3 phút cùng luật sư:

Mở lớp dạy online thu tiền, liệu có đúng pháp luật?

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Những ngành nghề trên mạng như hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao hay dạy online... có được pháp luật công nhận?

Trên mạng xã hội hiện nay xuất hiện nhiều ngành nghề mới lạ được hướng dẫn thông qua các clip ngắn như hướng dẫn các cách chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn tập luyện thể dục thể thao hay dạy ngoại ngữ, dạy học online...

Những người trong lĩnh vực này sẽ quay các clip nhỏ hướng dẫn, hoặc dạy các nội dung họ muốn hướng đến và nhận tiền từ các nền tảng mạng xã hội hoặc quảng cáo. Hoặc có nhiều người còn mở lớp dạy online. 

Dưới góc độ pháp luật, ngành nghề này liệu có được công nhận? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Nguyễn Đức Hoàng để cùng tìm hiểu.

Mở lớp dạy online thu tiền có đúng pháp luật?

Thưa luật sư, tính pháp nhân của những nghề nghiệp vừa được nêu trên như thế nào? Có được pháp luật công nhận không?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Đầu tiên, pháp nhân được quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự là một tổ chức được thành lập và có cơ cấu tổ chức theo quy định của pháp luật, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và nhân danh của chính pháp nhân đó tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Như vậy, pháp nhân không phải là người (cá nhân) mà là một tổ chức. Tổ chức này có tư cách và tài sản độc lập với chính tài sản, tư cách tham gia vào các quan hệ pháp luật của các cá nhân, tổ chức thành lập nên pháp nhân đó. Pháp luật cũng quy định rõ các tổ chức nào có tư cách pháp nhân, tổ chức nào không. Ví dụ: các loại hình công ty như công ty TNHH, công ty cổ phần có tư cách pháp nhân, nhưng hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân.

Do vậy, "nghề nghiệp" không phải và không có tính pháp nhân.

Theo Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, nếu các cá nhân bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp thì không cần đăng ký hộ kinh doanh, trừ một số trường hợp bắt buộc cụ thể do pháp luật quy định như thiết lập mạng xã hội, kinh doanh trò chơi trên mạng viễn thông, internet…

Cũng cần lưu ý thêm, các cá nhân không đăng ký kinh doanh (thành lập hộ kinh doanh, doanh nghiệp) nhưng vẫn phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ đối với các hoạt động làm việc có phát sinh lợi nhuận của mình.

Tóm lại, các cá nhân làm việc chân chính, tuân thủ quy định của pháp luật, không phạm các điều cấm của pháp luật và thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình đối với nhà nước thì đều được pháp luật bảo hộ.

Mở lớp dạy online thu tiền, liệu có đúng pháp luật? - 1

Luật sư Nguyễn Đức Hoàng trao đổi cùng PV Dân Trí.

Những ngành nghề online có các nghĩa vụ và quyền lợi như những ngành nghề khác như được pháp luật bảo hộ và phải đóng thuế không?

L.s Nguyễn Đức Hoàng: Như đã phân tích, bất kỳ cá nhân nào khi làm việc, bất kể làm việc tự do hay cho tổ chức, công ty, có đăng ký kinh doanh hay không mà phát sinh thu nhập vượt mức giảm trừ thì đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. 

Thời gian qua, các bạn cũng đã thấy nhiều bài báo về vấn đề truy thu thuế của các cá nhân làm việc tự do qua môi trường mạng internet như vậy. Việc truy thu thuế này là do các cá nhân không tự giác kê khai thu nhập nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ triển khai kiểm tra từ tài khoản ngân hàng, từ đó kiểm tra và siết chặt vấn đề đóng thuế của các doanh nghiệp nói chung, và đặc biệt của các cá nhân cung cấp dịch vụ qua mạng nói riêng. Vì vậy, những cá nhân kinh doanh qua mạng cần chú ý kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đúng quy định.

Về vấn đề pháp luật bảo hộ, các cá nhân này cũng cần có những Hợp đồng hay văn bản thỏa thuận, giấy tờ rõ ràng về hoạt động cung cấp dịch vụ của mình. Trong trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, các cá nhân này có quyền khởi kiện dân sự hoặc áp dụng các biện pháp tư pháp khác như tố cáo...để được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm