Vụ "cố ý gây thương tích" tại Kiên Giang:

Luật sư đề nghị xem xét lại hàng loạt tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ

(Dân trí)- Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân cho biết, bà vừa có văn bản gửi Viện trưởng Viện KSND TX Hà Tiên đề nghị xem xét lại bản kết luận điều tra mà CQĐT Công an TX Hà Tiên đã kết luận trong vụ án "cố ý gây thương tích" vì có nhiều điểm chưa rõ ràng.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân, Trưởng Văn phòng Luật sư Thanh Tân (thuộc Đoàn luật sư TP Cần Thơ) cũng là người bảo vệ quyền lợi cho bị hại Lâm Thị Mỹ Duyên- cho biết, sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ và bản kết luận điều tra của CQĐT Công an TX Hà Tiên trong vụ án "cố ý gây thương tích" xảy ra tại phường Pháo Đài (TX Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) vào ngày 17/9/2012, bà thấy có nhiều điểm chưa rõ ràng cần được làm rõ thêm.

Văn bản của Luật sư gửi Viện trưởng Viện KSND TX Hà Tiên đề nghị xem xét lại kết luận điều tra.
Văn bản của Luật sư gửi Viện trưởng Viện KSND TX Hà Tiên đề nghị xem xét lại kết luận điều tra.

3 lần giám định thương tật bị hại có kết quả khác nhau

Luật sư Thanh Tân cho rằng, căn cứ báo cáo số 03/BC-CAP ngày 25/09/2012 của Công an phường Pháo Đài đã xác định bà Chau Thị Lan và Hồ Văn Sương (tức Đậu) có dấu hiệu cố ý gây thương tích cho người khác. Cụ thể: Sương dùng cây tre móc đồ đầu có bịt sắt nhọn trong tiệm tạp hóa đánh anh Thành và bà Duyên trúng ở vai phải. Khi thấy bà Duyên đang xô xác với bà Lan, Sương dùng cây sắt tròn quơ đánh bà Duyên, bà Duyên đỡ bằng tay nên bị Sương đánh trúng bàn tay trái làm mẻ xương ngón IV. Như vậy có căn cứ xác định bà Lan, Sương có hành vi đánh bị hại và để lại hậu quả.

Vào ngày 17/9/2012, sau khi xảy ra sự việc, bị hại (bà Lâm Thị Mỹ Duyên) có đi giám định tại Trung tâm giám định Pháp y tỉnh Kiên Giang, tỷ lệ thương tích do bị can Lan và đồng bọn gây ra là 15%. Sau đó ngày 6/11/2012, CQĐT có quyết định trưng cầu giám định số 23/QĐTCGĐ, kết luật giám định ngày 30/11/2012 tỷ lệ thương tích là 10%. Ngày 4/1/2013, CQĐT có quyết định trưng cầu giám định bổ sung và ngày 17/1/2013 có kết quả xác định tỷ lệ thương tích mà bị can Chau Thị Lan gây ra cho bị hại còn 8% để làm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can là không đúng, không thuyết phục.

Đồng thời tại Kết luận giám định pháp y ngày 30/11/2012 xác định: Thương tích vùng mặt phải và ngực phải do vật có cạnh gây nên là không đúng. Vì quá trình điều tra đã chứng minh bị can Lan dùng khúc tre một đầu có gắn sắt nhọn dạng hình chữ Y (cây dùng để móc hàng hóa) là hung khí nguy hiểm có khả năng gây sát thương cao (xem là phương tiện nguy hiểm: là công cụ, vật dụng do con người tạo ra khi sử dụng nó tấn công vào người khác sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng sức khỏe). Cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng đây là tình tiết tăng nặng đối với bị can. Còn về cố tật: Thương tích vùng mặt phải để lại sẹo gây ảnh hưởng thẩm mỹ mức độ ít là không đúng. Nếu vết thương không được điều trị kịp thời sẽ để lại vết sẹo lớn, ảnh hưởng đến vẻ thẩm mỹ trên gương mặt "vết thương trên mặt phải dài 9cm".

Với nhận định trên, Luật sư cho rằng, kết quả giám định nêu trên là không phù hợp với thực tế khách quan, bởi một hành vi gây ra, để lại hậu quả là thương tích trên thân thể bị hại nhưng lại có tới 3 kết quả giám định khác nhau (lần 1: 15%;  lần 2: 10%; cuối cùng là 8%). Như vậy kết quả nào là đúng để làm căn cứ xử lý bị can và có tính thuyết phục đối với bị hại ?.

Một hành vi có đến... 3 kết quả giám định khác nhau.
Một hành vi có đến... 3 kết quả giám định khác nhau.
Một hành vi có đến... 3 kết quả giám định khác nhau.
Một hành vi có đến... 3 kết quả giám định khác nhau.

Bỏ lọt tội phạm ?

Cũng theo Luật sư Thanh Tân, tại kết luật điều tra, CQĐT không chứng minh được Hồ Văn Sương (tức Đậu) là người trực tiếp đánh bị hại là chưa làm hết chứng năng nhiệm vụ. Theo quy định bộ luật tố tụng hình sự: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng". Nếu Sương không đánh bị hại thì vết thương mẻ xương ngón IV bàn tay trái của bị hại là do ai gây ra? Đánh bằng vật gì?. Chi tiết này không được CQĐT chứng minh, điều tra làm rõ.

