Một con trâu 2 chủ giành giật: Nếu giám định ADN để tòa phân xử sẽ thế nào?

Dương Nguyên

(Dân trí) - Luật sư cho rằng nếu 2 hộ dân ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh kiện nhau ra tòa để xác định chủ con trâu sẽ mất rất nhiều thời gian và kinh phí. Vì thế, việc công an vào cuộc "xử án" mang lại nhiều ý nghĩa.

"Nếu phải ra tòa sẽ rất tốn kém"

Những ngày qua, vụ việc gia đình ông Phan Thanh (66 tuổi, trú thôn Vĩnh Long, xã Kỳ Khang) và ông V.X.M. (48 tuổi, trú thôn Hòa Hợp, xã Kỳ Văn), huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh tranh chấp một con trâu cái thu hút sự quan tâm của dư luận và bạn đọc báo Dân trí.

Gia đình ông Thanh trình báo mất con trâu cái 8 năm tuổi khi chăn thả rông ở cánh đồng xã Kỳ Khang vào sáng 11/11. Cùng ngày, gia đình ông M. cho rằng, đã tìm thấy con trâu mất tích suốt gần 2 tháng nên đã đưa về nhà chăm sóc.

Một con trâu 2 chủ giành giật: Nếu giám định ADN để tòa phân xử sẽ thế nào? - 1

Con trâu mà 2 gia đình ở huyện Kỳ Anh tranh chấp sở hữu (Ảnh: Văn Nguyễn).

Công an xã Kỳ Khang đã vào cuộc, dùng nhiều phương pháp phân xử và xác định con vật thuộc sở hữu của gia đình ông Thanh. Việc "xử án" kịp thời của công an đã giúp vụ việc sớm đi đến hồi kết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Châu (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh), đánh giá việc Công an xã Kỳ Khang vào cuộc hỗ trợ người dân kịp thời đã mang lại rất nhiều ý nghĩa và đảm bảo được an ninh, trật tự trên địa bàn.

Theo luật sư, đây là vấn đề tranh chấp dân sự, như một số vụ việc trước đây, người dân kiện nhau ra tòa sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể sẽ kéo dài vài năm, thậm chí 3-4 năm.

Bởi, để xác định được, cơ quan chức năng cần xét nghiệm ADN của con vật hoặc xác định qua tập quán của người dân và thói quen con vật.

Luật sư cho rằng, khi đã ra tòa, tình cảm giữa các bên gia đình sẽ mất đi. Hơn nữa, chi phí để theo đuổi vụ kiện sẽ tốn rất nhiều như án phí, tiền giám định, chi phí đi lại, ăn uống.

"Thậm chí, có vụ việc, chi phí khi ra tòa còn nhiều hơn cả giá trị vật nuôi. Vì vậy, việc công an vào cuộc kịp thời đã giúp người dân tránh được những điều đó", luật sư Phan Văn Chiều nêu quan điểm.

Bi hài những vụ xét nghiệm ADN để xác định chủ vật nuôi

Vụ việc trên làm dư luận nhớ đến các vụ tranh chấp trâu, bò ở nhiều vùng quê trên cả nước, trong đó từng xảy ra tại Hà Tĩnh.

Ngày 3/8/2020, Tòa án nhân dân huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đưa ra xét xử vụ án Tranh chấp vật nuôi giữa gia đình ông Dương Đức Hơn (SN 1977, trú xã Lưu Vĩnh Sơn) và người bị khởi kiện là ông Hoàng Sĩ Cương (SN 1951, trú xã Thạch Xuân).

Một con trâu 2 chủ giành giật: Nếu giám định ADN để tòa phân xử sẽ thế nào? - 2

Hai người đàn ông ở huyện Thạch Hà kéo nhau ra tòa để tranh chấp vật nuôi hồi tháng 8/2020 (Ảnh: Hà Phương).

