Nếu có yêu thương…

(Dân trí) - Tôi viết những chuyện này sau khi chứng kiến rất nhiều những đứa trẻ bỏ rơi, bơ vơ đến tội nghiệp. Những câu chuyện để hy vọng rằng, những ai làm cha, làm mẹ xin đừng bỏ rơi con, vì bất cứ lý do gì...

1. Chuyện cô bé Mận sinh non nặng 700gr sống sót và khỏe mạnh trở lại như bao đứa trẻ bình thường (nhân vật trong bài viết Sự sống mong manh của bé sinh non mất mẹ), các bác sỹ khẳng định đó là kỳ tích của nền y học Việt Nam, nhưng với chúng tôi đó còn là phép màu kỳ diệu của lòng yêu thương.

Hẵng khoan nói đến những nỗ lực tuyệt vời của tập thể y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để cứu cô bé đáng yêu và đáng thương Hoàng Thị Mận. Hẵng khoan kể đến sự giúp đỡ của bạn đọc Dân trí - những người luôn chất chứa tình yêu thương bao la dành cho những mảnh đời côi cút, bất hạnh. Điều tôi muốn kể là về chính anh Hoàng Ngọc Tỏa, bố của cô bé. Anh Tỏa năm nay 30 tuổi, sau 2 năm đi lính làm nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê hương và lập gia đình với chị Hoàng Thị Nguyệt ở cùng quê.
 
Nếu có yêu thương… - 1

Bé Mận lúc mới sinh nặng chỉ 700gr, tiên lượng tử vong gần như 100%
Hạnh phúc vừa đến thì những tai họa kinh khủng đổ xuống. Vợ anh mang thai đến tháng thứ 6 thì phát hiện bị bệnh nhiễm trùng máu. Ngày anh đón nhận cái tin bé Mận phải sinh non khi 28 tuần tuổi cũng là lúc anh chứng kiến người vợ yêu quý của mình ra đi.
 
Anh rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát: vợ mất, con đang trong giai đoạn thập tử nhất sinh, lại không một xu dính túi để chạy chữa bệnh tật cho con. Bao nhiêu tiền gom góp, vay mượn được anh đã chi trả hết cho việc chữa bệnh nhiễm trùng máu của vợ. Sau khi về quê làm thủ tục mai táng cho người vợ xấu số ở Nghệ An, anh trở ra Hà Nội với số tiền trong túi vỏn vẻn có hai trăm nghìn đồng.
 
Mặc dù nghe các bác sĩ thông báo, con gái của anh tiên lượng đến 99% là chết, mà nếu có sống thì cũng gặp không ít tổn thương trên cơ thể: tổn thương phổi, suy tim, tổn thương não, mắt có khả năng bị mù, nhưng anh Tỏa vẫn chưa bao giờ hết ngừng hi vọng.
 
Thay vì cách hành xử của không ít ông bố bà mẹ bỏ rơi con tại bệnh viện khi thấy con mang bệnh hiểm nghèo, sợ phải chi trả tiền viện phí, thì anh Tỏa vẫn quyết tâm bám trụ đến cùng. “Nếu con có chết thì mình cũng phải được vuốt mắt cho con, được một lần bồng hình hài của con gái trên tay. Con sống được một ngày thì mình sẽ được làm bố một ngày. Con sống một tháng thì mình được làm bố một tháng. Sao mà nỡ để con bơ vơ khi vẫn còn có bố cơ chứ”, anh Tỏa khẳng khái tâm sự với tôi, dù lúc đó đôi mắt của anh toát lên không ít nỗi âu lo.
 
Nếu có yêu thương… - 2

Bằng tình yêu thương mãnh liệt, bố của bé Mận đã mang lại sự sống cho con gái của mình

Nói vậy chứ ở quê của anh Tỏa, chuyện anh có đứa con gái sinh non sắp chết đã lan truyền khắp làng, và người ta tránh gia đình anh như… tránh hủi. Không một ai dám bước chân đến thăm hỏi, bởi quan niệm ở quê anh nếu bước vào nhà có trẻ sơ sinh chết thì sẽ gặp vận hạn nặng nề.

Nhà anh Tỏa nuôi được mấy chục con gà, ngay ngày hôm sau kể từ khi bé Mận sinh ra, các chị của anh Tỏa đã phải đem ra chợ bán tống bán tháo, với giá chỉ rẻ bằng một nửa. “Nếu mà con mình chết, gà vịt ở nhà chẳng ai thèm mua vì người ta sợ xui. Không phải mỗi nhà mình, mà gà vịt của anh em ruột trong nhà cũng đều phải bán sạch. Suốt 3 tháng điều trị của con gái, chẳng một ai dám đến nhà hỏi thăm. Thậm chí ông bà bên ngoại cũng tránh”, anh Tỏa kể.

Suốt 3 tháng trời ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, anh Tỏa cứ lầm lũi chăm con. Mừng như bắt được vàng mỗi lần nghe bác sĩ báo con gái của anh sức khỏe có tiến triển hơn Hoặc chết lặng khi nghe những tin sét đánh: con bị suy tim, phổi không hô hấp được, mắt có khả năng bị mù, rối loạn dinh dưỡng...