Tại bút lục 58, 59 bị hại khai: Lúc xảy ra đánh nhau giữa tôi và Lan thì có một thanh niên mặc quần jean đen và áo đen bẻ tay tôi ra phía sau và đánh tôi dập môi". Như vậy người thanh niên mặc quần jean, áo đen đó là ai? Tại sao CQĐT không điều tra, không lấy lời khai của những người đi cùng bị can Lan để làm rõ là thiếu sót, chưa đầy đủ.

Còn tại bút lục số 61 bị hại khai: "Thanh niên mặc đồ đen có xăm hai bên bắp tay và hai chân rồi bẻ tay tôi ra phía sau". Đồng thời lời khai của chị Lâm Thị Bích Hoàng (người làm chứng) tại bút lục 73: "Có một thanh niên mặc áo thun đen (người ốm, đen, bên mình và hai tay có hình xăm) không biết dùng vật gì đánh cô Duyên". Trong khi đó anh Nguyễn Công Thành (là người làm chứng và cũng là người bị đánh) khai: "Tôi đang ngồi ăn sáng ở trước nhà tôi thì có một nhóm người (4 người nữ, 2 người nam), trong đó có 2 thanh niên mặc áo thun trắng và áo nâu tôi chỉ biết mặt".

Theo Luật sư Tân, với những lời khai trên, có thể làm cơ sở để CQĐT tiến hành nhận dạng (Điều 139 BLTTHS) để xác định người thanh niên mặc áo đen là ai? Có tham gia đánh bị hại hay không? Nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện để chứng minh tội phạm là gây bất lợi cho bị hại.

Bị can chính trong vụ án Chau Thị Lan.
Bị can chính trong vụ án Chau Thị Lan.

Ngoài ra, lời khai của Hồ Văn Sương và lời khai của Lâm Văn Tấn có mâu thuẫn. Cụ thể Sương khai: "Sáng ngày 17/9/2012 tôi kêu Lâm Văn Tấn (tên thường gọi "Gú") chạy xe máy chở xuống chỗ Chau Thị Lan để coi việc Lan thương lượng trả nợ cho Duyên". Nhưng Lâm Văn Tấn khai: "Vào ngày 17/9/2012 tôi ở nhà, hôm đó tôi có gặp Sương tại quán cà phê anh Hải chỗ tôi làm thuê. Khi tôi đi gom vỏ chai thì Sương hỏi quá giang đến quán cơm Hiền, tôi đồng ý và chở đến quán cơm Hiền thì Sương xuống xe, tôi chạy qua Tô Châu gom vỏ bia". Như vậy, việc Lâm Văn Tấn đi đâu? Làm gì? Có ai thấy hay không? (nhân chứng thời gian?). CQĐT chưa chứng minh được Lâm Văn Tấn có phải là người thanh niên mặc áo đen "nhào vô khóa tay bị hại ra phía sau" hay không?. Bên cạnh đó, Hồ Văn Sương còn khai rằng: "Tại hiện trường đánh nhau có một người phụ nữ (vợ Điền, em dâu của Hoài) là Oanh chụp cây chân sắt của anh Thành đang cầm và chạy ra khu phố kêu Hoài đến. Như vậy vợ Điền có tham gia đánh bị hại hay không? cần phải được chứng minh?.

Luật sư Thanh Tân cho rằng, quá trình điều tra còn nhiều thiếu sót, chưa điều tra hết những tình tiết khách quan, chủ quan liên quan đến vụ án. Bị hại khai có tới 10 người (cả nam và nữ) kéo vào nhà chị Hoàng, nhưng lúc thì khai là 6 người (đi 3 xe). Nhưng tại sao CQĐT không chứng minh làm sáng tỏ số người đi cùng bị can Lan đi xe gì? Lúc đó ai là người vào trong nói chuyện và đánh bị hại? Ai ở ngoài xe?...

Qua những điều chưa được làm rõ trên, theo Luật sư Tân, cần tiến hành điều tra ai là người gây thương tích mẻ xương ngón IV bàn tay trái của bị hại Lâm Thị Mỹ Duyên? người đánh bị hại dập môi là ai?. Lời khai của Hồ Văn Sương, Lâm Văn Tấn còn mâu thuẫn ?. Cần điều tra làm rõ để chứng minh người thanh niên mặc quần jean, áo đen đó là ai?

Theo Luật sư Thanh Tân, trong quá trình điều tra vụ án, CQĐT đã bỏ lọt tội phạm (có nhiều đồng phạm). Do đó Luật sư đề nghị Viện trưởng Viện KSND TX Hà Tiên xem xét trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung theo quy định tại khoản 1, 2 điều 168 Bộ luật tố tụng hình sự.

Luật sư và bị hại (
Luật sư và bị hại (bìa phải) trong buổi làm việc với PV Dân trí. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trong khi đó, bà Lâm Thị Mỹ Duyên (bị hại) cũng cho biết, vụ việc này còn liên quan đến một người tên Thắng (được biết là chồng cũ của bị can Chau Thị Lan). Theo bà Duyên, trong ngày bà bị đánh, bà có tìm đến nơi làm việc của ông Thắng để đòi nợ. Tuy nhiên ông Thắng không trả và sau khi bà Duyên về đến nhà của người chị thì bị bà Lan kéo người đến đánh. Bà Duyên cho rằng, ông Thắng đã gọi điện cho bà Lan để thực hiện việc hành hung này. Do đó, bà cũng đề nghị CQĐT cần làm rõ.

                                                                                                Huỳnh Hải