Hải Phòng:

Lùm xum vụ di dời bến xe Tam Bạc, doanh nghiệp vận tải kiến nghị khẩn cấp

(Dân trí) - Chủ trương di dời bến xe Tam Bạc được Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kết luận từ năm 2011. Để thay thế cho bến xe này, trong suốt nhiều năm, các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã phê duyệt xây dựng bến xe khách Thượng Lý theo chủ trương xã hội hoá. Thế nhưng, đến phút chót, bến xe xã hội hoá này rơi vào cảnh “vỡ trận”.

Theo đơn kiến nghị khẩn cấp của Công ty TNHH vận tải Bus Hải Phòng tại số 16 Tôn Đức Thắng - Trần Nguyên Hãn - Lê Chân (Hải Phòng) gửi báo Dân trí cho biết công ty là doanh nghiệp vận tải ô tô tuyến cố định Hải Phòng - Hà Nội. Năm 2011, UBND TP Hải Phòng có chủ trương đóng cửa bến xe Tam Bạc, di dời bến xe ra khỏi khu vực trung tâm thành phố để không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc.

Đồng thời, UBND TP Hải Phòng cũng đã chỉ đạo lập vị trí quy hoạch bến xe mới thay thế bến xe Tam Bạc dưới hình thức kêu gọi xây dựng theo mô hình xã hội hoá. Đến tháng 5/2015, bến xe mới theo chủ trương thay thế cho bến xe Tam Bạc được đầu tư xây dựng xong, khánh thành và công bố hoạt động có tên Bến xe khách Thượng Lý do Công ty CP đầu tư và phát triển Kim khí Hải Phòng đầu tư.

 

Đơn kiến nghị khẩn cấp của doanh nghiệp vận tải Bus Hải Phòng gửi báo Dân trí.
Đơn kiến nghị khẩn cấp của doanh nghiệp vận tải Bus Hải Phòng gửi báo Dân trí.
Đơn kiến nghị khẩn cấp của doanh nghiệp vận tải Bus Hải Phòng gửi báo Dân trí.

Tuy nhiên, ngay sau đó, thay vì việc điều chuyển các tuyến vận tải Hà Nội - Hải Phòng từ bến xe khách Tam Bạc về bến xe khách Thượng Lý theo chủ trương của các cơ quan chức năng TP Hải Phòng trước đây, Sở GTVT TP Hải Phòng bất ngờ có văn bản cho phép các doanh nghiệp vận tải này được tự do lựa chọn các bến xe khác. Kết quả là bến xe khách Thượng Lý với nguồn vốn đầu tư xã hội hoá đứng trước nguy cơ “vỡ trận”. 

Theo đơn kiến nghị của Công ty TNHH vận tải bus Hải Phòng (đang kinh doanh vận tải tại bến xe Niệm Nghĩa), hệ luỵ của sự việc còn có nguy cơ gây hỗn loạn giao thông TP Hải Phòng. “Hiện đơn vị chúng tôi đang hoạt động tại bến xe Niệm Nghĩa và bến xe Cầu Rào đi bến xe Gia Lâm với 110 chuyến/ngày. Đồng thời, trong giai đoạn này, khi cầu Niệm đang được sửa chữa đã gây ra ùn tắc giao thông cục bộ từ ngã tư Metro đến ngã tư Tăng Phúc và các phương tiện xuất phát từ bến xe Niệm Nghĩa đều chạy qua đường Trần Nguyên Hãn, Tôn Đức Thắng.

 

Bến xe khách Thượng Lý được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hoá có nguy cơ vỡ trận.
Bến xe khách Thượng Lý được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hoá có nguy cơ vỡ trận.
Bến xe khách Thượng Lý được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hoá có nguy cơ "vỡ trận".

Vậy nếu đưa thêm các chuyến xe từ Tam Bạc về bến Niệm Nghĩa thì tổng số chuyến Hải Phòng - Hà Nội từ bến Cầu Rào, Niệm Nghĩa đi Hà Nội sẽ khoảng 207 chuyến/ ngày, bình quân chỉ 4,6 phút/ chuyến và hành trình chạy xe trùng chập trên 95%. Như vậy sẽ gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trong khu vực nội đô, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, mất an ninh trật tự và mất an toàn giao thông”, đơn kiến nghị bày tỏ. 

Trước sự việc “no dồn đói cóp” của các bến xe khách trên địa bàn TP Hải Phòng, theo tìm hiểu của PV Dân trí, khi bến xe khách Thượng Lý được xây dựng xong vào tháng 5/2015 theo chủ trương xã hội hoá của các cơ quan chức năng TP Hải Phòng, ngày 13/5, Sở GTVT TP Hải Phòng đã có văn bản số 48/BC-SGTVT do ông Mai Xuân Phương - Phó giám đốc sở ký báo cáo phương án đống cửa bến xe Tam Bạc và điều chuyển hoạt động các tuyến vận tải khách tại bến xe Tam Bạc.

