Mong mỏi có chiếc cầu cho trẻ em quê tôi được đi học

Kể từ sau bài viết “Tri ân một tờ báo tình nghĩa” và “Cần lắm một niềm tin!” được đăng trên diễn đàn Dân trí, lần này tôi cầm bút trở lại vì sự trăn trở trước những hiểm nguy mà trẻ em quê tôi phải đối mặt mỗi lần đến trường.

Thời gian vừa qua, tôi vẫn thường xuyên theo dõi tin tức và các bài trên chuyên mục “Diễn đàn”, “Tấm lòng nhân ái” và “Giáo dục - Khuyến học ” trên báo Dân trí.

Điều làm tôi rất vui mừng và cảm động là báo Dân trí ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm yêu mến của hàng triệu độc giả trên cả nước. Không mừng và cảm động sao được khi thấy những mảnh đời kém may mắn được tòa soạn và những tấm lòng hảo tâm đã kịp thời giúp đỡ chia sẻ về vật chất cũng như động viên tinh thần để vượt qua khó khăn trong cuốc sống.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Là một người khuyết tật cũng có hoàn cảnh kém may mắn nên tôi có thể hiểu được ý nghĩa vô cùng to lớn từ những tấm lòng nhân ái luôn sẵn lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Để kịp thời tiếp thêm nghị lực cho những mảnh đời bất hạnh vững tin bước tiếp trên đường đời đầy thử thách. Đối với những người có hoàn cảnh kém may mắn như chúng tôi thì đó là những nghĩa cử cao đẹp nhất mà những người như chúng tôi luôn biết ơn và trân trọng.

Xin thay mặt cho những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống gửi lời tri ân sâu sắc đến tòa soạn Dân trí và những độc giả có tấm lòng nhân ái đã không ngần ngại giúp đỡ và tiếp sức cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trên đất nước hình chữ S nhỏ bé và xinh đẹp này với bao nhiêu truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách” vẫn còn nhiều lắm những mảnh đời bất hạnh. Đặc biệt là các em nhỏ ở những nơi hẻo lánh vùng sâu vùng xa, có điều kiện kinh tế khó khăn rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Không đâu xa ngay trên vùng đất Tây Nguyên còn nhiều khó khăn trong đó có KonTum quê hương tôi đang bước vào mùa mưa lũ và sẽ phải chuẩn bị đón nhận những cơn bão tàn phá nặng nề hơn những năm vừa qua. Nhưng có lẽ người dân cả nước đã phải chứng kiến trước một “cơn bão lòng” đang diễn ra trên dòng sông PôKô huyện Ngọc Hồi tỉnh KonTum. Những tin tức mà các báo đã đưa tin về việc các học sinh vượt sông dữ bằng cách đu trên dây cáp đã làm nhiều người không khỏi chạnh lòng xót xa.

Vâng đó là một sự thật quá xót xa! Trong khi các bạn nhỏ đồng trang lứa đã được nghỉ hè và vui chơi thoải mái thì những bạn nhỏ ở quê tôi lại phải tranh thủ đến trường bằng cách đu trên dây cáp, vì mùa mưa lũ sắp đến các em sẽ phải nghỉ học. Vậy đó! Trên cái vùng đất Tây Nguyên xa xôi hẻo lánh ấy có những giấc mơ thật giản dị “giấc mơ đến trường” kiếm cái chữ để chấp cánh cho những giấc mơ nhỏ bé và cũng chỉ đơn giản là để thoát cái nghèo cứ bám lấy nơi đây. Vậy mà cái giấc mơ tưởng như nhỏ bé ấy sẽ phải tạm ngưng một thời gian chờ đợi những “phép lạ” sẽ đến mang lại cho các em cây cầu đến trường.

Vì lý do an toàn nên các em cũng đã bị cấm đến trường bằng đu dây cáp cho dù các em có muốn đánh đổi cái chữ bằng cả tính mạng của mình cũng không thể nữa rồi! Sao lại như thế? Trong khi tháng hành động vì trẻ em Việt Nam năm 2010 với chủ đề “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em” thì tại sao những trẻ em vốn đã thiệt thòi ở quê tôi lại không được tạo điều kiện tiếp cận tri thức như mọi trẻ em khác. Các em phải chịu cảnh nghèo khổ thiệt thòi vì thiếu cái chữ đến khi nào nữa đây?

Phải chăng các em phải đợi người lớn chúng ta bàn luận, chờ ngân sách…Không! Các em có quyền được bình đẳng đến trường học tập như mọi trẻ em khác. Khi chứng kiến niềm vui khôn tả của các em học sinh trong ngày khánh thành cầu Dân trí bắc qua Kinh Dài (xã Tây Yên, huyện An Biên) tôi rất vui vì các em nơi đây đã được đi học trên cây cầu một cách an toàn và bỗng thấy “cơn bão lòng” trào dâng  khi các em học sinh quê mình vẫn thèm khát và mong về một cây cầu như thế để đến trường kiếm con chữ và cũng băn khoăn lo lắng không biết khi nào mới trở lại trường học.

Có lẽ “Cơn bão lòng ” này không của chỉ riêng tôi mà của cả những tấm lòng nhân ái luôn hướng về các em thơ. Tôi không biết làm thế nào để vượt qua cơn bão này đây? Nó đã để lại dư âm quá nặng nề mà chúng ta chưa tìm ra cách khắc phục được. Tôi không thể ngồi nhìn và ước mơ về một ngày tươi đẹp không biết khi nào sẽ đến ấy nữa? Nhưng tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài viết lên đây những dòng trăn trở để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm trên cả nước cùng với tòa soạn làm tất cả những gì có thể để xây dựng một cây cầu nhân ái giống như cây cầu Dân trí mới được khánh thành nhờ vào sự đóng góp của bạn đọc và sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.

Rất mong cây cầu nhân ái như thế sẽ được xây trên nhiều miền quê khó khăn trên cả nước có nhiều trẻ em hiếu học nhưng không có điều kiện đến trường. Và một cây cầu như thế cũng sẽ làm dịu đi “cơn bão lòng” trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Nguyễn Toàn Thắng
34 Phạm Văn Đồng Tp. Kon Tum

 
LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên là một người khuyết tật, phải vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, nhưng anh không trăn trở về cuộc đời bất hạnh của mình mà luôn đau đáu về nỗi niềm trẻ em quê mình không có nổi một chiếc cầu vượt qua con sông PôKô để đến trường. Giấc mơ được đến trường đã khiến các em dám liều lĩnh đu dây cáp để vượt sông dữ nhưng nay đã bị cấm vì sự liều lĩnh quá nguy hiểm đó!

Thật xót xa cho nỗi bất hạnh và sự thiệt thòi của các em nhó ở những vùng sâu vùng xa như quê hương của Nguyễn Toàn Thắng. Mong rằng các cấp chính quyền cũng như các nhà tài trợ và mọi tấm lòng nhân ái sớm giúp cho trẻ em nơi đây có chiếc cầu vượt sông PôKô để được đi học như trẻ em ở các vùng khác. Đây cũng là vấn đề rất thiết thực và quan trọng của việc thực hiện Công ước về Quyền trẻ em mà Nhà nước ta đã sớm phê chuẩn.