Đừng mơ hồ việc bán hàng nhái có bị tội lừa đảo không?

(Dân trí) - Đặt tiền để mua món đồ hàng hiệu nhưng lại bị giao hàng fake (hàng nhái), vậy người mua phải làm gì để bảo đảm quyền lợi của mình?

Tôi đặt mua một chiếc túi hàng hiệu hoàn toàn mới giá 100 triệu, người bán cam kết hàng chính hãng. Khi nhận hàng tôi phát hiện túi này không phải hàng xịn. Tôi liên hệ với người bán, họ giải thích vòng vo. Tôi muốn gửi lại túi và được hoàn tiền nhưng người bán không đồng ý. Tôi phải làm gì để bắt họ đền bù tiền và giải quyết vấn đề này? (Bạn đọc Cẩm Vân - Ba Đình, Hà Nội).

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết: Nội dung bạn đọc trình bày đã thể hiện hai bên đã hình thành một hợp đồng mua bán hàng hóa. Một điều đáng tiếc khi hai bên đã không có những thỏa thuận rõ về chất lượng sản phẩm trong quá trình giao dịch.

Tuy nhiên, pháp luật hiện nay quy định, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề (theo khoản 3 điều 432 Bộ Luật dân sự năm 2015).

Túi xách hàng hiệu của các hãng nổi tiếng đều có công bố tiêu chuẩn chất lượng từ nhà sản xuất. Bạn cần căn cứ vào tiêu chuẩn đó để xác định túi xách bạn mua có phải hàng chính hãng hay không. Thông thường các hãng túi xách nổi tiếng đều có mã số, mã vạch kèm theo sản phẩm để người tiêu dùng kiểm tra từ các trang web nhà sản xuất.

Điều 445 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về Bảo đảm chất lượng vật mua bán có nêu:

Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.

Trong trường hợp bạn yêu cầu mà bên bán không chấp nhận thì bạn có quyền khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng mua bán ra tòa án nơi người bán túi cư trú để được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra nếu có cơ sở xác định người bán hàng dùng thủ đoạn gian dối để lừa dối khách hàng khiến khách hàng bị nhầm lẫn tưởng là mình đã nhận đúng, mua đúng loại hàng với chất lượng như thỏa thuận ban đầu và người bán thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng thì có thể đề nghị cơ quan công an xem xét xử lý người đó về tội lừa dối khách hàng theo điều 198 Bộ luật hình sự.

Xin cảm ơn Luật sư!

Khả Vân (thực hiện)