Theo đó, phương án bố trí các tuyến xe Tam Bạc đi TP Hà Nội có số lượng phương tiện lớn, tần suất hoạt động cao được thống nhất chuyển sang bến xe khách Thượng Lý để giảm tình trạng ách tắc giao thông, giảm mật độ phương tiện vận chuyển hành khách lưu thông trong khu vực trung tâm. 

Bến xe khách Thượng Lý được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hoá có nguy cơ vỡ trận.
Nhiều văn bản của cơ quan chức năng TP Hải Phòng thống nhất và chỉ đạo chuyển các tuyến xe về Bến xe Thượng Lý sau khi đóng cửa bến xe Tam Bạc.

Văn bản này còn khẳng định: “Các bến xe Niệm Nghĩa, Cầu Rào hiện cũng đang có các tuyến đi Hà Nội với số lượng lớn, tần suất cao, do vậy không xem xét điều chuyển hoạt động về các bến xe Niệm Nghĩa, Cầu Rào nhằm giữ ổn định hoạt động, không gây phức tạp về an ninh trật tự”.

Tiếp đến ngày 19/5, Văn phòng UBND TP Hải Phòng có văn bản số 664/VP-GT giao Sở GTVT TP Hải Phòng chủ trì với Công ty CP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng thống nhất việc tiếp nhận bố trí lao động hiện có tại bến xe Tam Bạc về bến xe khách Thượng Lý theo phương án di chuyển.

Ngày 21/5, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT TP Hải Phòng ra văn bản số 347/TB-SGTVT thông báo đến Sở GTVT các tỉnh thành, các đơn vị vận tải khách tiếp tục khẳng định: Các tuyến vận tải Hải Phòng - Hà Nội từ bến xe Tam Bạc sẽ được chuyển về Bến xe khách Thượng Lý.

 

Bến xe khách Thượng Lý được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hoá có nguy cơ vỡ trận.
Tuy nhiên, một công văn bất ngờ của Sở GTVT TP Hải Phòng khiến cả doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp đầu tư xây bến xe phản ứng.

Sự việc tưởng không còn gì phải bàn cãi và giao thông TP Hải Phòng được đảm bảo ổn định từ chủ trương kỹ lưỡng của TP Hải Phòng. Thế nhưng, một tình huống “lật kèo” đã bất ngờ xảy ra khi ông Nguyễn Đức Thọ - Phó giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng ký văn bản số 955/SGTVT-VT ngày 5/6 cho biết: Xét đề nghị của các doanh nghiệp vận tải đang tham gia khai thác tuyến Hải Phòng - Hà Nội tại bến xe Tam Bạc, ngày 4/6/2015, tập thể lãnh đạo UBND TP Hải Phòng họp với các ngành đơn vị liên quan và kết luận cho phép các doanh nghiệp hoạt động vận tải tại bến xe Tam Bạc tuyến Hà Nội - Hải Phòng được tự lựa chọn các bến xe sau khi bến Tam Bạc đóng cửa.

Ngay ngày hôm sau 6/6, Công ty TNHH MTV bến xe Hải Phòng tổ chức họp với các doanh nghiệp và kết quả 100% các doanh nghiệp có hoạt động tại bến xe Tam Bạc đã thống nhất đăng ký chọn bến xe Niệm Nghĩa hoạt động, điều chuyển tuyến Tam Bạc - Lương Yên với tổng số 89 chuyến xe/ngày (10 phút/ chuyến) về hoạt động tại bến xe Niệm Nghĩa.

 

Bến xe Niệm Nghĩa trở thành trung tâm câu chuyện mèo lại hoàn mèo?
Bến xe Niệm Nghĩa trở thành trung tâm câu chuyện "mèo lại hoàn mèo"?

Như vậy, sau cả một quá trình nhiều năm quy hoạch giao thông của TP Hải Phòng, từ chủ trương giữ ổn định hoạt động, không gây phức tạp về an ninh trật tự khu vực nội thành nên các tuyến đi Hà Nội không xem xét điều chuyển về các bến xe Niệm Nghĩa, Cầu Rào lại có kết quả là “mèo lại hoàn mèo”.

Trong khi Công ty TNHH vận tải Bus Hải Phòng đang hoạt động tại bến xe Niệm Nghĩa kiến nghị khẩn cấp do bến xe này có nguy cơ phình to “vỡ trận” sau khi tiếp nhận thêm gần 100 chuyến xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng chuyển từ bến Tam Bạc về thì một doanh nghiệp khác lại cay đắng nhìn Bến xe Thượng Lý cũng đứng trước nguy cơ “vỡ trận” sau khi đổ tiền tỷ vào xây dựng bến xe theo chủ trương xã hội hoá của TP Hải Phòng.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế