Nghệ An: Xã bị tố gian dối trong quá trình cấp sổ đỏ, cắt đất của dân bán trái quy định!
(Dân trí) - Trong khi biên bản giao đất của xã ghi rõ là 18.500 m2 tuy nhiên đến thời điểm nhận được GCNQSDĐ, những người dân mới tá hỏa khi phát hiện diện tích của mình bị thiếu hụt hơn 6.800 m2.
Vừa qua phóng viên báo Dân trí nhận được đơn tố cáo của chị Mai Thị Hà (SN 1977, trú tại xóm 3, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) về việc chính quyền xã Quỳnh Lâm đã cắt đất rừng của dân bán trái phép, cản trở người dân trồng rừng theo quy định của Nhà nước…
Theo đó, thực hiện Nghị định 02/CP, ngày 15/01/1994 của Chính phủ về chủ trương chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ cá nhân khai thác và bảo vệ, các hộ dân tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã xin thuê đất lâm nghiệp để trồng cây lâm sản.
Tiếp đó, căn cứ vào Nghị quyết của BCH Đảng ủy Quỳnh Lâm về việc bán rừng cây trồng và giao đất cho chủ mua rừng. Ngày 03/01/1994, Ban Quản lý HTX Tân Lâm căn cứ vào kết quả trúng thầu được mua lại và thuê đất trồng cây tại đồi Rú Soi cho ông Phan Tất Hiên với tổng diện tích còn lại được thuê là 18.500m2, thời hạn 50 kể từ ngày trúng thầu.
Đến ngày 15/9/1996, ông Hiên chuyển nhượng lại toàn bộ diện tích cho ông Mai Viết Sơn, sinh năm 1954 cùng trong tổ thầu với ông Hiên, hiện ông Sơn và các thành viên trong tổ thầu chuyển nhượng lại cho chị Mai Thị Hà (SN 19977, con gái ông Sơn).
“Năm 2004, thấy xóm trưởng đến báo tin, rồi bảo đưa chứng minh thư để làm bìa thì tôi sang làm. Họ bảo mọi thủ tục đều được làm cho vì diện tích, thực trạng cũng có ghi rõ và làm GCNQSD đất khu vực Rú Soi theo Văn bản mua rừng cây và đề nghị giao đất ngày 03/01/1994. Sau đó tôi còn được đưa lên chỉ mốc giới là từ khu vực mép nước (đất trồng lúa của người dân) trở lên là thuộc đất của tôi. Vì quá tin tưởng nên tôi cũng không quan tâm sát sao đến quá trình làm bìa”, ông Sơn cho biết.
Sau khi được thông báo làm GCNQSDĐ, thấy các hộ dân khác làm cùng thời điểm với mình đều đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên gia đình ông vẫn không nhận được theo đúng quy định thời hạn. Bởi vậy ông Sơn nhiều lần lên chính quyền địa phương để “đòi”, phải đến cuối năm 2013 ông mới tận mắt được nhìn thấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình.
Tuy nhiên, nhưng khi xem GCNQSDĐ ông bàng hoàng khi diện tích đất bỗng dưng bị thiếu hụt hơn 6.800 m2, không đúng theo văn bản mua rừng cây và đề nghị giao đất ngày 03/01/1994. Cũng từ thời điểm này ông Sơn bắt đầu đội đơn đi khắp các cơ quan có thẩm quyền để đòi lại diện tích đất bị thiếu hụt, tuy nhiên vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Theo tìm hiểu, được biết GCNQSD đất của hộ gia đình ông đã được cán bộ chính quyền xã, huyện Quỳnh Lưu hoàn thiện và cấp GCNQSD số AD 828519 ngày 21/02/2006 được cán bộ địa chính xã Quỳnh Lâm nhận. Sau khi nhận về, mặc cho ông Sơn nhiều lần đến “đòi” nhưng chính quyền xã Quỳnh Lâm vẫn “ngâm” kỹ suốt hơn 7 năm ròng rã. Thời điểm làm và hoàn thành GCNQSDĐ của gia đình ông Sơn là vào năm 2006 nhưng đến năm 2013 ông mới được xã giao lại giấy tờ cho mình.
Trong thời gian này, một phần diện tích đất thuộc quyền quản lý sử dụng của ông và các hộ dân cùng thầu đã bị chính quyền địa phương quy hoạch, phân lô bán đất ở cho một số hộ dân khác, gia đình ông Sơn là người quản lý sử dụng diện tích đất trên không hề được thông báo.
“Là người quản lý sử dụng đất, tại sao xã phân lô bán cho các hộ khác để lấy tiền lại không hề thông báo để chúng tôi được biết”, ông Sơn cho biết.
Những hộ dân này sau đó tiến hành xây dựng nhà ở, các công trình kiên cố trên phần đất mà thuộc quyền quản lý sử dụng của ông Sơn và các hộ nhận thầu đất tại Rú Soi. Đồng thời trong quá trình sinh sống các hộ dân này không ngừng “mở rộng” diện tích đất của gia đình mình lấn sâu vào phần đất của ông Sơn trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương.
Từ năm 2013, nhiều đơn thư gửi đi các cơ quan chức năng nhưng ông không nhận được câu trả lời thỏa đáng, sau khi ông và các hộ dân nhận thầu quyết định chuyển nhượng lại phần đất trên cho con gái ông là Mai Thị Hà. Chị Hà tiếp tục được ủy quyền để đi đòi lại diện tích hơn 6.800 m2 đã bị thiếu hụt trong quá trình là bìa trước đó.
“Khi tôi đưa máy lên để cải tạo thì chính quyền lại ngăn cản, còn các hộ dân mua đất xây nhà rồi dùng máy móc lấn dần sang phần đất thuộc quyền quản lý sử dụng của tôi, xây dựng công trình kiên cố thì chính quyền lại nhắm mắt làm ngơ. Tôi yêu cầu UBND xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu trả lại phần diễn tích đất chính đáng cho gia đình tôi, đồng thời bồi thường những thiệt hại mà chúng tôi đã phải chịu trong suốt thời gian qua”, chị Hà bức xúc.
Hai đời cha con mòn mỏi đội đơn đi khắp các ban, ngành, nhưng đến thời điểm hiện tại câu trả lời chính thức nào. Bên cạnh đó mỗi lần chị Hà đưa phương tiện, máy móc vào để cải tạo đất trồng cây lại gặp phải sự phản đối đối từ chính quyền địa phương.
Hiện vụ việc đang được chính phòng tài nguyên môi trường huyện Quỳnh Lưu và UBND xã Quỳnh Lâm phối hợp giải quyết.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Nguyễn Duy