Mùng 2 Tết đến nhà chửi bới, đòi tiền con nợ: Coi chừng "tiền mất tật mang"!
(Dân trí) - Dù yêu cầu con nợ trả nợ của bạn là chính đáng, tuy nhiên việc bạn đòi nợ vào mùng 2 tết với những cử chỉ lời nói thô bạo thì bạn hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CPvề hành Vi phạm quy định về trật tự công cộng,
Cho vay tiền là một giao dịch dân sự phổ biến trong xã hội. Tuy nhiên, không phải lúc nào giao dịch này cũng làm đẹp lòng cả người vay và người cho vay. Có nhiều trường hợp người vay cố tình không trả tiền khiến người cho vay phải dùng nhiều biện pháp để đòi nợ. Nhiều “chủ nợ” bị dồn đến đường cùng đã dựa trên vấn đề tâm linh đến nhà con nợ chửi bới, khủng bố để đòi tiền vào mùng 1 Tết âm lịch.
Vậy đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật? Và đòi nợ như thế nào để vừa hiệu quả vừa không vi phạm pháp luật?
Mùng 1 đến nhà con nợ chửi bới, khủng bố đòi tiền con nợ có vi phạm pháp luật hay không?
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Hành vi chủ nợ đến nhà chửi bới, khủng bố đòi tiền con nợ có thể được coi là hành vi xúc phạm đến quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Quyền này được pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”
Dù yêu cầu con nợ trả nợ của bạn là chính đáng, tuy nhiên việc bạn đòi nợ vào mùng 1 tết với những cử chỉ lời nói thô bạo thì bạn hoàn toàn có thể bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành Vi phạm quy định về trật tự công cộng:1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Đây cũng có thể được xem xét là hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần người cho vay nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, người cho vay có thể bị khởi tố về Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, cụ thể:
“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản
- Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Vậy, đòi nợ thế nào vừa hiệu quả vừa đúng luật?
Nguyên tắc đòi nợ đúng luật mà người cho vay cần lưu ý là không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp tinh thần và không bắt giữ người vay trái pháp luật. Để buộc người vay trả tiền cho mình, người cho vay có thể khởi kiện tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Trong trường hợp, người vay có hành vi “trốn nợ” không trả, các “chủ nợ” hoàn toàn có thể nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Bởi việc cho vay tiền, theo quy định của pháp luật dân sự thì giữa hai người đã hình thành hợp đồng vay tài sản. Theo điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 về Hợp đồng vay tài sản, khi đến hạn người tiền có nghĩa vụ trả lại người cho vay số tiền đã vay (tiền gốc và tiền lãi – nếu có thỏa thuận): “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”.
Xin cảm ơn Luật sư!
Khả Vân