Chuyên mục 3 phút cùng luật sư
Mặc áo dài đóng phim khiêu dâm liệu có vi phạm pháp luật?
(Dân trí) - Mạng xã hội gần đây xuất hiện một số clip khiêu dâm có hình ảnh áo dài và đồng phục của một trường Đại học. Ngoài việc gây bức xúc cho nhiều người, sự vụ này sẽ được nhìn nhận thế nào theo pháp luật?
Việc mặc quốc phục là áo dài để quay, đóng các clip có nội dung đồi trụy có phải là hành vi vi phạm pháp luật không thưa luật sư? Nếu có, hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Ở Việt Nam, áo dài đã được sử dụng từ rất lâu và qua thực tiễn, bộ áo dài trở thành trang phục truyền thống, là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Mặc dù vậy, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản pháp luật hay tuyên bố chính thức nào xác nhận áo dài là Quốc phục của Việt Nam, cũng như chưa có quy định pháp luật về quốc phục ở nước ta.
Chính vì thế, đối với những đoạn phim, đoạn clip có nội dung đồi trụy gắn với hình ảnh áo dài, không có căn cứ pháp lý nào để xử lý hành vi mặc áo dài. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định để xử lý hành vi sản xuất phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam với mức xử phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với cá nhân và từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 3, Điểm a Khoản 4 Điều 4 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Những đoạn phim, đoạn clip có nội dung đồi trụy gắn với hình ảnh áo dài rơi vào cả hai trường hợp là có nội dung khiêu dâm và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam vì áo dài là giá trị văn hóa truyền thống được thừa nhận từ lâu đời.
Ngoài quốc phục, gần đây cũng có những ý kiến về việc đồng phục của một trường Đại học xuất hiện trong đoạn phim khiêu dâm. Điều này có vi phạm quy định pháp luật không thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Tương tự áo dài, đồng phục của trường Đại học không phải là một trang phục được ghi nhận về mặt pháp lý, do vậy cũng không có cơ sở pháp lý để xử lý đối với hành vi mặc đồng phục trường Đại học trong đoạn phim khiêu dâm. Tuy nhiên, hành vi sản xuất đoạn phim như vậy sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như trường hợp vừa phân tích với lý do là phim có nội dung khiêu dâm.
Về phía Nhà trường, trong trường hợp đoạn phim như vậy trực tiếp gây thiệt hại đến uy tín của Nhà trường thì có thể áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Chương XX Bộ luật Dân sự để yêu cầu quyền lợi chính đáng cho mình.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự, thiệt hại do uy tín bị xâm phạm có thể được bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Trường hợp nhân vật trong đoạn phim cũng đồng thời là sinh viên của Nhà trường thì Nhà trường có thể áp dụng các hình thức xử phạt theo Nội quy, Quy chế của Nhà trường.
Ở góc độ cá nhân, luật sư có suy nghĩ gì về vấn đề này?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Cá nhân tôi nhận thấy rằng bản thân các đoạn phim, đoạn clip có nội dung không lành mạnh vốn dĩ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống của người dân.
Đặc biệt là bộ phận giới trẻ, thậm chí là cả trẻ em, khi ngày nay sự phát triển mạnh mẽ của Internet giúp cho việc tiếp cận thông tin ngày càng dễ dàng, những đoạn phim như vậy sẽ gây ra tác hại to lớn đến sự phát triển đời sống tinh thần, tâm lý của con người.
Đã vậy, các trang phục như áo dài, đồng phục học sinh, sinh viên được đưa vào những đoạn phim như vậy là những hình ảnh rất không đẹp, làm xấu đi những giá trị văn hóa truyền thống và giá trị tuổi trẻ tương lai.
Mỗi một người dân đều có trách nhiệm giữ gìn, phát huy những truyền thống văn hóa, xây dựng môi trường lành mạnh, tốt đẹp, tạo cơ hội cho sự phát triển tương lai của thế hệ tuổi trẻ. Nếu ai cũng có ý thức như vậy thì những đoạn phim đồi trụy, những hình ảnh không đẹp mắt sẽ không còn xuất hiện nữa.