Nghệ An: Gia đình chính sách suýt mất nhà vì một cuốn sổ đỏ kỳ quặc!
(Dân trí) - Sau hơn 20 năm ở ổn định trên mảnh đất được chính quyền địa phương cấp theo diện gia đình có công với cách mạng, bỗng dưng một ngày, gia đình nạn nhân đioxin - Nguyễn Đình Hiệu (xã Hòa Sơn, Đô Lương, Nghệ An) rơi vào cuộc kiện tụng khi một gia đình khác cũng có GCNQSDĐ trên thừa đất đó.
Không chỉ có vậy, những lần xử lý của tòa án tại cấp cơ sở còn có nhiều điều bất ngờ khiến gia đình ông Hiệu hoang mang, lo lắng.
Một thửa đất có 2 bìa đỏ?
Theo đơn của ông Nguyễn Đình Hiệu (SN 1966) gửi đến Báo điện tử Dân trí, vào năm 1988, ông lập gia đình rồi sinh sống cùng bố mẹ tại xóm Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Nhưng vì nhà đông người, không đủ diện tích để sinh hoạt nên đến năm 1990, gia đình ông làm đơn xin chính quyền xã Hòa Sơn cấp đất để ra ở riêng.
Do gia đình ông có công với cách mạng, ông là nạn nhân chất độc da cam - nhiễm từ người bố tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nên chính quyền xã Hòa Sơn đã đồng ý cấp cho ông một thửa đất với diện tích 450m2. Để được cấp lô đất trên, thời điểm đó, ông đã phải đóng phí là 200kg thóc.
Đến năm 1995, UBND huyện Đô Lương cấp giấy chứng nhận QSDĐ (bìa đỏ) với diện tích 200m2 đất ở và 20m2 đất vườn cho gia đình ông và sống ổn định tại địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2006, gia đình ông Hiệu bất ngờ khi bà Nguyễn Thị Phượng và ông Bùi Văn Tư (trú cùng địa phương) cầm theo QSDĐ đến đòi lại đất với lý do gia đình ông Hiệu mượn đất để ở rồi không chịu trả.
Sự việc quá bất ngờ khiến gia đình ông Hiệu ngỡ ngàng. Sau đó, vụ việc được đưa lên UBND xã Hòa Sơn để giải quyết. Tuy nhiên, qua nhiều lần gọi hai gia đình lên làm việc nhưng do việc đòi lại đất của gia đình bà Phượng không đủ cơ sở nên UBND xã Hòa Sơn đã hoàn trả hồ sơ.
“Đất tôi ở tôi làm đơn xin chính quyền xã hẳn hoi chứ tôi không hề mượn của gia đình ông Tư, bà Phượng. Nay lại vô cớ nói tôi đi mượn đất của họ để ở. Trong khi đó, thửa đất tôi ở là thửa số 66 nhưng họ lại cho rằng thửa số 66 có hai thửa là 66a và 66b. Nhưng thực tế các sổ sách, giấy tờ của địa phương đều cho thấy rõ chỉ có thửa đất số 66 chứ không hề có hai thửa là 66a và 66b”, ông Hiệu cho biết.
Sau khi UBND xã đã có quyết định việc đòi lại đất của gia đình bà Phượng không có cơ sở. Thì năm 2012, bà Phượng tiếp tục đem sự việc trên để kiện lên tòa án nhân dân huyện Đô Lương. Hồ sơ được thụ lý và đến năm 2013 được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Song, tại phiên xử phúc thẩm, không hiểu Tòa án nhân dân huyện Đô Lương đã thu thập từ những tài liệu nào, cho rằng thửa đất trên thuộc sở hữu của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng. Kết quả của phiên xử yêu cầu gia đình ông Hiệu phải di dời, trả lại đất cho gia đình bà Phượng và đồng thời buộc phải tuyên hủy bìa đỏ đã cấp năm 1995 cho gia đình ông Hiệu. Gia đình bà Phượng phải hỗ trợ cho gia đình ông Hiệu 85 triệu đồng tiền di dời, phá nhà cửa trên đất để bàn giao.
Không chấp nhận kết quả trên ông Hiệu đã làm đơn kháng cáo và phiên xử phúc thẩm do tòa án nhân tỉnh Nghệ An thụ lý. Nhưng năm 2014, kết quả xét xử phúc thẩm y nguyên bản án sơ thẩm trước đó, chỉ có yêu cầu gia đình bà Phượng phải tăng thêm mức hỗ trợ di dời cho gia đình ông Hiệu là 14,5 triệu đồng.