Cách đây chừng nửa tháng, anh Tỏa gọi cho tôi thông báo tin mừng con anh sẽ được xuất viện khi bác sĩ thông báo sức khỏe của bé Mận đã ổn. Vậy mà ngày hôm sau anh lại gọi cho tôi nói gần như khóc, rằng bé Mận đang bị viêm phổi nặng, cả đêm qua thường xuyên ho ra đờm, không chịu ăn uống gì. Lo lắng hơn, ở bàn tay của bé Mận bỗng dưng nổi lên một cục u to như hạt đậu phộng khiến anh cứ sợ đó là u ác tính, nhất là khi trước đó bé Mận đã có tiền sử nhiễm trùng huyết lây từ mẹ sang.

Vậy mà mọi gian truân cũng qua, cục u được xác định chỉ là khối cơ bị chèn nổi thành cục do hệ quả từ việc thở máy kéo dài. Bé Mận của anh hoàn toàn khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường, không một dấu hiệu tổn thương phổi, không bị suy tim, không bị mắt hay trí não. Da dẻ bé rất hồng hào, khuôn mặt xinh xắn và đáng yêu như một thiên thần.

Ngày bé Mận ra viện, anh Tỏa ứa hết nước mắt, dù tương lai phía trước của hai bố con vẫn chất chồng những khó khăn. Tình yêu thương của người bố tận tâm dành cho con gái đã cứu sống em, một cô bé được tiên đoán tỷ lệ tử vong gần như 100%. Nhiều người xem chuyện cứu sống bé Mận như là kỳ tích của ngành y, nhưng với chúng tôi đó chính là điều kỳ diệu từ lòng nhân ái mà anh Tỏa đã dành cho đứa con yêu quý, đáng thương của chính mình.

2. Bé Nguyễn Thu Trang (nhân vật trong bài viết Mong manh trái tim bé bỏng của bé 3 tuổi) chỉ có 5% cơ hội sống trong lần phẫu thuật tim thứ ba tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội, khi 2 lần phẫu thuật trước đó của em tại Bệnh viện Nhi Trung ương đều không thành công.

Tôi gặp bé ở bệnh viện khi em liên tục ho khục khặc, miệng cố hớp lấy từng “ngụm ôxy” từ bầu không khí bên ngoài để duy trì sự sống. Trước khi ca mổ được tiến hành, bé đi tiểu ra máu rất nhiều, các chức năng của tim, gan, thận, phổi đều bị suy nặng. Bác sĩ Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, một trong những chuyên gia đầu ngành trong phẫu thuật thay van tim hai lá cho hay, việc nhận phẫu thuật bé Thu Trang cũng là một hành động hơi “liều lĩnh” của bệnh viện, bởi cơ hội sống của bé hết sức mong manh.
 
Nếu có yêu thương… - 3

Trái tim bé Thu Trang đập trở lại nhờ trái tim phúc hậu của bác sỹ Nguyễn Hữu Ước

“Nhưng không nhận phẫu thuật bé thì tôi thấy thương quá. Mình học bao nhiêu năm trong ngành y, thấy người sắp chết mà không cứu thì cắn rứt với lương tâm lắm”, bác sỹ Ước tâm sự. 

Điều đáng kể hơn, trước khi bé Trang nhận được sự giúp đỡ của đông đảo bạn đọc Dân trí, bản thân bác sỹ Ước đã đi lượm lặt khắp nơi trong bệnh viện những món đồ “cũ nhưng vẫn còn dùng tốt” để phẫu thuật cho bé, tiết kiệm chi phí phẫu thuật cho gia đình. Ca mổ do bác sỹ Ước thực hiện đã thành công ngoài cả mong đợi, giúp trái tim em trở lại với nhịp đập bình thường. Đã có lúc tôi thầm nghĩ, chính tình yêu thương của một “lương y” như bác sỹ Ước đã giúp cho cán cân 5% sống nghiêng nặng hơn so với 95% chết, giúp cho một cô bé đáng yêu tiếp tục được làm người.

***
 
Tôi thật sự buồn khi hàng ngày vẫn chứng kiến những cô bé, cậu bé vừa mới sinh ra trên cõi đời đã bị bố mẹ bỏ rơi, bơ vơ đến tội nghiệp. Những đứa bé khi sinh ra chẳng may mang bệnh hiểm nghèo đã là một nỗi đau đối với chúng, nhưng còn đau đớn hơn khi bị chính những người ruột thịt, máu mủ chối từ.
 
Đằng sau câu chuyện những đứa bé bị bỏ rơi là những trái tim yếu đuối, với bao lời biện hộ cho hoàn cảnh khó khăn, cho sự nghiệp chưa vững vàng mà những ông bố, bà mẹ đang tâm hành xử với đứa con của chính mình.
 
Nếu có yêu thương… - 4

Bé Hoàng Ngọc Anh 3 tháng tuổi là trường hợp mới nhất bị bỏ rơi đang được bạn đọc Dân trí giúp đỡ

Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng một câu mà ai đó đã nói, rằng mỗi chúng ta nếu có yêu thương, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn nhất trong cuộc đời mình. Nếu có yêu thương, bạn sẽ giúp được những người khác vượt qua nỗi đau, bất hạnh. Yêu thương không là cho đi, mà sẽ đem đến cho bạn những hạnh phúc lớn lao. Những hạnh phúc chỉ có người thực sự yêu người mới cảm nhận được...

Sông Lam

Dòng sự kiện: Nhật ký bé Ngọc Anh