Người đi bộ "né" cầu vượt sang đường: thiếu văn minh hay văn hóa "tiện"?

(Dân trí) - Có vô vàn lý do để nhiều người biện hộ cho việc không sử dụng cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường, để rồi bất chấp nguy hiểm băng qua đường giữa dòng phương tiện đang lưu thông.

Bài viết "Tim đập chân run" mỗi lần giơ tay xin sang đường được Dân trí đăng tải mới đây đã nhận được sự quan tâm và phản hồi của nhiều bạn đọc.

Nhiều người ủng hộ nhiệt tình việc cần phải xây thêm cầu vượt cho người đi bộ, bởi số lượng thực tế đang rất rất thiếu để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc có xây thêm cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường hay không cũng không quan trọng, vì có xây cũng chẳng có mấy người chọn phương án sang đường bằng cách dùng cầu vượt cả.

Người đi bộ né cầu vượt sang đường: thiếu văn minh hay văn hóa tiện? - 1

Dọc tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu có nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường nhưng nhiều người đã bất chấp nguy hiểm mà không sử dụng.

Dọc tuyến đường Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu, xuống tới bùng binh Lê Trọng Tấn (Hà Đông) có rất nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường. Đặc biệt những chiếc cầu vượt này xây dựng lên để phục vụ hành khách khi lưu thông bằng xe bus nhanh BRT.

Sau nhiều ngày ghi nhận thực tế tại các điểm xe bus BRT, tôi thấy rằng còn có nhiều người thật sự "lười" sang đường bằng cầu vượt. Từ người già, người trẻ, học sinh, sinh viên sau khi rời khỏi xe bus họ sẵn sàng vắt chân qua hàng rào rồi đứng ở mép giải phân cách tìm lối "thoát thân" giữa bạt ngàn xe cộ đang lưu thông.

Người đi bộ né cầu vượt sang đường: thiếu văn minh hay văn hóa tiện? - 2

Họ sẵn sàng băng qua đường trong khi cầu vượt nằm ngay trên đầu.

Ngay trên đầu họ, chỉ cách vài chục bước chân là một chiếc cầu vượt chắc chắn, an toàn nhưng họ cũng không đoái hoài gì đến những cây cầu này. Chỉ đi vài bước chân rồi leo thêm hơn chục bước cầu thang lên cầu là sang đường ngon nghẻ, an toàn tuyệt đối mà sao họ không thực hiện được?

Tôi bám theo và dò hỏi lý do tại sao cầu vượt dành riêng cho người đi bộ nằm ngay điểm xe bus, rất thuận lợi cho người đi bộ sang đường mà họ không đi, lại liều mình băng sang đường đầy nguy hiểm như vậy? Phần lớn tôi nhận lại được câu trả lời là những cái xua tay, lắc đầu, "xin lỗi tôi bận lắm".

Người đi bộ né cầu vượt sang đường: thiếu văn minh hay văn hóa tiện? - 3

Một người phụ nữ sau khi rời khỏi xe bus BRT, liền leo qua hàng rào rồi tìm khoảng trống sang đường.

Người đi bộ né cầu vượt sang đường: thiếu văn minh hay văn hóa tiện? - 4

Ngóng đợi một lúc, người phụ nữ này băng qua đầu ô tô sang đường.

Tuy vậy, cũng có một số người thẳng thừng trả lời không e ngại. Một cụ ông khoảng 70 tuổi gì đó sống ở khu chung cư sát mặt đường Tố Hữu kéo dài, hàng ngày hai lần sáng chiều băng qua đường sang công viên đi bộ tập thể dục.

Ông cho biết: "Ngày nào ông cũng đi bộ sang công viên tập thể dục ngoại trừ những hôm trời mưa gió. Nhưng thú thật với cháu từ nhà ông mà đi đến cầu vượt sang đường không tiện, ông toàn đứng đợi lúc nào có ít phương tiện lưu thông, có khoảng trống an toàn thì ông mới sang". Nói xong, ông cụ đi thẳng về khu chung cư mình đang sống, tôi theo dõi thì nhà ông cũng chỉ cách cầu vượt cho người đi bộ sang đường cỡ 200m.

Người đi bộ né cầu vượt sang đường: thiếu văn minh hay văn hóa tiện? - 5

Nhiều người vội vã sang đường bấp chấp nguy hiểm cho bản thân.

Một nhóm công nhân, hiện đang làm việc tại một công trường xây dựng trên trục đường Nguyễn Thanh Bình, trước gọi là Tố Hữu kéo dài. Sau giờ làm, nhóm công nhân mỗi người ôm một chiếc mũ công trường trên ngực đứng đợi các phương tiện đi qua để tìm khoảng trống sang đường trở về lán trại.

Theo quan sát, nơi họ đứng chỉ cách cầu vượt cho người đi bộ sang đường tầm vài chục mét. Thay vì đi thêm vài chục bước chân, họ quyết đứng để tìm khoảng trống giữa dòng xe cộ đông đúc qua lại. Giờ cao điểm thật khó mà tìm được khoảng trống tốt để sang đường, lúc này tất cả tay cầm mũ công trường giơ lên đầu vẫy vẫy rồi cùng nhau tràn xuống lòng đường. Hành động này khiến nhiều phương tiện đang lưu thông phải giảm tốc độ để nhường đường cho họ.

Theo quan sát, không chỉ có người già, công nhân xây dựng mà có nhiều bạn trẻ, khoác áo học sinh, áo đồng phục của trường đại học, nhiều người ăn mặc lịch sự tay xách cặp cũng bất chấp sang đường một cách vô tội vạ. Nhiều chị gái xinh xắn mặc váy vẫn tranh thủ vắt chân qua hàng rào của điểm bus BRT rồi đứng khép nép ngay mép đường tìm cơ hội sang đường.

Người đi bộ né cầu vượt sang đường: thiếu văn minh hay văn hóa tiện? - 6

Trong khi đó có những người đã sử dụng cầu vượt để sang đường như một thói quen.

Tất nhiên, trong số những người đi bus nhanh BRT thì không ít người đã tạo cho mình một thói quen đó là sử dụng cầu vượt để sang đường. Đây là một hành động được coi là văn minh khi tham gia giao thông. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho mình, họ còn đảm bảo an toàn cho những người đang điều khiển xe lưu thông dưới lòng đường.

Theo thống kê thì hiện tại Hà Nội đã đầu tư khoảng 50 cầu vượt bộ hành hiện đại. Tuy nhiên, phần lớn cầu vượt bộ hành này chưa phát huy hiệu quả, khi người dân vẫn chưa từ bỏ thói quen sang đường không đúng nơi quy định.

Chế tài xử phạt người đi bộ sang đường trái quy định với mức phạt từ 60.000 - 100.000 đồng dường như là quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe.

Như vậy liệu có phải người đi bộ "lười" sử dụng cầu vượt dành cho mình hay cầu vượt dành cho người đi bộ đặt sai vị trí, hay còn những lý do nào khác?

Độc giả có ý kiến đóng góp về nội dung này vui lòng gửi vào khung bình luận bên dưới!