Sau hai lần xét xử, kết quả của Tòa án nhân dân huyện Đô Lương và Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An làm gia đình ông Hiệu choáng váng. Đất của gia đình ông từ chỗ có giấy chứng nhận đầy đủ được Nhà nước cấp đúng quy định, ở ổn định hàng chục năm nay bỗng dưng bị mất không.
Có hành vi làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Không chấp nhận kết quả xét xử vô lý của Tòa án và cho rằng việc gia đình bà Nguyễn Thị Phượng đã có hành vi móc nối cấu kết với một số cán bộ địa phương để làm giả giấy chứng nhận QSDĐ trên cùng lô đất với gia đình mình nên ông Hiệu đã làm đơn tố cáo gửi lên Công an huyện Đô Lương và Tòa án nhân dân tối cao dựa trên những giấy tờ có cơ sở pháp lý được các cơ quan Nhà nước cung cấp.
Từ hồ sơ tố cáo của ông Hiệu, Công an huyện Đô Lương đã cho người đi thu thập chứng cứ và điều tra làm rõ. Ngày 27/12/2013, Công an huyện Đô Lương đã có Văn bản số 94/CAH trả lời gia đình ông Hiệu. Trong văn bản trả lời của Công an huyện Đô Lương nêu rõ: “Từ trước đến nay gia đình ông Bùi Văn Tư và Bà Nguyễn Thị Phượng chỉ có thửa đất số 164 xóm Hiệp Hòa do ông Bùi Văn Chân là bố để lại. Từ trước đến nay gia đình ông Tư và bà Phượng cũng không có đơn xin cấp lô đất mới nào và chỉ đóng thuế lô đất nói trên chứ không liên quan gì đến lô đất số 66 xóm Hiệp Hòa.
Bản thân ông Tư cũng không có hợp đồng chuyển nhượng hay thuê đất gì với gia đình ông Hiệu. Theo bản đồ địa chính thu thập tại Sở Tài nguyên và Môi trường ở tờ bản đồ số 3, khu vực xóm Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn chỉ có thửa đất số 66 phù hợp với giấy chứng nhận QSDĐ của ông Hiệu. Gia đình ông Hiệu được UBND xã Hòa Sơn cấp đất năm 1990 có quyết định đầy đủ và đóng thuế đầy đủ từ đó đến nay. Do đó, việc ông Nguyễn Đình Hiệu tố cáo ông Bùi Văn Tư làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là có căn cứ”.
Trong khi đó, theo sự phân tích của ông Hiệu, nhận thấy: Các giấy tờ của các cơ quan Nhà nước từ trước đến nay lưu lại tại xóm Hiệp Hòa chỉ có lô đất số 66 chứ không có 66a hay 66b như trong bìa đỏ của ông Bùi Văn Tư. Bên cạnh đó, bìa đỏ các gia đình khác và gia đình ông Hiệu được cấp năm 1995 đều do ông Hoàn Sửu lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Đô Lương ký. Nhưng trong bìa đỏ của ông Bùi Văn Tư lại mang tên Hoàng Sửu với chức danh là Phó chủ tịch huyện Đô Lương?! Từ những nghi ngờ đó nên ông Hiệu cho rằng đã có sự tiếp tay của một số cán bộ để làm bìa đỏ giả cho gia đình ông Tư.
Từ những căn cứ pháp lý, sau khi nhân được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đình Hiệu, ngày 24/4/2015 Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn hỏa tốc số 146/2015/DS-GDT do ông Tống Anh Hào - Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký gửi Tòa án nhân dan huyện Đô Lương và Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cùng gia đình ông Hiệu yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử trước đó. Đồng thời, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Đô Lương xét xử phúc thẩm lại.
Ngày 29/12/2016, sau khi thu thập các chứng cứ và các nhân chứng liên quan, Tòa án nhân dân huyện Đô Lương đã xét xử lại vụ tranh chấp đất đai trên và thừa nhận lô đất số 66, xóm Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Nguyễn Đình Hiệu. Đồng thời, tuyên hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Bùi Văn Tư.
Việc đã rõ, song những điều mờ ám trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Bùi Văn Tư thì vẫn chưa có hồi kết. Tại sao không có những giấy tờ căn bản nhưng gia đình ông Bùi Văn Tư vẫn có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lô đất số 66 trên? Liệu có sự tiếp tay của một số cán bộ như ông Hiệu tố cáo hay không? Tại sao lại có việc xét xử thiếu minh bạch, không khách quan của Tòa án nhân dân huyện Đô Lương và Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An như trước đó?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Như Sương - Nguyễn Duy