hoắm.
Điều đáng nói, “dự án” xin cải tạo hồ trồng sen đã “bất ngờ” trở thành hồ nuôi cá khiến cho người dân ở đây vô cùng bức xúc. Dư luận đặt câu hỏi và cho rằng, với việc xin cải tạo hồ trồng sen, một khối lượng đất đã được đem đi bán hoặc làm gì?... đang làm cho người dân nơi đây bức xúc.
“Theo chúng tôi được biết, hồ trồng sen này đã được xã cho người thuê lại nuôi cá rồi”, một người dân cho biết thêm.
Mượn danh cải tạo, đào đất đem bán?
Người dân địa phương cho biết, trong năm 2016, họ chứng kiến cảnh khu vực này bỗng trở thành một công trường khổng lồ. Hàng ngày những chiếc máy xúc cỡ lớn hoạt động hết công suất, từng đoàn xe tải ầm ầm chở đất từ đây đi đổ cho một số nhà máy gạch trên địa bàn. Cũng từ đó, hồ trồng sen mỗi ngày càng được múc sâu hơn và rất nguy hiểm.
“Khi đó chúng tôi thấy họ múc sâu dần, nếu trồng sen thì chỉ cần múc khoảng 0,5 - 0,7m là hợp lý nhất. Nếu là dự án cải tạo hồ trồng sen mà quá sâu hơn 2m như vậy liệu có trồng nổi sen. Sen có sống hoặc phát triển nổi không?”, một số người dân đi chăn trâu cạnh hồ sen này cho biết.
Theo ghi nhận, tại một số vị trí khi phóng viên đưa sào chọc xuống thì có độ sâu hơn 2m, thậm chí có chỗ gần 3m… Như vậy, “dự án” xin cải tạo hồ trồng sen đã có văn bản của UBND huyện Nam Đàn giao chỉ đào sâu 0,5m. Điều đó, đồng nghĩa với việc này là hàng chục vạn m2 đất đã được đào lên và đem bán? Còn số tiền bán đất được bao nhiêu là chỉ có những người hưởng lợi mới biết.
Dư luận đặt câu hỏi: Vậy số tiền thu được từ việc bán khối lượng tài nguyên khổng lồ này đã “chảy” về đâu. Tại sao UBND xã Nam Giang, đơn vị thi công lại có thể dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng để thực hiện sai với phương án, vô tư khoét tài nguyên. Trong khi Phòng kinh tế hạ tầng huyện Nam Đàn được giao chỉ đạo thực hiện quá trình cải tạo này theo đúng chủ trương đã được phê duyệt nhưng đã buông lỏng trong quản lý?.
Vào tháng 6/2016, Phòng kinh tế hạ tầng huyện Nam Đàn đã có biên bản kiểm tra việc thực hiện quá trình đào đất phục vụ trồng sen tại cụm công nghiệp Nam Giang. Nội dung kiểm tra nêu rõ, tại vị trí cột 163/371E, trước cổng chính công ty Haivina Kim Liên là 4,8m tính từ tim cột mốc, vi phạm hành lang lưới điện 1,2m độ sâu 2m. Dọc tuyến đường Đặng Thái Mai kể từ chân đường đắp ra là 21,5m, độ sâu là 2m. Vị trí km24+400 tuyến quốc lộ 46 kể từ chân đường đắp ra là 25m, độ sâu 2,3m.
Đoàn kiểm tra yêu cầu UBND xã Nam Giang, đình chỉ đơn vị thi công không được đào đất tại những vị trí đã vi phạm hành lang lưới điện, dải đất dành cho quy hoạch trồng cây xanh dọc tuyến quốc lộ 46. Chiều sâu đào quá quy định tại Công văn số 620/UBND-KTHT.
Thế nhưng, sau hơn 2 năm thực hiện “dự án” cải tạo hồ sen là điểm nhấn của cụm công nghiệp Nam Giang chẳng thấy đâu. Thay vào đó là một hồ nước sâu 2-3m và vô cùng nguy hiểm.
Trao đổi với phóng viên liên quan đến sự việc này, ông Hà Ngọc Lan - Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Nam Đàn cho biết: “Cái đó không phải là dự án. Cái đó là xã xin cải tạo để trồng sen thì huyện đồng ý. Cái này cũng không có thiết kế chi cả, nếu thực hiện sai thì xã chịu. Cái đó em xuống làm việc với xã… ”
Nếu như ông nói không có thiết kế, làm bằng. Vậy làm bằng như thế nào?.
Ông Lan nói thêm: “Cải tạo chỉ được đào sâu chỉ được 0,5m. Nếu họ thực hiện sai thì họ chịu. Nhà anh (ý ông Lan không cần phải kiểm tra-PV) xuống kiểm tra đó làm gì. Chúng tôi đã giao cho xã bằng văn bản rồi…”.
Việc nói cho cải tạo hồ trồng sen chỉ 0,5m, thì tại sao để cho xã cho người đào sâu tới 2-3m mà huyện không biết. Vậy, nếu có lỡ xảy ra trẻ em đi trâu, hoặc vãng lai ở đây sẩy chân chết đuối thì làm sao?. PV hỏi. Ông Lan im lặng không nói gì.
Là cơ quan giám sát, chỉ đạo việc cải tạo theo như nội dung Công văn số 620/UBND-KTHT của UBND huyện này. Tuy nhiên, ông Lan lại đẩy toàn bộ trách nhiệm xuống xã về việc thực hiện cải tạo hồ trồng sen này. Nếu Phòng kinh tế hạ tầng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao liệu đơn vị thi công khoét sâu hàng ngàn m2 đất ngay cạnh quốc lộ 46 có qua mặt được cơ quan quản lý?
Còn ông Nguyễn Hồng Sơn - PCT UBND huyện Nam Đàn cho biết: “Hiện nội dung trên UBND huyện đang chỉ đạo kiểm tra làm rõ, sai phạm đến mức độ nào sẽ xử lý nghiêm”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục vụ việc đến bạn đọc.
Nguyễn Duy