Chuyện buồn…tìm việc của các tân khoa

(Dân trí) - Mùa hè qua đi là đến lúc thị trường lao động lại sôi động hơn bởi nhiều người tốt nghiệp đại học đi tìm việc làm. Chúng tôi đã gặp mặt nhau trong trường đại học, nay lại chạm mặt nhau nơi... thị trường lao động.

Chuyện buồn…tìm việc của các tân khoa - 1

(nguồn ảnh: internet)
 
Sau mỗi khóa học hàng ngàn cử nhân, kỹ sư, bác sỹ... chập chững bước vào đời. Chúng tôi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp không biết gõ cửa vào đâu,đành phải lên mạng gõ vào google vậy. Lướt qua một vòng trên mạng, vào những trang web tuyển dụng, nhà tuyển dụng thường đưa ra yêu cầu khá cao và toàn diện: đạt kết quả khá giỏi trong quá trình học tâp, phải có chứng chỉ C tin học và ngoại ngữ, ngoại hình ưa nhìn và nhất là đòi hỏi có kinh nghiệm làm việc 2-3 năm...

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

Mới ra trường thì làm sao đã có kinh nghiệm làm việc 2-3 năm! Như vậy là mình đã gõ không đúng cửa mất rồi. Thôi đành gõ vào trang tuyển dụng địa phương xem sao. Lướt qua cổng thông tin điện tử tỉnh nhà, thấy mục tuyển dụng nhấp nháy đỏ… mừng ơi là mừng! Thử click vào xem vận may có đến với mình không. Nhưng than ôi chỉ tiêu toàn tỉnh chỉ đếm đầu ngón tay và những chỉ tiêu đó lại không đúng chuyên ngành mình được đào tạo, vậy là hết đường gõ rồi.

 

Thôi quay lại nhờ người quen vậy. Vừa gặp người quen đã “bật mí” là: em không phải tốn công lên mạng làm gì, cứ đến thẳng phòng nội vụ huyện hoăc tỉnh và mạnh bạo liên hệ đi chứ, họ không đăng tin đâu. Cứ đến đó và hỏi chỗ nào đang cần người, họ sẽ chỉ đến đó để gặp nhà tuyển dụng để tự giới thiệu năng lực và nguyện vọng của mình.

 

Trên đường đi, tôi gặp cô bạn cũng mới tốt nghiệp đại học và khi xưa cùng học phổ thông. Vừa mới gặp nhau, cô bạn đã than thở : 4 năm đèn sách cố gắng phấn đấu để đạt kết quả tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật Đại học Huế. Bạn tôi đã đi gõ cửa khắp nơi rồi nhưng không nơi nào chịu nhận hồ sơ chứ chưa nói là tuyển dụng. Họ chỉ lạnh lùng thông báo không có chỉ tiêu. Nhưng thật ra nếu có thì họ cũng dành cho con cháu họ và những người thân thuộc hết rồi, nếu mình muốn lọt vào thì phải chi ít nhất trên dưới 50 “chai” (tức là 50 triệu đồng). Cô bạn còn động viên tôi: “Cậu học kinh tế thì may ra còn có cửa để gõ, chứ mình học sư phạm coi như hết thời rồi!”

 

Nhưng thật ra tình cảnh của tôi cũng có sáng sủa gì hơn cô bạn đâu vì bây giờ thiếu gì người tốt nghiệp các ngành kinh tế, tài chính. Nhiều người lại “con ông cháu cha” hoặc gia đình giàu có, dễ dàng bỏ ra hàng trăm triệu để lo việc cho con. Còn mình thì gia đình khó khăn, lấy đâu ra tiền để lo lót xin việc cho con.

 

Thế là hai đưa rơm rớm nước mắt và động viên nhau hãy kiên trì đi gõ cửa này không được thì đi gõ cửa khác và chờ xem có nơi nào tổ chức “Hội chợ việc làm” thì ta mò tới. Nhưng đi đến đâu cũng toàn gặp những cảnh ngộ đi tìm việc làm như mình, mà các doanh nghiệp lại đang hoạt động cầm chừng trong lúc lạm phát. Vốn phải vay ngân hàng với lãi suất quá cao, khó làm ra đồng lãi, cho nên nhiều doanh nghiệp phải giảm số nhân viên .

 

Thế là những người cùng cảnh ngộ chúng tôi, những tân khoa mới tốt nghiệp đại học đang hăm hở muốn được làm việc và cống hiến cho xã hội, đành phải ngậm ngùi gạt nước mắt mà động viên nhau: Hãy tìm một công việc tạm bợ nào đó như đi làm gia sư, thậm chí đi chạy bàn… để chờ đợi đến sang năm bớt lạm phát và suy thoái kinh tế, chúng ta lại đi gõ cửa tiếp!

 

                                                                    Đinh Thế Dân

 

LTS Dân trí - Quả thật trong tình hình lạm phát và kinh tế suy giảm hiện nay đã khiến cho cơ hội tìm việc làm của các sinh viên mới tốt nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đấy là chưa nói đến cơ chế tuyển dụng cán bộ, nhân viên hiện nay còn nhiều nơi chưa dựa trên những tiêu chí khách quan, minh bạch và công bằng. Khiến nhiều người có năng lực thật sự không được tuyển dụng, trong khi những người yếu kém hơn lại được nhận vì thân quen, là con cháu các vị “chức sắc” ở địa phương hoặc có tiền để “lo lót”…Đấy là những bất công mà các “tân khoa” phải ngậm ngùi gánh chịu!

 

Những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, nhiều người có bằng khá giỏi, chính là nguồn để tuyển dụng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn. Nhưng nếu không có cơ hội được làm việc, không được thử thách trong thực tế, thì số trí thức trẻ này không có cơ hội bộc lộ những năng lực tiềm ẩn của mình. Đấy chính là sự lãng phí chất xám còn đang phổ biến ở xã hội ta.