Nghệ An: Một bản án khiến cơ quan thi hành án phải "bó tay" ra về!
(Dân trí) - Với phán quyết của tòa án, ông Hải sẽ phải đập đi một phần đốc nhà, đồng nghĩa cả công trình kiên cố có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong khi đó, bản án này cũng khiến cơ quan thi hành án gặp khó trong khi thực hiện cưỡng chế.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Lê Thanh Hải (trú xóm 14, xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) trình bày: Năm 1980 ông Hải được bố mẹ cho một mảnh đất tại xóm 14. Năm 1986, ông Hải chuyển nhượng lại cho bà Trần Thị Bình một phần diện tích là 222m2. Sau đó bà Bình xây dựng một căn nhà theo hướng Đông, đến năm 1996 xây thêm một căn nhà nhìn ra hướng Nam. Do xây căn nhà mới nên để thuận tiện trong việc đi lại bà Bình đã mượn của ông Hải 1,2m đất theo chiều rộng để làm lối đi ra đường liên xóm. Vì thời điểm đó đất còn rộng hơn nữa cùng là hàng xóm với nhau nên ông Hải đồng ý mà không làm giấy tờ gì.
Năm 1996, bà Bình được UBND huyện Diễn Châu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 222m2. Năm 2003, bà Bình chuyển nhượng lại cho ông Cao Văn Thắng trú cùng địa phương toàn bộ thửa đất mình đang sử dụng. Đến năm 2013, ông Hải xây dựng nhà kiên cố thì bị ông Thắng khởi kiện ra tòa án vì cho rằng ông Hải xây lấn lên phần đất trước đây vốn là lối đi của nhà ông Thắng.
Ngày 29-30/9/2014, TAND huyện Diễn Châu đưa vụ việc ra xét xử. Tại phiên tòa, các bên giữ nguyên quan điểm của mình. Bà Trần Thị Bình khẳng định không mượn đất của ông Hải để mở lối đi. Phần lối đi rộng khoảng 1,2m được mở trên phần đất của gia đình bà Bình.
TAND huyện Diễn Châu chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (ông Cao Văn Thắng), buộc ông Lê Thanh Hải phải trả lại cho ông Thắng 5,117m2 đất; ông Lê Thanh Hải có nghĩa vụ tháo dỡ toàn phần công trình xây dựng trên diện tích đất 5,117m2 đã lấn chiếm để trả lại nguyên trạng cho ông Thắng.
Ngày 16/1/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa phúc thẩm theo kháng cáo của ông Hải và tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo phán quyết của 2 cấp xét xử, ông Lê Thanh Hải phải đập bỏ toàn bộ công trình xây trên phần diện tích 5,117m2 đã lấn chiếm của ông Thắng. “Trong phiên tòa, mặc dù không đồng ý với kết luận là chúng tôi đã lấn chiếm đất của ông Thắng nhưng vì muốn bảo vệ nguyên trạng căn nhà – thứ tài sản mà chúng tôi phải tích góp cả đời, vay mượn anh em bạn bè để xây dựng, tôi đề xuất được mua lại diện tích mà ông Thắng kiện chúng tôi lấn chiếm theo giá đất thị trường nhưng không được chấp nhận. Rõ ràng họ đang ép gia đình chúng tôi vào thế đường cùng. Cả một cái đốc nhà, bao gồm công trình phụ và cầu thang dẫn lên tầng 2 nếu phải phá bỏ, kết cấu của cả căn nhà sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể trong quá trình phá bỏ, nguy cơ sập đổ cả căn nhà”, ông Hải nói.
Sau khi bản án có hiệu lực, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Diễn Châu, Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An đã nhiều lần có mặt tại hiện trường để tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, sau khi tới thực địa, cán bộ thi hành án đành phải quay về.
Ông Phạm Tuấn Cương - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Diễn Châu cho biết, bản án đã có hiệu lực pháp luật và có quyết định thi hành án, buộc ông Hải phải thực hiện, Chi cục thi hành án dân sự huyện và chính quyền địa phương phối hợp vận động ông Hải và ông Thắng tự nguyện thi hành nhưng không thành công. Trong khi đó, ông Thắng hiện đang sinh sống và làm việc ở Đà Nẵng, liên tục có nhiều đơn thư gửi các cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương, yêu cầu thi hành bản án.
“Đây là 1 vụ việc phức tạp, khi tòa án xử đã không tính đến kết quả tổ chức thực hiện bản án. Việc thi hành án để trả lại 5,117m2 đất sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu hệ thống công trình xây dựng, gồm nhà vệ sinh, cầu thang, hệ thống bể phốt nằm dưới mặt đất. Nếu trong quá trình cưỡng chế, công trình nhà ở của ông Hải bị ảnh hưởng, đổ, sập thì ai sẽ chịu kinh phí đền bù? Theo tôi, bản án của tòa vừa thiếu tính khả thi vừa thiếu cả tính nhân văn”, ông Cương phát biểu.
Sau khi ông Lê Thanh Hải có đơn yêu cầu giám đốc thẩm gửi TAND cấp cao tại Hà Nội, Chi cục thi hành án dân sự huyện Diễn Châu đã cử chấp hành viên trực tiếp ra làm việc với TAND cấp cao. “Hiện đơn yêu cầu giám đốc thẩm của ông Hải đang được TAND cấp cao xem xét. Trong thời gian chờ đợi TAND cấp cao xem xét lại toàn bộ bản án thì chúng tôi chưa thể thực hiện cưỡng chế thi hành án đối với bản án. Tuần tới đây Ban chỉ đạo thi hành án huyện sẽ họp để bàn bạc phương án giải quyết vụ việc. Trong thời gian chờ đợi câu trả lời của TAND cấp cao chúng tôi một mặt lên kế hoạch cưỡng chế thi hành án, một mặt tiếp tục vận động 2 bên thỏa thuận với nhau theo hướng đền bù phần đất lấn chiếm bằng tiền hoặc đất đổi đất”, ông Cương cho biết thêm.
Nhóm PVĐT