Theo cáo trạng, gia đình ông Hơn có 9 con bò, được nuôi thả ở khu vực Đá Dóc, thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà.

Chiều tối 7/5/2020, sau khi lùa bò về, ông Hơn thấy thiếu 3 con (2 bò cái và 1 con bê (me). Thời điểm bị mất, 1 con bò đã mang thai gần 9 tháng.

Đến ngày 12/5/2020, con trai ông Hơn phát hiện đàn bò của ông Cương có 3 con có nhiều điểm tương đồng với vật nuôi của gia đình thất lạc lâu nay nên gọi điện báo cho bố.

Giữa gia đình 2 bên đã nhiều lần gặp nhau, thương thảo để xác định chủ nhân đích thực của 3 con bò nêu trên nhưng đều không có kết quả.

Do đó, ông Hơn làm đơn khởi kiện lên TAND huyện Thạch Hà với yêu cầu buộc ông Cương trả lại 4 con bò gồm: 2 con bò cái, 1 con me đực và 1 con me cái (được sinh ra trong thời gian ông Cương nuôi giữ, khoảng đầu tháng 6/2020). Tổng giá trị 4 con vật được định giá gần 40 triệu đồng.

Trong vụ việc này, ông Cương liên tục thay đổi lời khai về nguồn gốc của 2 con me. Hội đồng xét xử nhận xét giữa lời khai của ông này với độ tuổi thực tế của 2 con me có sự mâu thuẫn.

Tòa án chấp thuận áp dụng phương pháp truyền thống đưa 2 đàn bò của 2 gia đình ra 2 bãi trống và 4 vật nuôi về đàn nào, sẽ xác định quyền sở hữu của người đó theo đề nghị của ông Hơn. Tuy nhiên, bị đơn Cương không đồng tình với cách giải quyết này. Ông Cương đề xuất lấy mẫu phẩm của bò đi giám định ADN.

Một con trâu 2 chủ giành giật: Nếu giám định ADN để tòa phân xử sẽ thế nào? - 3

Việc thả rông trâu, bò của người dân dẫn đến nhiều chuyện bi hài (Ảnh: Dương Nguyên).

Để xác định người chủ đàn bò, cơ quan chức năng đã lấy mẫu từ bò cái được ông Cương nuôi giữ (ký hiệu M1) và con me của nhà ông Hơn (ký hiệu M2) để giám định ADN. Kết quả cho thấy, mẫu bò M1 có quan hệ huyết thống mẹ con với mẫu bò M2 với xác suất hơn 99%.

Từ đó, Hội đồng xét xử cho rằng có đủ cơ sở khẳng định 3 con bò đang tranh chấp thuộc sở hữu của gia đình ông Hơn. Tòa sau đó buộc ông Cương trả lại 3 con bò đang tranh chấp cho ông Hơn.

Tòa xem xét việc ông Cương đã xác nhận con me cái (sinh đầu tháng 6) do một trong 2 con bò cái đẻ ra nên đương nhiên vật nuôi này được công nhận là tài sản của ông Hơn.

Trường hợp ông Cương làm mất hoặc gây thiệt hại đối với một trong 4 vật nuôi, phải đền bù bằng tiền trị giá tương ứng với mỗi con bị mất.

Mặt khác, ông Hơn có nghĩa vụ trả cho bị đơn hơn 2,4 triệu đồng tiền công chăn dắt. Ngược lại, ông Cương đưa cho ông Hơn 7,5 triệu đồng chi phí giám định. Như vậy, tổng số tiền ông Cương buộc phải trả hơn 5 triệu đồng.

Tương tự, vụ việc 2 bên tranh chấp bò không có kết quả, phải nhờ đến tòa án phân xử cũng từng xảy ra ở nhiều địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng… Để tìm chủ sở hữu của con bò đang tranh chấp, cơ quan chức năng đều phải lấy mẫu ADN để làm căn cứ xác định.

* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.