Bạn đọc viết:

Ngậm ngùi đời sống giáo viên

(Dân trí) - Nhiều giáo viên đã từ giã bục giảng, từ giã đồng nghiệp, học sinh và tiếng trống trường… từ giã ước mơ thời son trẻ là được làm thầy giáo. Chắc rằng không ai muốn phải bỏ cái nghề mình đã lựa chọn, hơn nữa lại là “nghề cao quí nhất”.

Ngậm ngùi đời sống giáo viên - 1
Đời sống của giáo viên vùng cao còn quá khó khăn (ảnh minh họa)
 
Lại nghịch lý giá - lương
 
Giáo dục và đào tạo là một vấn đề hết sức quan trọng trong đời sống chính trị và phát triển của mỗi quốc gia. Hưng hay thịnh của một quốc gia quyết định ở nhiều yếu tố, nhưng cơ bản nhất vẫn là giáo dục.
 
Tuy nhiên, tình hình giáo dục đào tạo hiện nay ở nước ta có nhiều khâu, nhiều điểm cần nhìn nhận, đánh giá và cải cách sớm nếu không muốn rơi vào tụt hậu. Ở bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới thực tế đời sống của giáo viên nói chung và đời sống giáo viên giảng dạy trong các trường phổ thông nói riêng hiện nay.
 
Xã hội yêu cầu, đòi hỏi rất nhiều ở người giáo viên, đặt ra ngày 20-11 để tôn vinh người giáo viên. Nhưng cuộc sống thường ngày với đồng lương ít ỏi hiện nay, người giáo viên đang sống như thế nào có lẽ lại ít được nhắc tới.

Vậy đời sống của giáo viên ở các trường phổ thông hiện nay như thế nào? Xin thưa rằng họ đang gặp rất nhiều khó khăn nếu không muốn nói là nghèo khổ. Họ đang phải gồng mình chịu đựng sự tăng giá của nhiều mặt hàng vốn đặc biệt "hoành hành" từ nhiều tháng qua.

Nhiều người trong số đó không chịu nổi đã từ giã bục giảng, từ giã đồng nghiệp, học sinh và tiếng trống trường… từ giã ước mơ thời son trẻ là được làm thầy giáo. Chắc rằng không ai muốn phải bỏ cái nghề mình đã lựa chọn, hơn nữa lại là “nghề cao quí nhất”. Dằn vặt và đau đớn lắm chứ!

Hãy sống cuộc sống của giáo viên hiện nay chúng ta sẽ thấy rằng để tồn tại còn khó chứ đừng nói tới phát triển. Học xong bốn năm đại học mất bao nhiêu là thóc gạo, ra trường vay mượn, thế chấp… chạy ngược chạy xuôi mới xin được một suất dạy. Đêm thì đỏ đèn soạn bài, ngày thì đến lớp giảng dạy, ngoài ra còn phải dự giờ, thao giảng, thi đua, hội họp,…với hàng loạt sổ phải ghi chép. Nếu trái ý còn bị sếp phê bình...
 
Vậy mà cuối tháng chỉ vỏn vẹn có vài triệu đồng tiền lương (bậc lương ĐH mới ra trường chỉ có 2,34 nhân với hệ số 7.30). Cộng tất cả chưa đầy 2 triệu đồng mà người giáo viên phải đối mặt với bao lo toan như tiền thuê trọ, tiền điện, tiền nước, tiền xăng xe, tiền ăn, cưới hỏi, tân gia, sinh nhật, phúng điếu… Trong khi cuộc sống có đến ….1001 lệ phí phải chi nộp, thử hỏi làm sao đủ sống.
Khi chúng tôi nói đến lương giáo viên, một thầy giáo chua chát rằng: “Từ ngày tôi ra trường tiền lương không đủ để mua một chỉ vàng, đến nay gần 20 năm lương không đổi, vì vẫn không đủ mua một chỉ vàng”. Đó là chưa nói tới những giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp dạy ở các bậc tiểu học hay mầm non, hoặc bộ phận văn thư, kế toán, thủ quĩ…trong trường học thì lương tháng của họ còn ….bèo hơn nhiều!
 
Muôn kiểu kiếm thêm

Giáo viên không đủ sống bằng tiền lương, vậy họ phải làm thêm những gì để sống? Thực tế cuộc sống cho thấy giáo viên phải làm thêm đủ việc. Ở những nơi có điều kiện, nhu cầu học thêm cao thì giáo viên còn có thể dạy thêm. Nhưng số đi dạy thêm rất ít, vì xu hướng học của học sinh hiện nay chỉ tập trung vào những môn chính như Toán, Lí, Hoá, Anh văn, Sinh hay Ngữ văn…nhưng số người đi dạy thêm trong mỗi môn này cũng không phải là tất cả. Số còn lại thì mở tiệm cà phê, quán nét, uốn tóc, buôn bán…thậm chí rửa xe.

