Sóc Trăng:

Mất ăn mất ngủ vì phong trào nuôi chim yến tự phát ở khu dân cư!

(Dân trí) - Thời gian gần đây, ở nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng nở rộ phong trào nuôi chim yến với quy mô lớn. Việc nuôi chim yến để làm giàu là điều không ai phản đối nhưng nuôi chim tại khu dân cư đã gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân.

Theo số liệu từ Chi cục Thú y và Chăn nuôi (thuộc Sở NN&PTNT Sóc Trăng), nuôi yến ở Sóc Trăng bắt đầu từ năm 2011 với 13 nhà nuôi yến của 12 hộ, với số lượng khoảng 92.800 con. Đến cuối năm 2017, số lượng nhà nuôi yến đã lên tới 67 nhà của 52 hộ với tổng đàn chim là 770.000 con. Đa số các hộ nuôi yến ở tỉnh này là tự phát bởi tỉnh chưa có quy hoạch vùng nuôi yến.

Riêng tại TP Sóc Trăng có 11 nhà nuôi yến với tổng đàn khoảng trên 10.000 con. Điều đáng nói, các hộ nuôi yến ở TP Sóc Trăng chủ yếu là nuôi trên tầng lầu cao, nằm trong khu dân cư, nhà ở lân cận sát nhau nên gây ra nhiều lo lắng cho người dân về vệ sinh môi trường, tiếng ồn,…

Nuôi yến ở trung tâm chợ Sóc Trăng.
Nuôi yến ở trung tâm chợ Sóc Trăng.

Ghi nhận của PV Dân trí tại TP Sóc Trăng, có rất nhiều hộ nuôi chim yến ở khu trung tâm như đường Hùng Vương (phường 6), Lý Thường Kiệt (phường 1), Lê Duẩn, Lê Hồng Phong (phường 3) đã khiến nhiều người dân khốn khổ,…

Nhiều người dân ở gần các nhà nuôi yên cho biết, tình trạng cơ sở nuôi chim yến trên đường Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn và Lê Hồng Phong mở máy phát tiếng chim yến để dẫn dụ chúng về ở, làm tổ, đã làm ảnh hưởng đến mọi người, nhất là người già và trẻ nhỏ sống gần khu vực nuôi chim. Không chỉ vậy, phân của chim yến rơi đầy mái nhà, sân thượng làm ô nhiễm môi trường xung quanh khu dân cư.

Ông Trần Văn Lý (ngụ phường 1) cho biết: “Phân chim đầy trên nóc nhà, đồ đạc nhiều lúc không dám phơi ngoài trời vì phân chim yến rơi dính vào. Trời mưa không dám hứng nước mưa để uống vì trên nóc nhà toàn phân chim yến rất dơ”.

Ông Nguyễn Văn Bình (ngụ đường Nguyễn Huệ, phường 1) cho biết: “Ở ngay chợ trung tâm thành phố có mấy dãy nhà lầu, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhưng có mấy hộ nuôi chim yến trên tầng cao. Từ khi họ nuôi, chúng tôi rất khổ khi người già, trẻ nhỏ không thể nào nghỉ ngơi được vì tiếng chim yến từ loa phát ra lớn. Cứ khoảng hơn 5h sáng các cơ sở bắt đầu mở loa để dẫn dụ chúng về cho đến tối mịt mới tắt nghỉ. Người dân ở đây đã nhiều lần phản ánh, nhưng vẫn chưa thấy cơ quan nào đưa ra hướng xử lý. Các cơ sở nuôi yến vẫn tồn tại, còn người dân sống gần thì ngày đêm liên tục bị “tra tấn” bởi âm thanh phát ra từ loa. Chưa nói khi có dịch cúm chim yến chết la liệt khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ”.

Một điểm nuôi yến ở huyện Mỹ Tú.
Một điểm nuôi yến ở huyện Mỹ Tú.

Ông Quách Văn Tây - Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Ở Sóc Trăng có nhiều hộ nuôi yến nhưng chủ yếu bà con nuôi theo kiểu tự phát, không xây nhà nuôi yến mà chỉ cải tạo lại nhà cũ, kho, xưởng thành nơi nuôi yến. Thậm chí có người dùng nhà ở, khách sạn để vửa ở, vừa kinh doanh phần dưới, nuôi yến ở tầng trên.

Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, chúng tôi chỉ có thể xử lý về lĩnh vực thú y, dịch bệnh, còn việc cho phép nuôi yến thuộc thẩm quyền của chính quyền các cấp. Về phần mình, chúng tôi kiểm tra các cơ sở nuôi về mặt thú y, giám sát, yêu cầu họ cam kết đảm bảo các vấn đề về thú y. Hiện tại ngành nông nghiệp đang tiến hành làm kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vùng nuôi yến”.

Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT, ngày 22/7/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Theo đó, tại Điều 3, Chương II quy định chủ cơ sở nuôi chim yến phải khai báo với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế ở các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ngoài ra, cường độ âm thanh không vượt 70dBA (Đề xi ben A) trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Bên cạnh đó, nhà nuôi yến phải làm vệ sinh thường xuyên và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng định kỳ ít nhất 1 tuần/ lần. Chất thải từ việc nuôi chim yến phải được thu gom, tiêu độc, khử trùng và xử lý bằng một trong các biện pháp ủ, đốt, chôn lấp hoặc phương pháp khác nhằm đảm bảo an toàn trước khi đưa ra môi trường. Còn trong trường hợp có dịch, cơ sở nuôi chim yến phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền.

Nuôi yến ở Sóc Trăng là một nghề có tiềm năng lớn bởi tỉnh này có trên 70 km bờ biển, có đồng lúa, hoa màu rộng lớn, là vùng nuôi trồng thủy sản lớn ở khu vực. Vì vậy, để làm giàu là nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, việc nuôi yến hiện nay là tự phát, thiếu quy hoạch nên dẫn tới thực trạng đáng lo ngại như đã trình bày ở trên.

Vì vậy, người dân ở Sóc Trăng đề nghị Sở NN&PTNT Sóc Trăng, các cơ quan liên quan sớm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy hoạch vùng nuôi yến hợp lý để các địa phương hướng dẫn người nuôi yến thực hiện đúng theo quy hoạch, tuyệt đối không nuôi yến ở các khu dân cư như hiện nay. Với những hộ đang nuôi ở khu dân cư như hiện nay, trong lúc chờ quy hoạch, chính quyền cần giám sát chặt chẽ, không cho phát triển thêm.

C.X.L