Bài 12:

Vụ học sinh lớp 11 bị kết tội “Cướp tài sản”: “Xử như vậy sẽ tác hại rất lớn!”

(Dân trí) - Sau khi VKSND Tối cao yêu cầu xem xét lại vụ án “Cướp tài sản” liên quan đến em Lê Văn Khánh (học sinh lớp 11 ở Hà Tĩnh) đang gây bức xúc dư luận, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM - đã phân tích kỹ lưỡng sự việc và nhận định: “Xử án như vậy sẽ tác hại rất lớn”

 

Vụ học sinh lớp 11 bị kết tội “Cướp tài sản”: “Xử như vậy sẽ tác hại rất lớn!” - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

 Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM - cho rằng, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng thì việc xử lý hình sự đối với một người chưa thành niên sẽ ảnh hưởng tới cuộc đời của một con người. “Chính vì thế Bộ luật Hình sự mới đang được sửa đổi đã đưa ra những biện pháp xử lý khác, theo hướng xử lý bằng biện pháp giáo dục tại phường xã, thị trấn, cộng đồng. Đối với một đứa trẻ mới lớn, những chấn động, ảnh hưởng từ một bản án sẽ hằn sâu rất lớn trong suốt cuộc đời sau này. Nếu tòa án cứ cứng nhắc xét xử, cứ khăng khăng “đúng luật”, thiếu đi tính nhân văn như trong những vụ án như của em Lê Văn Khánh (SN 1999, học lớp 11 Trường THPT Hàm Nghi, Hương Khê, Hà Tĩnh) hay vụ án mấy cháu nhỏ cướp bánh mỳ ở TPHCM thì sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới cả cuộc đời một con người. Xử như vậy sẽ tác hại rất lớn”- ông Hậu nói.

Khi vụ án chưa xét xử mà 3 ngành (công an, kiểm sát, toà án) của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đã họp bàn liên ngành để thống nhất kết tội "Cướp tài sản" đối với em Lê Văn Khánh (học sinh lớp 11) là đúng pháp luật về tố tụng hình sự hay không ?.

- Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập, tuân theo pháp luật, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm là một trong những nguyên tắc hiến định, đã được quy định tại Điều 103 Hiến pháp 2013.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định không một ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, trong vụ án liên quan đến em Lê Văn Khánh (học sinh lớp 11), khi vụ án chưa xét xử nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Viện kiểm sát của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chỉ có trách nhiệm khởi tố vụ án, còn công việc xét xử của Hội đồng xét xử phải hoàn toàn độc lập. Việc quyết định một người có phạm tội hay không phải do Tòa án có thẩm quyền  xét xử và đưa ra bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

Vì vậy, nếu có trường hợp Tòa án tham gia “họp bàn liên ngành” để thống nhất tội đối với em Lê Văn Khánh là trái với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Vậy xử lý thế nào về trường hợp vi phạm các quy định về quy trình tiến hành một vụ án hình sự như thế này, thưa ông ?

- Theo Điều 4, Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC thì  “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án.

Theo đó, những trường hợp được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự gồm: Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra và cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng đã không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền; Không yêu cầu cử người bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật; Việc điều tra, thu thập chứng cứ quan trọng đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự; Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền phân công điều tra vụ án cụ thể; Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ; Có căn cứ để xác định có việc mớm cung, bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật…

Căn cứ theo Điều 168 và Điều 179 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003 được hướng dẫn bởi Điều 4, Thông tư liên tịch 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án nếu phát hiện thấy có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thì Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

Trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nếu phát hiện thấy có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng thì Thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Những vấn đề cần được điều tra bổ sung phải được nêu rõ trong quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.

Vụ học sinh lớp 11 bị kết tội “Cướp tài sản”: “Xử như vậy sẽ tác hại rất lớn!” - Ảnh 2.

Những người thân của em Khánh đau đớn khi tòa tuyên án 18 tháng tù giam vì tội "Cướp tài sản" (Ảnh: Xuân Sinh)

 Việc nhiều bị can, bị cáo, nhân chứng trong vụ án có đơn gửi cơ quan tố tụng cho rằng Lê Văn Khánh vô tội (chỉ cầm hộ tiền mà bị khởi tố tội "Cướp tài sản") có thể coi là căn cứ để xem xét miễn trách nhiệm hình sự và tuyên Lê Văn Khánh vô tội hay không?. Nếu những lá đơn kêu oan cho Lê Văn Khánh không được toà án xem xét thấu đáo thì có vi phạm các quy định ?.

- Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Việc em Lê Văn Khánh có tội hay không thuộc trách nhiệm chứng minh tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh những nội dung, thông tin trong những lá đơn mà bị can, bị cáo, người làm chứng trong vụ án gửi tới cơ quan tiến hành tố tụng và căn cứ vào đó, xem xét các quy định pháp luật có liên quan để xác định em Khánh có phải là đồng phạm hay không.

Do đó, việc xem xét những lá đơn kêu oan là điều cần thiết để điều tra vụ án được rõ ràng hơn. Nếu các đơn kêu oan không được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thì tôi cho rằng đó là sự thiếu sót trong quá trình tiến hành tố tụng.

Thời điểm xảy ra sự việc, Lê Văn Khánh đang là học sinh cấp 3. Cách xử lý vụ án của cơ quan tố tụng Hà Tĩnh như vậy có cứng nhắc, nhân văn và mang tính giáo dục đối với một người chưa thành niên?

- Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Pháp luật hình sự Việt Nam quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, việc điều tra, xử lý các vụ việc hình sự có liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành hết sức thận trọng.

Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

Trong trường hợp của Lê Văn Khánh, khi xét xử, nếu em Khánh phạm tội thật nhưng nếu không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Toà án có thể áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Với những thông tin mà Dân trí phản ánh, liệu đã đủ cơ sở để TAND Tối cao, VKSND Tối cao rút hồ sơ lên để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm hay chưa?.

- Theo quy định tại khoản 2, Điều 20 Bộ luật tố tụng Hình sự 2003, đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Vì vậy, quá trình tố tụng có sự vi phạm nghiêm trọng thì phải xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Căn cứ theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 và Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân 2014 thì Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm./.

Xin cảm ơn ông !

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm