Mở rộng mối quan hệ để tìm việc làm
(Dân trí) - Sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp hằng năm có đến cả trăm nghìn người. Họ tung ra mọi nẻo đường đi tìm việc làm, hiện trạng đó quả thật là vấn đề nan giải, nhất là đối với những tân khoa không thuộc các ngành “hot”.
Khi bước chân vào cổng trường đại học ai cũng có ước mơ, hoài bão của riêng mình. Nhưng ra trường chúng ta mới biết “Đời không như là mơ”. Thực tế như vậy thì phải làm sao? Chẳng nhẽ ta chấp nhận nó và hủy hoại niềm tin của chính mình, của cả người thân, bạn bè, chấp nhận sự uổng phí của 4-5 năm học đại học hay sao? Ở thời điểm hiện nay, tôi thấy rằng nếu không là “con cha cháu ông” thì phải có nhiều tiền làm phao cứu sinh cho tấm bằng đại học thì mới có hy vọng xin vào làm việc tại các cơ quan thuộc nguồn ngân sách nhà nước cấp.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn |
(ảnh minh họa)
Với suy nghĩ đó tôi đã gõ cửa rất nhiều nơi, làm qua rất nhiều việc. Từ đó phát triển nhiều mối quan hệ mới để kiếm việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
Sau 1 năm lăn lộn, tôi cũng tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành mặc dù lương thấp hơn so với lúc tôi làm ở ngoài. Suốt thời gian làm việc đó, tôi biết rất nhiều công việc khác nhau ở nhiều lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành của nhiều người ở các công ty, doanh nghiệp nhỏ.
Làm sao để không rơi vào thực tế học xong cầm tấm bằng đại học mà không có việc làm, khi mà số lượng tân khoa tốt nghiệp hàng năm là không hề nhỏ? Theo kinh nghiệm bản thân, tôi thấy có thể rút ra một số điều mong giúp ích cho các bạn sinh viên.
Thứ nhất, các bạn không nên đặt cho mình ước mơ quá cao khi bước vào giảng đường đại học, bởi ước mơ càng cao thì thất vọng càng lớn. Hãy thiết thực hơn đối với cuộc sống.
Thứ hai, chúng ta phải biết tự lực khi đang là sinh viên. Bằng cách đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, vừa tự lo phần nào cho cuộc sống bản thân vừa hiểu thêm cuộc sống của những người quanh ta. Qua đó phát triển các mối quan hệ công việc khi ra trường bởi xã hội mỗi người làm mỗi lĩnh vực, họ có nhiều mối quan hệ trong các lĩnh vực công việc khác nhau. Không nên nghĩ rằng mình học chuyên ngành này thì không có việc làm thêm phù hợp. Bản thân tôi học ngành khoa học cơ bản là ngành Lịch sử mà còn kiếm được việc làm thêm, thì tôi nghĩ dù học chuyên ngành nào cũng có thể tìm được việc làm thêm để chủ động làm quen với cuộc sống và thiết lập các mối quan hệ, chứ không bị động trông chờ vào vận may khi ra trường.
Thứ ba, các tân cử nhân hãy chịu khó tìm việc làm ngay khi ra trường, việc gì cũng làm, nếu gần với chuyên ngành của mình thì càng tốt. Không nên ở nhà chờ việc mà sinh ra tâm lý chán nản, bi quan.
Việc học trong trường cũng như ngoài xã hội là rất cần cho bản thân, để nâng cao hiểu biết nói chung về xã hội cũng như hiểu sâu hơn về một chuyên ngành nào đó. Chúng ta đừng tạo dựng cho mình tâm lý học ngành này thì khi ra trường mình sẽ có một công việc xứng đáng với tấm bằng, bởi suy nghĩ đó là chủ quan.
Đắc Hoài
LTS Dân trí - Bài viết trên đây là lời khuyên chân thành của một sinh viên tốt nghiệp ngành sử, một ngành học khó tìm được công việc thích hợp trong cơ chế thị trường với nhiều ngành kinh doanh khá sôi động nhưng hình như không có “chỗ đứng” cho người học ngành sử. Nhưng với niềm tin vào chính mình, xông xáo đến gõ cửa nhiều nơi, sẵn sàng làm bất cứ việc gì còn thiếu người. Vừa làm vừa học hỏi thêm và mở rộng các mối quan hệ, nhờ vậy cuối cùng đã tìm được việc làm ổn định và có thể vận dụng được những kiến thức của chuyên ngành đã học. Hơn nữa, không nhất thiết học chuyên ngành nào thì phải làm việc đúng chuyên ngành đó. Thực tế cho thấy, nhiều người làm không đúng chuyên ngành được đào tạo nhưng đã trưởng thành qua quá trình tự đào tạo trên cơ sở có trình độ văn hóa đại học.
Trong lĩnh vực báo chí cũng vậy, nhiều nhà báo có tên tuổi thuộc các thế hệ trước đây không hề học các trường báo chí mà chủ yếu trưởng thành từ quá trình vừa làm vừa học; biết tự học có phương pháp và không ngừng rút kinh nghiệm qua cả những thành công và thất bại. Đấy là kinh nghiệm thiết thực vẫn luôn có thể vận dụng.