Nghệ An: Bãi tập kết cát sỏi không phép tràn lan, chính quyền bất lực?
(Dân trí) - Nhiều bãi tập kết cát sỏi trái phép ngang nhiên hoạt động năm này sang năm khác. Tuy nhiên không hiểu sao các cơ quan chức năng vẫn không vào cuộc để xử lý.
Bờ sông lở loét vì bãi tập kết tràn lan
Theo phản ánh của người dân, trong nhiều năm qua nhiều người dân ở dọc sông Con (Nghệ An) rầm rộ khai thác cát, sỏi trái phép. Các doanh nghiệp đua nhau “đục khoét” dọc lòng sông rồi lấy đất nông nghiệp của dân làm bãi tập kết.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại các địa bàn tại xã Tân Long, Nghĩa Hợp, Nghĩa Thái… thuộc huyện Tân Kỳ các công ty như mỏ: Dũng Phương (Công ty TNHH Đạt Anh), Hùng Tiến, Cty Hải An, Cty VHS … chuyên khai thác và cung cấp cát, sỏi. Sau khi hút cát trên dòng sông, các phương tiện tàu, thuyền chở vật liệu về nơi cách bến gần nhất. Mặc không phải là bến, bãi được cấp phép, nhưng những bãi tập kết này vẫn ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm.
Tại các bến tập kết, việc mua bán cát sỏi diễn ra rầm rộ, thản nhiên. Hiện hàng chục bãi tập kết cát lớn, rộng từ hàng trăm đến hàng ngàn mét vuông. Nhiều bãi cát cao hơn đầu người gồm nhiều đống cát lớn đổ sát nhau.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn lợi dụng phần đất nông nghiệp của người dân để mở rộng bãi tập kết của mình. Vấn nạn này chưa có hồi kết làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân nhưng các cơ quan chức năng vẫn không xử lý nghiêm mà còn phớt lờ trong công tác chỉ đạo.
Qua tìm hiểu của PV, những doanh nghiệp này trước đây được được huyện Tân Kỳ cấp phép bến thủy nội địa, nhưng thời hạn cấp phép đã hết từ lâu.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với PV, ông Vi Văn Quang, Trưởng phòng Kinh Tế - Hạ tầng huyện Tân Kỳ cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có hai doanh nghiệp là đầy đủ thủ tục khai thác cát, sỏi cũng như bến bãi tập kết, còn lại các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện cho phép. Trong thời gian qua đã xử lý nhiều doanh nghiệp về mặt hành chính vì để xảy ra sai phạm trong quá trình tập kết vật liệu trái phép. Hiện chúng tôi đang tổng hợp, trong thời gian tới sẽ xử lý triệt để”.
“Về phía huyện, trong thời gian qua đã xử lý nhiều doanh nghiệp về mặt hành chính vì để xảy ra sai phạm trong quá trình tập kết vật liệu trái phép”, ông Quang cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng TN&MT cho hay: “Gần như tất cả, các mỏ khai thác cát, sỏi trên địa bàn không có giấy phép bến bãi. Hiện, trên địa bàn có 15 mỏ cát, sỏi được cấp phép; 11 bến thủy nội địa, bến bãi được quy hoạch (trong đó có 2 bến được cấp phép)”.
“Thực trạng hiện nay trên địa bàn huyện có 15 mỏ cát được cấp phép, 13 trong số đó đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên chỉ có 2 mỏ có đầy đủ giấy phép mỏ và giấy phép bến thủy nội địa, trong số 11 mỏ còn lại thì hiện đang làm thủ tục để cấp phép bến thủy nội địa. Nhưng chính thủ tục cấp phép còn nhiều vướng mắc nên rất khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện. Về phía huyện đã có ý kiến lên tỉnh và rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để, dứt điểm vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Hoa, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết thêm.
Theo số liệu từ Sở GTVT Nghệ An, quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa tỉnh Nghệ An được phê duyệt tại Quyết định số 5260 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 239 bến thủy nội địa (trong đó có 35 bến khách, 200 bến hàng hóa, 3 bến chuyên dùng và 1 bến tổng hợp). Trong 200 bến hàng hóa thì chủ yếu là tập kết cát sỏi, đến nay đã có 86 bến có ý kiến đầu tư dự án (trong đó có 42 bến được cấp phép, 33 bến được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, 11 bến chưa được chấp thuận đầu tư). Riêng tại huyện Tân Kỳ, ngoài 11 bến nằm trong quy hoạch thì còn có hàng chục bến bãi đang hoạt động chui.
Nguyễn Tú