Nam Định: Đề nghị điều tra dấu hiệu oan khuất vụ chống người thi hành công vụ
(Dân trí) - Nhận thấy hồ sơ vụ án chưa có đầy đủ căn cứ chứng minh cho hành vi chống người thi hành công vụ của 2 bị cáo Quang và Nam xảy ra ngày 22/1/2014 ở xã Xuân Châu, HĐXX Tòa án huyện Xuân Trường đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo hồ sơ PV Dân trí thu thập được, khoảng 9h00 ngày 22/1/2014, ông Nguyễn Duy Khánh - Chủ tịch UBND xã Xuân Châu ký Thông báo số 04/TB-UBND, thông báo về việc tiến hành cưỡng chế phá vỡ bức tường mà UBND xã cho rằng gia đình ông Nguyễn Văn Rần xây trên phần đất đang tranh chấp với gia đình ông Nguyễn Xuân Trình vào lúc 14h00 cùng ngày. Trong nội dung thông báo có yêu cầu gia đình ông Rần phải có mặt tại nơi cưỡng chế.
Khi lực lượng của UBND xã Xuân Châu đến hiện trường thực hiện Thông báo, thì người nhà ông Rần, trong đó có Quang và Nam có mặt theo yêu cầu. Tại hiện trường thi hành thông báo cưỡng chế có rất đông đảo bà con nhân dân đến chứng kiến xem việc thi hành của UBND xã.
Trong khi thực hiện cưỡng chế, ông Nguyễn Duy Khánh gọi điện lên Công an huyện Xuân Trường đề nghị tăng cường lực lượng hỗ trợ. Khoảng 30 phút sau, Công an huyện Xuân Trường có mặt. Theo lời khai của các nhân chứng, Quang và Nam không có hành vi chống đối lực lượng thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì Quang và Nam lại bị Công an huyện Xuân Trường bắt giữ lúc hơn 15h00. Cũng tại đơn kêu oan, Quang và Nam trình bày đã bị ép cung, mớm cung phải khai nhận hành vi chống người thi hành công vụ.
Nhưng tại phiên xử sơ thẩm ngày 24/6/2014, đại diện VKSND huyện Xuân Trường đã không đưa ra được bằng chứng cụ thể chứng minh các hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Nam. Các đĩa DVD sao video mà Công an huyện Xuân Trường giao cho ông Nguyễn Đăng Tuân quay tại hiện trường không có hình ảnh thể hiện các hành vi chống đối nêu trên của 2 bị cáo.
Tham dự phiên tòa có 25 người làm chứng, nhưng chỉ có 3 người Nguyễn Đăng Tuân, Nguyễn Tiến Sỹ và Phạm Văn Duy (đều là cán bộ Công an huyện) khai có nghe thấy bị cáo Quang chửi và nhìn thấy bị cáo Nam đấm và giật quân hàm. Còn 22/25 người làm chứng, kể cả ông Nguyễn Duy Khánh - Chủ tịch UBND xã; ông Phạm Văn Vinh - Trưởng Công an xã đều khai không nghe thấy Quang chửi, không nhìn thấy Nam đấm và giật quân hàm.
Căn cứ vào kết quả xét hỏi, xét thấy cần xem xét thêm các chứng cứ quan trọng của vụ án, Chủ tọa phiên tòa đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án để VKSND huyện Xuân Trường điều tra bổ sung. HĐXX kết luận: Các nội dung chứng cứ còn có sự mâu thuẫn, chưa đủ cơ sở kết luận tại phiên tòa; điều tra xác minh kết luận rõ có hay không có hành vi phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đánh giá tính chất, mức độ hành vi của bị cáo.
Trong quá trình điều tra có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra chưa đúng quy định. Trong hồ sơ thể hiện có thu giữ máy ảnh nhưng không in sao ảnh lưu giữ trong hồ sơ. Các băng đĩa do Cơ quan Điều tra thu thập, do gia đình bị cáo và người bào chữa cung cấp là các bản sao chưa được thu thập theo đúng trình tự quy định, chưa được giám định tính sát thực, cần thiết chuyển thành các bản ảnh để lưu giữ để làm chứng cứ chứng minh hành vi của bị cáo.
Nhận định về vụ án, luật sư Hoàng Văn Doãn - Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết: “Việc UBND xã Xuân Châu ra Thông báo số số 04/TB-UBND lúc 9h00 ngay 22/01/2014 thì đến 14h cùng ngày đã tiến hành cưỡng chế là sai với trình tự về thời gian theo quy định của pháp luật. Đặc biệt UBND xã Xuân Châu sau khi ban hành Thông báo đã không gửi cho người bị bị thi hành và các cơ quan thi hành là không đúng quy định của pháp luật.
Tại kết luận điều tra CQCSĐT Công an huyện Xuân Trường cho rằng ngày 21/1/2014, Quang gọi cho Nam và 2 cậu cháu từ Hải Dương về để chống đối việc cưỡng chế là không có căn cứ và mang tính suy diễn. Ngày 22/1/2014, Chủ tịch xã Xuân Châu mới ký Thông báo và thực hiện cưỡng chế thì Quang và Nam không thể biết được để rủ nhau về để chống đối.
Việc ông Kiệm Phó Công an huyện cùng một số cán bộ khoá tay bắt Quang và Nam đưa về trụ sở rồi giữ từ lúc hơn 15h00 đến 19h00 khi chưa có lệnh bắt giữ người, là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về bắt giữu người trái pháp luật. Trong các biên bản xem dấu vết, thu giữ vật chứng… ghi có sự tham gia của Kiểm sát viên Đỗ Văn Nghĩa, xong ông Nghĩa không ký vào một văn bản nào là không phù hợp và đúng quy định của pháp luật.
Tất cả các hình ảnh được quay thực tế tại hiện trường mà chính cán bộ Công an huyện, cũng như người dân có mặt nơi xảy ra hôm đó, hoàn toàn không có một hình ảnh nào thể hiện việc Quang chống đối và Nam đánh, giật đứt quân hàm của Công an. Đặc biệt tất cả các nhân chứng kể cả ông Khánh chủ tịch trường đoàn cưỡng chế, ông Vinh trưởng Công an xã tại phiên toà cũng đều khảng định không ai nhìn thấy việc chống đối của Quang và việc Nam đấm anh Sỹ, giật quân hàm của anh Duy là cán bộ Công an huyện. Chính vì thế nên việc quy cho Quang và Nam phạm tội “chống người thi hành công vụ” là không có căn cứ.
Việc TAND huyện Xuân Trường quyết định trả hồ sơ để điều tra lại là hoàn toàn khách quan đúng quy định của pháp luật, vì nhiều vấn đề của vụ án chưa được làm rõ sự thật, rồi việc vi phạm tố tụng mà toà án không thể khắc phục để xét xử được. Mong rằng tới đây, CQCSĐT - Công an huyện Xuân Trường, và VKSND huyện Xuân Trường sẽ tiến hành xem xét làm sáng tỏ vụ án, có hay không có việc anh Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Nam chống người thi hành công vụ một cách khách quan, để đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật và lòng tin của quần chúng nhân dân...”.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương