"Nên bổ sung thêm công năng cho hầm đi bộ để khuyến khích người dân"

Hải Hà

(Dân trí) - Độc giả cho rằng nên xem xét bổ sung thêm công năng cho hầm đi bộ như dựng các quầy bán quần áo hay đồ ăn nhanh, tạo thành khu ăn uống, mua sắm để kích thích nhu cầu và thói quen người dân.

Trước thực tế hệ thống hầm đi bộ ở Hà Nội được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng "ế khách" còn người đi bộ vẫn mặc nhiên băng qua đường ngay trên mặt hầm. Những người này gây nguy hiểm cho chính bản thân họ và liên đới tới người điều khiển phương tiện giao thông.

Trước thông tin hầm đi bộ hàng tỷ đồng đóng cửa, thưa thớt người sử dụng ở Hà Nội, có ý kiến cho rằng việc đầu tư hệ thống hầm đi bộ là lãng phí bởi ở Hà Nội lực lượng xe ôm rất "dồi dào"; người dân thì "văn hóa tiện", đi có 100m cũng gọi xe nên làm gì có ai đi bộ mấy.

Ý kiến này đã vấp phải sự phản đối của nhiều độc giả Dân trí. Độc giả Le Anh cho rằng khi hệ thống phương tiện giao thông công cộng phát triển thì hầm này chắc chắn sẽ phát huy tác dụng. "Theo tôi chẳng có gì lãng phí cả, thành phố bỏ ít tiền dọn dẹp tu sửa phía cửa ra vào của các hầm đi bộ là lại đẹp".

Độc giả Hồ Văn Nhân đồng quan điểm và phân tích, "Nhà nước làm cái này tôi ủng hộ, đó là giải pháp đúng, là tầm nhìn xa vài chục năm sau. Không lẽ sau này đông dân lên rồi lại moi đường để làm, lúc đó nhiều bạn lại bảo có cái đường mà cứ đào lên đào xuống hoài.

Tuy nhiên người dân Việt Nam mình thì thích sự tiện lợi quen rồi, nên vẫn giữ thói quen cũ là băng qua đường trong lúc xe cộ đang chạy cho nó nhanh, nó tiện.

Người dân đâu biết rằng chính suy nghĩ nhanh, tiện lợi đó mà ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng giao thông trên đường, chưa kể là ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân nữa. Nhà nước dễ dàng thì dân chủ quan, nhà nước đưa ra luật thì dân kêu ca lên.

Cứ tình trạng như này sắp tới nhà nước nên ra quy định xử phạt đối với người đi bộ băng sang đường không đúng nơi quy định, thì may ra những công trình trên mới được vận dụng đúng ý nghĩa của nó".

Độc giả Tinh Vu Ngoc: "Hầm đi bộ vẫn phải duy trì, nó rất văn minh và cần thiết. Tôi vẫn thường xuyên đi qua hầm khi có việc, vừa an toàn, vừa tiện lợi, dân chưa đi qua vì họ chưa biết, thiết nghĩ cần phải ghi bảng rõ ràng dán quanh khu vực đi bộ sang đường".

Nên chăng bổ sung thêm công năng cho hầm đi bộ để khuyến khích người dân

Độc giả Đỗ Minh Hùng cho rằng nên xem xét bổ sung thêm công năng cho hầm đi bộ như cho thuê bán hàng ăn đêm để tăng thêm sự đông vui, nhộn nhịp.

Nên bổ sung thêm công năng cho hầm đi bộ để khuyến khích người dân - 1

Lối lên/xuống tại một khu hầm đi bộ sang đường ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc (Ảnh: Hải Hà).

Nên bổ sung thêm công năng cho hầm đi bộ để khuyến khích người dân - 2

Bên trong hầm đi bộ là các quầy hàng được dựng để cho thuê (Ảnh: Hải Hà).

Cùng quan điểm, độc giả Ngọc Hà cho biết: "Tại Hàn Quốc, hệ thống hầm đi bộ được người dân sử dụng như một thói quen, thậm chí thích thú bởi công năng đa dạng của nó. Trong chuyến du lịch đất nước này mới đây, tôi đã có dịp trải nghiệm điều này.

Tại khu phố Myeng-dong, thủ đô Seoul, hầm đi bộ được kết nối với các ga tàu điện ngầm. Để sang đường, người dân có thể đi bằng 2 cách là sử dụng làn đường cho người đi bộ hoặc đi qua hầm.

Hầm đi bộ có hệ thống thang cuốn 2 chiều, bên trong hầm là khu buôn bán sầm uất bởi các quầy hàng bán quần áo, giày dép hay đồ ăn nhanh mở cửa đến khoảng 23 giờ.

Thiết nghĩ, chính quyền thành phố HN cũng nên xem xét áp dụng mô hình này cho các khu vực hầm đi bộ. Việc làm này vừa giúp có thêm thu nhập từ việc cho thuê kiot (quầy bán hàng), lại tạo thêm một khu ăn uống, mua sắm lành mạnh, kích thích nhu cầu và thói quen của người dân".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm