Mức hình phạt nào đối với quán Bar thuê 2 cô gái mặc mặc bikini phục vụ khách

(Dân trí) - Sự việc 2 cô gái nhảy mặc bikini uốn éo phục vụ khách trong quán quán Bar tại TP. HCM phản ánh tình trạng quản lý bất cập kiểu “thừa mà thiếu” đối với loại hình dịch vụ giải trí, dẫn đến tình trạng lộn xộn trong xã hội.

Như Dân trí đã đưa tin, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành Văn hóa -Xã hội TP. HCM phối hợp với Công an TP. HCM ập vào kiểm tra quán Bar 212 và Beer Club Las Vegas (có cùng địa chỉ trên đường Nguyễn Trãi, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) và phát hiện hàng loạt sai phạm tại đây.

Tại thời điểm kiểm tra, bên trong Beer Club, hàng trăm người đang ăn nhậu trong không gian đặc quánh khói shisha và tiếng nhạc đinh tai. Trên sân khấu, 2 cô gái nhảy mặc bikini uốn éo phục vụ khách.

Sau khi làm việc, hai cô gái này cho biết được thuê "biểu diễn" để hoạt náo đám động với giá 300 ngàn đồng/giờ.

Cuối buổi kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản 10 lỗi vi phạm đối với quán Bar 212 và Beer Club Las Vegas như: dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm; chưa ký kết hợp đồng lao động với nhân viên; chưa nghiệm thu về PCCC; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; phổ biến bản ghi âm, ghi hình khi chưa được kiểm duyệt; chiếm dụng lòng lề đường, hè phố…


Bên trong quán Beer Club

Bên trong quán Beer Club

Nhận định về vụ việc Ts. Luật sư Nguyễn An, Công ty Luật Cộng Đồng cho rằng: Thực tế đã cho thấy, chỉ sau một đợt kiểm tra mà các đơn vị kinh doanh để xảy có quá nhiều lỗi vi phạm như vậy thì cũng nên nhìn nhận lại cách làm việc của cơ quan quản lý hành chính. Bởi hiện nay có rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ chưa đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh.

Cụ thể, trong vụ việc trên hai cơ sở dịch vụ gồm: Bar 212 và Beer Club Las Vegas đã vi phạm các lỗi sau:

- Dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm

Tổ chức Beer Club có hành vi dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thể thao, du lịch, quảng cáo cụ thể như:

“Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại vũ trường, nhà hàng karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc nơi hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác…”.

- Chưa ký kết hợp đồng lao động với nhân viên

Đây là lỗi vi phạm được quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 19 Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa nhưng Nghị định này đã hết hiệu lực vào ngày 01/01/2014. Nghị định thay thế Nghị định 75/2010/NĐ-CP là Nghị định 158/2013/NĐ-CP nhưng không thấy đề cập đến nội dung này.

Tình tiết: Sau khi làm việc, hai cô gái này cho biết được thuê "biểu diễn" để hoạt náo đám đông với giá 300 ngàn đồng/giờ.

Trong trường hợp này thì chủ quán sẽ bị xử phạt theo các quy định tại Bộ luật lao động 2012.

- Chưa nghiệm thu về PCCC

Đối với lỗi chưa nghiệm thu về PCCC thì có thể bị xử phạt theo Khoản 6 Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình:

“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.

- Kinh doanh hàng hóa nhập lậu

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu thì có thể bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa nhập lậu.

- Phổ biến bản ghi âm, ghi hình khi chưa được kiểm duyệt

Với hành vi phổ biến bản ghi âm, ghi hành chưa được kiểm duyệt thì theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá thể thao, du lịch, quảng cáo cụ thể như: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung chưa được phép phổ biến”.

- Chiếm dụng lòng lề đường, hè phố

Tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiềm lòng, lề đường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như:

“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa xe, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che trên lòng đường đô thị, hè phố hoặc thực hiện các hoạt động, dịch vụ khác trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm g Khoản 4; Điểm b Khoản 5; Điểm a Khoản 6 Điều này”.

“Mới đây, vụ việc quán cafe Xin Chào tại TPHCM đã cho thấy việc hỗ trợ, giám sát và tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh của các cơ quan quản lý còn nhiều vướng mắc, bất cập. Trong khi nhiều cơ sở kinh doanh loay hoay chưa biết phải làm những thủ tục gì cho đủ (bởi có quá nhiều giấy phép con phục vụ cho việc kinh doanh liên quan tới nhiều đơn vị như: PCCC, Sở Thông tin và truyền thông, Sở công thương, UBND cấp quận, huyện…. mà việc để xin được nó là một quy trình rất gian nan).

Cùng đó lại diễn ra thực trạng, rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ: Karaoke, nhà nghỉ, quán Bar… đều thuê nhà dân (xây dựng nhằm mục đích sinh hoạt) nên điều kiện về PCCC chưa phù hợp dẫn đến các vụ cháy nổ nghiêm trọng, thậm chí gây chết người. Dó đó, việc cơ quan chức năng rút ngắn thủ tục, sau đó thực hiện giám sát, quản lý chặt chẽ theo quy định về pháp luật đối với loại hình dịch vụ này là rất cần thiết” – Luật sư An nói.

Phạm Thanh (ghi)