Nghệ An: Oằn mình “gánh thuế”, dân làm đơn khiếu nại
(Dân trí) - Cho rằng địa phương đã đặt ra các khoản thu quá vô lý nên gần 100 hộ dân xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An đã cùng ký vào lá đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ.
Dân tố xã đặt ra các khoản thu “không minh bạch”
Trong đơn của gần 100 hộ dân ký gửi PV Báo điện tử Dân trí tại Nghệ An họ phản ánh về việc chính quyền xã Diễn Hạnh đã đặt ra nhiều khoản thu vô lý, không minh bạch ... khiến những người vốn đã nghèo lại càng thêm khốn khó khi phải oằn mình gánh thuế, phí.
Cụ thể, trong đơn khiếu nại gần 100 hộ dân tại đây đồng thuận ký tên gửi cơ quan chức năng nêu rõ 3 nội dung chính gồm: Đề nghị chính quyền xã Diễn Hạnh công khai rõ các khoản quỹ nào là bắt buộc, hay tự nguyện và giải trình các khoản thu, chi của người dân từ năm 2011 đến nay bằng số liệu cụ thể.
Trước đó, bảng danh sách các khoản thuế quỹ năm 2015, 2016 mà mỗi người dân tại đây nhận được bao gồm hơn 10 loại thuế quỹ khác nhau (bao gồm của nhà nước, địa phương, xóm).
Có một số khoản được cho là vô lý trùng lặp như: Phần đóng góp nghĩa vụ nhà nước đã thu 10.000 đồng/1 lao động quỹ an ninh quốc phòng nhưng đến phần địa phương vẫn tiếp tục đề ra 50.000 đồng/1 khẩu quỹ phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế...
“Phần nhà nước cũng thu rồi thì địa phương lại tiếp tục thu. Chúng tôi không đồng tình với những khoản thu mà nhà xã đã đặt ra nên chưa đóng. Làm một sào ruộng thì trừ các chi phí được bao nhiêu đồng lãi chưa tính tiền mồ hôi nước mắt mà đã có nhiều khoản địa phương, xóm đặt ra để thu vậy dân chúng tôi lấy gì mà sống”, một người dân bức xúc.
Cho rằng khoản thu 900.000 đồng/1 khẩu để hỗ trợ giải phóng mặt bằng tuyến đường 205 đi qua địa bàn xã và xây dựng nhà văn hóa xã được triển khai thu theo phương án dàn trải trong 6 năm mỗi năm 150.000 đồng/1 khẩu là quá cao và trái với quy định nên những người dân tại đây cũng yêu cầu địa phương phải giải thích rõ.
“Theo chúng tôi việc thu 900.000 đồng/khẩu tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng là quá cao. Đường đã có tỉnh, huyện hỗ trợ theo dự án tại sao lại bắt dân đóng tiền để giải phóng mặt bằng. Những đứa trẻ thơ mới sinh cũng phải đóng. Mỗi gia đình có nhiều khẩu thì số tiền này lên đến 6 - 7 triệu đồng…”, ông Phạm Công Định (SN 1953, trú tại xóm 4, xã Diễn Hạnh) chia sẻ.
Bên cạnh đó việc xã Diễn Hạnh “phạt” người sinh con thứ 3 với mức từ 500 - 2.000.000 đồng/1 trường hợp cũng khiến người dân tại đây không đồng tình.
“Năm 2014, tôi sinh người con thứ 3, gia đình vô cùng khó khăn. Cháu khi mới sinh ra lại bị u máu nên phải đến bệnh viện điều trị. Vì tôi không có tiền đóng phạt nên cán bộ xã không cấp giấy khai sinh.
Tôi phải đến xin các cán bộ xã, họ yêu cầu phải đóng đủ 2.000.000 đồng mới làm giấy khai sinh cho cháu”, anh Ngô Sỹ Trường (SN 1982, trú tại xóm 4, xã Diễn Hạnh) nói trong nước mắt.
Dân tố xã lập nhiều khoản vô lý và trả lời của chủ tịch xã.
Ngân sách eo hẹp
Để làm rõ hơn vấn đề trên, PV Dân trí có buổi làm việc với ông Tăng Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Diễn Hạnh. Tại buổi làm việc ông Thành cho biết, ông cũng đã nhận được đơn thư của người dân về nội dung trên, đồng thời cũng đã báo cáo lên huyện để có phương án giải quyết.
Về việc triển khai thu các khoản thuế quỹ hàng năm, ông Thành cho biết: “Ngoài các khoản thu của Nhà nước quy định, những khoản thu của địa phương đều được họp bàn bạc cụ thể trước Hội đồng nhân dân xã.
Được sự chấp thuận, đồng tình của đông đảo nhân dân nên chúng tôi mới thực hiện thu. Mỗi khoản thu đều được cân đối thu chi phù hợp”.
Khi phóng viên thắc mắc về khoản thu 50.000 đồng/1 khẩu/1 năm tiền Qũy phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, văn hóa xã hội, y tế giáo dục, mà trước đó ở phần thuế quỹ của Nhà nước cũng đã triển khai thu 10.000/1 lao động/1 năm đối với Qũy an ninh quốc phòng, liệu có trùng lặp, chồng chéo.
Ông Thành lý giải: Về khoản thu này chúng tôi cũng đưa ra họp trước HĐND, để phục vụ công tác an ninh, phát triển của địa phương và hỗ trợ thêm chế độ cho một số cán bộ công an viên xã.
“Vì kinh phí địa phương còn eo hẹp nên xã cũng đã họp bàn trước HĐND được đồng ý mới triển khai thu. Khoản này từ trước đến giờ xã vẫn thu. Sau đó đều có dự kiến chi đầy đủ chi tiết”, ông Thành cho biết.
Đối với việc thu 500.000 - 2.000.000 đồng/1 trường hợp sinh con thứ ba và không cấp giấy khai sinh cho trẻ nếu gia đình chưa đóng số tiền trên: “Khoản này trước đó xã thu đối với người sinh con thứ 3 dựa theo Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐND ban hành năm 2012. Khoản tiền này sẽ được nộp vào Qũy dân số - Kế hoạch hóa gia đình của xã.
Và do ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của xã sử dụng theo quy định. Không có việc nếu người vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình chưa đóng đủ số tiền trên sẽ không được cấp giấy khai sinh cho con. Chúng tôi vẫn thực hiện cấp đầy đủ, tùy theo từng trường hợp cụ thể để có chính sách vận động đóng chứ không ép buộc”, ông Thành phân trần.
Đối với khoản thu 900.000 đồng/1 khẩu để hỗ trợ GPMB đường 205 và xây dựng nhà văn hóa xã mà người dân cho là quá cao? Ông Thành cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, làm đường 205, xây dựng nhà văn hóa xã thì UBND xã cũng đã đưa ra họp bàn trước dân.
Đường 205 được UBND tỉnh hỗ trợ 70%, huyện xã 30% kinh phí. Trong đó huyện xã chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng. Sau khi có dự toán kinh phí, thống nhất mức thu là 900.000 đồng/1 khẩu, sẽ được chia ra thu dàn trải trong 6 năm mỗi năm với mức 150.000 đồng/1 khẩu/1 năm, đây là năm cuối cùng thực hiện thu.
“Chúng tôi đã tiếp nhận đơn thư và sẽ tiến hành họp dân để đối thoại, tìm phương hướng giải quyết, giải trình để dân hiểu bằng các con số cụ thể”, ông Thành cho biết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Nguyễn Duy