Bạn đọc viết:

Mạn đàm quanh hai chữ “thủy chung”

(Dân trí) - Qua khảo sát thăm dò gần đây với những phụ nữ đã và đang thành công cả trên thương trường lẫn tình trường, thì một phẩm chất mà người đàn ông tuyệt vời nhất bắt buộc phải có, theo họ, đó là lòng chung thủy.

Mạn đàm quanh hai chữ “thủy chung” - 1

Các bà, các cô dù có vẻ "loay hoay" nhưng vẫn xếp sự chung thủy còn cao hơn cả lòng dũng cảm, sự đàng hoàng, đức tính trung thực. Nguyên do có lẽ là do thời đại ngày nay chứa quá nhiều những "nương dâu bãi bể", những sự nhanh nhẹn hoạt bát dịch chuyển theo hướng có phần bị dung tục hóa.
 
Đang là "ông" bỗng tha hóa sa sút thành "thằng". Đang là "thằng" bỗng thăng hoa hoang tưởng thành "ông". Hôm qua hôm kia vẫn sang sảng cao giọng nhân – lễ – nghĩa – trí – tín với tư cách đường đường vị tổng giám đốc, hôm nay đã bất chợt ủ rũ, mặt méo xẹo... trong tù.

Theo các quí bà, nghĩa nôm na tiếng Việt của chữ “chung thủy” chỉ đơn giản là có đầu có cuối. Trước trong trắng như thế nào thì sau vẫn phải trong veo như thế nấy. Triết gia đặc biệt đạo đức Mạnh Tử đã nhấn đậm điều này trong thiên “Đằng văn Công hạ”.  Đã thật là đàn ông thì phú quí không dâm loạn, bần tiện không đổi thay, uy vũ không khuất phục. Từ vất vả “thủy” cho đến tuyệt lộ “chung” nam kẻ sĩ luôn phải kiên tin vững vàng. “Thủy” là anpha, là khởi nguyên. “Chung” là Ômêga là sau hết. Chẳng cứ gì đàn ông mà bất cứ ai…biết giữ trước gìn sau, chắc chắn đều là tử tế.

Thế nhưng nhiều quí bà khó tính vẫn cằn nhằn nhớ một câu ca dao Việt “Đàn ông dăm bẩy lá gan. Lá ở cùng vợ lá toan cùng người”. Khi yêu, không cần uống rượu, men gan của đàn ông luôn ở trạng thái cao. Theo cuốn “Tâm sinh lí nam nhân giải phẫu” tương truyền của danh y người Trung Quốc Hoa Đà (174-219) đã bị Tào Tháo đốt mất, thì bộ phận đặc trách tình yêu ở đàn ông chính là gan, tiếng Trung Quốc thường gọi là đảm. Những kẻ đa tình gan thường to, để rồi cuối đời rất có thể sẽ ngã trọng bệnh về gan.

Chiến tướng thuộc loại đẹp trai nhất thời Tam Quốc, Hổ oai tướng quân Triệu Tử Long, tuy lang thang đánh đông dẹp bắc, được vô số đàn bà tài sắc mê đắm, nhưng suốt đời vẫn chỉ thủy chung một vợ. Triệu Tử Long được giới phụ nữ thời đó bình bầu “toàn thân đều đảm”, mà người Nam Bộ phiên âm thành chữ rất hay “gan cùng mình”.

Đàn ông vừa đẹp vừa tài, lại khăng khăng duy nhất một vợ thì đương nhiên phải... cực kì gan dạ. Nhưng đàn ông gan to một cục như thế chắc tuyệt đối đã thất truyền...
 
Tuy nhiên không nên quá bi quan, đàn bà chung thủy đành rằng là nhiều, nhưng đàn ông chung tình trong thiên hạ cũng không hề là hiếm. Lí luận nghiên cứu phê bình văn học hậu hiện đại phân tất cả những đàn ông đó đại loại thành ba kiểu:
 
Thứ nhất, loại chung thủy kiểu công chức mà điển hình lỗi lạc là chàng Kim Trọng. Chàng Kim nổi tiếng ngay từ thời đi  học “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, mà mới thoạt nhìn có vẻ như rất dễ lầm với các "thiếu gia" hợm hĩnh con cái các vị tham nhũng thời nay.

Chàng Kim gặp Kiều trong một buổi “picnic”, yêu luôn, thề luôn, rồi ám ảnh nhớ rất dai. Sau khi học xong, nhận được một chỗ làm thơm tho ở một công sở cấp "quận", lúc biết tin Kiều lưu lạc chàng đã “Rắp tâm treo ấn từ quan. Mấy sông cũng lội mấy ngàn cũng qua”.

Đàn ông vĩ đại đương nhiên sẽ có phẩm cách vĩ đại. Vượt qua "kích thước" thường tình của tình yêu nam nữ, ở họ lòng chung thủy chính là sự gìn giữ tiết khí trước sau như một nhằm nuôi dưỡng những phẩm chất ưu việt khác.
 
Bảo nghĩa hầu Trần Bình Trọng vươn cổ chịu chém, thà làm quỉ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc là như vậy. Tiểu ẩn Chu Văn An quay lưng lại danh lợi, trút bỏ mũ áo quan trường dễ dàng như trút bỏ đôi dép rách, cũng là người như vậy. Họ chỉ biết chung thủy với lồng lộng trời xanh, với mênh mông tổ quốc, với chân thành chính mình. Và người đời sau muôn năm thủy chung nhớ họ, trân trọng lập đền thờ.

Nguyễn Việt Hà