Ở những vùng nông thôn đồng bằng hay miền núi, không ít giáo viên còn phải làm thêm nương, rẫy để mong kiếm thêm thu nhập. Vì để có thêm thời gian kiếm tiền cho nên nhiều giáo viên phải bớt xén thời gian dành cho công tác giảng dạy, dẫn tới hiện tượng bài vở soạn giảng qua loa, đến lớp trễ, ra tiết sớm, hiện tượng câu giờ cấy điểm, hiện tượng ép học sinh phải học thêm, hiện tượng tiêu cực trong thi cử, hiện tượng mắng mỏ trừng phạt quá mức khi học sinh vi phạm…. trên thực tế đã xảy ra và có xu hướng chưa dừng lại.

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhưng thực tế hiện nay khi lựa chọn con đường nghề nghiệp cho con em mình, ít phụ huynh muốn con em mình đi vào ngành giáo dục để làm giáo viên. Bằng chứng là những năm gần đây tỷ lệ thí sinh dự thi vào các trường đại học sư phạm rất ít. Điều đặc biệt là nhiều học sinh khá giỏi, nhất là các học sinh học ở những trường chuyên, khi nói đến sư phạm đều lắc đầu. Các em muốn vào các ngành nghề khác như tài chính, ngân hàng, dầu khí, diện lực, các ngành nghề kĩ thuật khác….

Vì sao học sinh không muốn vào các ngành sư phạm? Có nhiều nguyên nhân nhưng về cơ bản vẫn là thu nhập quá thấp. Bằng chứng là đồng lương tháng ở các thầy cô giáo không thể trang trải nổi cuộc sống. Nếu so sánh về lương thì quả thật lương của thầy cô giáo hiện giờ không thể so sánh với các ngành nghề khác, chỉ khác nông dân ở hình thức lao động mà thôi.
 
Chảy máu chất xám

Hàng năm, vào các dịp tết các cơ quan, ngành nghề khác thi nhau thưởng. Tiền thưởng là phần thưởng cao quí, là thành tích sau một năm hoạt động, là động lực thúc đẩy để người lao động làm tốt hơn, hiệu quả hơn phần công việc được giao ở năm tiếp theo. Những ngành đang ăn nên làm ra như Dầu khí, Ngân hàng, Cao su, Điện lực…họ thưởng nhân viên mình cả hàng trăm triệu, các ngành khác cũng đôi ba chục triệu….Trong khi giáo dục đào tạo - cái nôi đào tạo ra nhân tài cho đất nước, là “nghề cao quí nhất” chỉ có vài trăm ngàn.

Nói về tiền thường tết của giáo viên, một cô giáo cay đắng:“không nhận thì tủi…”. Thực tế cho thấy có thầy giáo dạy học rất giỏi nhưng cả đời không cất nổi ngôi nhà. Trong khi có những học trò của thầy sau mấy năm ra trường không chỉ có nhà lầu mà còn có cả xe hơi, vì đơn giản anh ta theo lời khuyên của thầy... không đi vào ngành sư phạm. Ai đó đã từng nói: “Nếu nói đất nước chúng ta đang bị “chảy máu chất xám” thì ngành giáo dục bị mất nhiều nhất.”

Đồng lương không đủ trang trải cuộc sống hiện nay của người giáo viên, liệu họ còn tâm huyết với nghề nghiệp của mình nữa không? Những học sinh giỏi liệu có lựa chọn giáo dục để làm đích đến? Không có thầy giỏi sao có trò giỏi?... Đặt ra những câu hỏi thì dễ, nhưng trả lời nó không hề đơn giản.

Khi nhắc tới đời sống của người giáo viên, có thời điểm cả ngành giáo dục đã khấp khởi mừng thầm, vì theo như lời của một lãnh đạo ngành thì: đến năm 2010 giáo viên có thể sống bằng chính nghề của mình. Vậy mà năm 2010 đã trôi qua, năm 2011 cũng sắp …trôi qua. Đồng lương của người giáo viên trước tình trạng giá cả leo thang đang đẩy cuộc sống của họ tới chỗ khốn khó nhất. Xin đừng để giáo viên phải chịu mãi cảnh “sống mòn”!!!
 
Hoàng Thạch Sơn
(Phòng Giáo dục huyện Bù Gia Mập,  tỉnh Bình Phước)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm