Bài 1:

Mua nhà bằng giấy viết tay: Cách nào giúp hóa giải hậu quả khó lường?

Anh Thế

(Dân trí) - Dù biết giao dịch nhà đất không có giấy chứng nhận sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn nhưng nhiều người vẫn thực hiện bởi cho rằng rủi ro càng lớn, khả năng sinh lời càng cao.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Hiện nay giao dịch nhà đất giữa các cá nhân với nhau bằng giấy viết tay, không thông qua công chứng, chứng thực là tương đối phổ biến. Lý do hai bên xác lập giao dịch như vậy bởi vì không nắm rõ quy định pháp luật, do nhà đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do tin tưởng nhau, do không muốn công khai giao dịch, né tránh việc nộp thuế…

Pháp luật quy định chuyển nhượng nhà đất phải lập hợp đồng công chứng, chứng thực.

Luật đất đai qua các thời kỳ đều có thống nhất quy định Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng của cơ quan công chứng hoặc có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

Mua nhà bằng giấy viết tay: Cách nào giúp hóa giải hậu quả khó lường? - 1

Luật sư Quách Thành Lực phân tích về tính pháp lý khi mua nhà đất bằng giấy viết tay.

Vậy mua nhà bằng giấy viết tay người mua có thể gánh chịu những hậu quả gì?

Luật sư Lực cho rằng: Giao dịch nhà đất bằng giấy viết tay thì giao dịch này không tuân thủ đúng quy định về mặt hình thức, không sang được tên người sử dụng trên giấy tờ chứng minh quyền sử dụng nên không được pháp luật công nhận. Bên mua không được pháp luật xác định là chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp pháp của nhà đất.

Người mua không được công nhận là chủ sử dụng đất hợp pháp thì họ không được thực hiện việc chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp đối với nhà đất. Trường hợp nhà nước thu hồi nhà đất thì việc quy chủ sử dụng đất sẽ vẫn thuộc về người bán. Hai bên có tranh chấp số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng thì số tiền này sẽ được gửi vào tài khoản tạm giữ của Ngân hàng cho đến khi có bản án, quyết định giải quyết tranh chấp giữa hai bên. Tranh chấp giữa bên bán và bên mua sẽ xảy ra nếu không thỏa thuận, hòa giải được thì một trong hai phải khởi kiện ra tòa án nơi có bất động sản giải quyết.

Hiện nay tình trạng nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận còn tương đối nhiều. Dù biết giao dịch nhà đất không có giấy chứng nhận sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn nhưng nhiều người vẫn thực hiện bởi rủi ro càng lớn, khả năng sinh lời càng cao.

"Đối với trường hợp này để đảm bảo quyền lợi người mua thì nên xây dựng một Hợp đồng mua bán viết tay có điều khoản đặt cọc với nội dung: Khi nhà đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bên bán có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển nhượng hợp pháp cho bên mua nếu không sẽ chịu phạt cọc số tiền gấp đôi số tiền đã nhận. Với điều khoản này sẽ đảm bảo giảm thiểu khả năng tranh chấp hoặc có tranh chấp xảy ra quyền lợi của bên mua cũng được đảm bảo theo quy định pháp luật", luật sư Lực nói.