Không giao con theo quyết định của Tòa, có thể bị xử lý đến 2 năm tù?
(Dân trí) - Mặc dù Tòa đã tuyên tôi được giành lại quyền nuôi con từ chồng cũ và gia đình anh ấy, nhưng tới nay đã 4 tháng tôi vẫn bị họ cản trở, nhất quyết không chịu để tôi đón cháu về.
Trên đây chỉ là một trong số nhiều ví dụ điển hình của câu chuyện, sau khi vợ chồng ly hôn, con được giao cho một bên có đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Tuy nhiên, qua một thời gian một bên chồng hoặc vợ thấy đương sự không chăm sóc tốt cho con mình hay không đủ điều kiện để nuôi con, vì vậy họ đã yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Những vụ việc này thường xuyên xảy ra trên thực tế nhưng cũng có trường hợp người đang nuôi con hoặc các thành viên trong gia đình không giao con cho người yêu cầu thay đổi quyền nuôi con theo quyết định của Tòa án, trong trường hợp này nên xử lý như thế nào?
Trả lời:
Luật sư Trần Xuân Tiền, trưởng văn phòng luật Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP HÀ Nội cho biết, người muốn yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi còn sau khi ly hôn cần căn cứ vào các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
+ Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.
+ Người trực tiếp nuôi con không có đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Đối với trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con theo Khoản 3 Điều 84 Luật này.
Sau khi có quyết định chấp nhận của Tòa án về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con thì người phải thi hành quyết định giao con cho người yêu cầu thay đổi. Tuy nhiên, có những trường hợp ông bà, các thành viên trong gia đình không muốn giao cháu cho cha/mẹ vì nghĩ rằng cháu mình sẽ không có cuộc sống tốt.
Hoặc sau khi đương sự đồng ý yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con và Tòa cũng đã ra quyết định nhưng người cha/mẹ vì lý do nào đó vẫn muốn tiếp tục nuôi con nên đã không thi hành quyết định của Tòa án. Điều này dẫn đến tình trạng tranh giành con, hành động này của họ đã đưa đứa bé đang bị tổn thương trong hoàn cảnh gia đình chia ly vào một cuộc tranh giành mới không nên có, từ đó có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa bé.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 7a Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014, người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, trong trường hợp trên, nếu cá nhân không thi hành quyết định của Tòa có thể bị xử phạt hành chính hoặc nếu đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hành sự.
Đối với hành vi cá nhân không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định; không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo Khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, nếu cá nhân có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành quyết định, bản án mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo Khoản 1 Điều 380 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi năm 2017.
Hơn thế nữa, trong trường hợp cá nhân có hành vi chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt… có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo Khoản 2, 3 Điều 380 Luật này.
Khi cá nhân không thi hành quyết định giao con của Tòa án, vì xúc động nhất thời mà có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ… có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, mức tối đa có thể xử lý lên đến là 07 năm tù tùy theo tính chất, mức độ của hành vi quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi 2017.
Vì vậy, những người cha người mẹ không may rơi vào hoàn cảnh này hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn bởi trong trường hợp Tòa đã ra quyết định, bản thân hoặc các thành viên trong ra đình không nỡ giao bé cho bên còn lại thì có thể sẽ xử phạt hành chính, cưỡng chế, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, khi hai bên thỏa thuận về vấn đề này hãy suy nghĩa trên lợi ích của con trẻ, bên nào có đủ điều kiện thì hãy để bên đó nuôi để con có điều kiện để phát triển.
Đứa trẻ không có quyền lựa chọn gia đình mà chúng sinh ra nhưng chúng có quyền sống trong sự hạnh phúc, ấm áp của tình thương. Vậy nên các bậc làm cha làm mẹ hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi ra quyết định để đứa trẻ có môi trường phát triển tốt nhất và có cái nhìn tích cực về cuộc sống.