Vụ ô tô tông hàng loạt xe máy: Nạn nhân cần làm gì nếu không khởi tố vụ án?

PV

(Dân trí) - Luật sư cho rằng việc công an bước đầu chưa khởi tố vụ án là có cơ sở. Trường hợp không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự, người bị thiệt hại có thể khởi kiện dân sự để yêu cầu 2 cha con bồi thường.

Như đã đưa tin, xác minh tin báo về vụ thiếu niên 16 tuổi lái ô tô tông hàng loạt xe máy, Công an huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) cho biết tổng tỷ lệ thương tật của 5 nạn nhân trong vụ tai nạn dao động ở mức 50-85%, còn tổng giá trị tài sản thiệt hại đối với 5 xe máy là hơn 42 triệu đồng.

Từ kết quả xác minh ban đầu, cơ quan công an nhận thấy chưa đủ cơ sở khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người cầm lái là Nguyễn Chí Hào (16 tuổi) cùng người giao xe là ông N.C.T. (cha của Hào) về các tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo công an, sau khi các nạn nhân được điều trị, họ sẽ được đưa đi giám định thương tật lại. Nếu tổng tỷ lệ thương tật ở mức từ 61% trở lên, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp này, nếu cơ quan điều tra không khởi tố vụ án hình sự, những người bị thiệt hại cần làm gì để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân?

Vụ ô tô tông hàng loạt xe máy: Nạn nhân cần làm gì nếu không khởi tố vụ án? - 1

Hiện trường vụ ô tô "điên" hất tung loạt xe máy dừng đèn đỏ ở huyện Tuy Phong (Ảnh: Người dân cung cấp).

Giải quyết bằng vụ án dân sự

Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận, theo các Điều 260 và 264 Bộ luật Hình sự 2015, một trong những căn cứ để khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho từ 2 người trở lên và tổng tỷ lệ thương tật của họ từ 61% trở lên. Bởi vậy, ông Hùng đánh giá với việc tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của các nạn nhân đang ở mức 50-85%, việc cơ quan chức năng chưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự là có cơ sở.

Tuy nhiên, bất chấp kết quả giám định lại ra sao, thiệt hại về sức khỏe và tài sản của những người đi xe máy đều đã xảy ra. Do đó, nếu cơ quan điều tra không có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự, những người này vẫn có thể yêu cầu cha con Hào bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản bởi hành vi vi phạm của những người này gây ra.

"Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, những người bị thiệt hại có thể khởi kiện đến TAND cấp có thẩm quyền để yêu cầu 2 người trên ô tô bồi thường thiệt hại trong trường hợp sự việc không được giải quyết bằng một vụ án hình sự. Trong trường hợp xử lý bằng con đường dân sự, những người đi xe máy có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản và sức khỏe bị xâm phạm.

Về tài sản, căn cứ Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, các khoản tiền bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm các chi phí hợp lý để khắc phục tài sản bị thiệt hại và các lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, giảm sút.

Về sức khỏe, theo Điều 590 Bộ luật này, các khoản tiền bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; Thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại", luật sư phân tích.

Về trách nhiệm bồi thường, ông Hùng cho biết người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Vụ ô tô tông hàng loạt xe máy: Nạn nhân cần làm gì nếu không khởi tố vụ án? - 2

Hiện trường vụ tai nạn tại huyện Tuy Phong (Ảnh: Công an cung cấp).

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 quy định ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ và chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định pháp luật. Việc người cha giao ô tô cho con trai điều khiển khi biết con không đủ điều kiện điều khiển xe ô tô là hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp này, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ là người cha hoàn toàn có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) bị sử dụng trái pháp luật nên phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Số phận pháp lý của 2 cha con

Còn luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng với kết quả giám định thương tật ban đầu của các nạn nhân ở mức 50-85%, việc cơ quan chức năng chưa tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự là có cơ sở. Việc ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ được tiến hành nếu kết quả giám định lại cho thấy con số này ở mức từ 61% trở lên.

Trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự, ông Tuấn đánh giá Hào có thể bị xem xét trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Với mức độ thương tật của các nạn nhân ở mức từ 61% đến dưới 121%, khung hình phạt có thể áp dụng là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Đối với ông T., căn cứ khoản 1 Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, trong trường hợp bị khởi tố về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mức phạt người này phải đối mặt sẽ là phạt tiền 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trong trường hợp không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan chức năng vẫn có thể ra quyết định xử phạt hành chính đối với 2 cha con. Theo đó, ông T. có thể bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng, về hành vi Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng), căn cứ khoản 8, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Còn đối với Hào, trong trường hợp không bị xử lý hình sự, nam thanh niên có thể bị xử phạt 2-4 triệu đồng do thuộc trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, máy kéo, các loại xe tương tự xe ô tô, căn cứ khoản 6, Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, nếu những người bị thiệt hại có đơn khởi kiện, 2 cha con sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho họ theo quy định pháp luật.

Hoàng Diệu