"Lỗi vi phạm giao thông là của chủ xe, sao chiếc xe lại bị tạm giữ?"

PV

(Dân trí) - "Tạm giữ phương tiện làm tốn công sức trông giữ, lưu xe và làm ảnh hưởng tới sinh hoạt nhiều người dân. Trong khi đó, người vi phạm mới là chủ thể quyết định hành vi, vậy thu phương tiện để làm gì?".

Theo thông tin từ lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2023, đơn vị tạm giữ 42.731 phương tiện, trong đó phần lớn là ô tô (4.713 xe), xe máy (37.560 xe) và xe máy điện (326 xe). Bên cạnh đó, phòng cũng tạm giữ hàng trăm loại phương tiện khác.

Vị lãnh đạo cho biết trong thời gian qua, với việc đẩy mạnh xử lý vi phạm nồng độ cồn, lượng phương tiện tạm giữ tăng cao. Trong đó, nhiều trường hợp bỏ phương tiện, không chấp hành xử phạt do mức phạt cao, vượt quá giá trị phương tiện dẫn đến tăng số lượng xe vi phạm, gây áp lực lên các bãi tạm giữ phương tiện ở Hà Nội.

Không chỉ Hà Nội, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại một đô thị lớn khác là TPHCM. Điều này khiến nhiều độc giả cho rằng đã tới lúc cần thay đổi phương pháp giải quyết đối với người và phương tiện vi phạm nhằm giảm tải áp lực công việc cho lực lượng chức năng, tránh tình trạng lãng phí tài sản cũng như phòng ngừa những rủi ro không đáng có tại các bãi giữ xe.

Lỗi vi phạm giao thông là của chủ xe, sao chiếc xe lại bị tạm giữ? - 1

Kho tạm giữ phương tiện Hà Anh, ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một trong những bãi tạm giữ xe vi phạm được Phòng CSGT, Công an Hà Nội sử dụng (Ảnh: Tiến Thanh).

Cái xe vi phạm hay chủ xe vi phạm?

Nêu quan điểm cá nhân trước tình trạng trên, độc giả Quocdinh Vo viết: "Cần xem xét trên cơ sở sau: Cái xe vi phạm hay người điều khiển xe vi phạm? Xe là một vật thể, không thể vi phạm, vậy giữ xe để làm gì, để gây áp lực lên chủ xe hay sao? Chỉ nên xử lý người điều khiển phương tiện bởi đó là cái gốc. Cần xem xét lại, bởi biện pháp tăng tiền phạt vi phạm song song với việc giữ phương tiện sẽ khiến tình trạng bỏ xe ngày càng nhiều".

Cũng trong luồng quan điểm trên, người dùng Thanh Tony nhìn nhận việc tạm giữ xe là cứng nhắc, không cần thiết, bởi bản chất việc tạm giữ giấy phép lái xe đã là biện pháp hạn chế người vi phạm tham gia giao thông. "Không nhất thiết phải áp dụng cứng nhắc việc tạm giữ xe như một hình thức xử phạt, bởi chính người điều khiển mới cần bị xử lý. Ngoài phạt tiền, họ đã bị tịch thu giấy phép lái xe, tức hạn chế quyền điều khiển phương tiện. Phương tiện vốn là vật vô tri, không thể tự vi phạm, việc tạm giữ là không cần thiết", độc giả này bình luận.

Tương tự, chủ tài khoản Astec Scale viết: "Rất lãng phí và bất hợp lý. Người vi phạm chứ phương tiện không vi phạm. Nếu xe chỉ vi phạm lỗi thông thường thì phạt luôn một lần bao gồm cả chi phí lưu kho tính theo ngày luôn và cho phương tiện về".

Còn với người dùng có nickname Dangiau, độc giả này cho rằng việc tạm giữ hiện nay không chỉ gây lãng phí, mà còn làm ảnh hưởng tới việc mưu sinh, kinh tế của nhiều người dân và gia đình. Chủ tài khoản bình luận: "Những phương tiện lưu bãi lâu chủ yếu là xe cũ xấu, xe của người lao động nghèo. Khi xử lý, chỉ riêng giữ giấy tờ và phạt tiền là họ đã rất sợ, "vã mồ hôi hột" rồi. Giữ xe chất đống, dầm mưa dãi nắng, của cải nào chống đỡ được, có lấy được về cũng hỏng hóc, lãng phí kinh khủng. Trong khi đó, dù không có giá trị về mặt tài sản nhưng mỗi cái xe cũ đó là kế sinh nhai hàng ngày của bao nhiêu con người, bao nhiêu miệng ăn. Tạm giữ xe chẳng khác nào giữ cái "cần câu cơm" hàng ngày của họ và cả gia đình họ".

"Sai lầm khi thu phương tiện, bởi phương tiện đâu có lỗi, chưa kể tạm giữ lại gây ra tốn công sức trông giữ, lưu xe, gây mất mặt bằng và làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của nhiều người dân. Trong khi đó, người vi phạm mới là chủ thể quyết định hành vi, vậy thu phương tiện để làm gì? Phương tiện vi phạm có phải khẩu súng hay vũ khí đâu mà cần thu? Nên tăng xử phạt, tịch thu bằng lái và kiểm soát tốt người vi phạm thay vì tạm giữ phương tiện như hiện nay", ý kiến cảm nhận từ độc giả Cuong.

Cũng cho rằng việc tạm giữ hiện nay đang gây ra sự lãng phí lớn, chủ tài khoản But nêu quan điểm: "Nếu thu thì thu hẳn, tạm giữ xe chỉ làm tăng chi phí, không giảm được vi phạm".

"Vi phạm luật giao thông là lỗi con người, xe là vật vô tri vô giác, nó có lỗi đâu mà bị "giam"? Từ lâu tôi đã thấy việc người vi phạm luật giao thông ngoài bị phạt còn bị giam phương tiện là không ổn. Nếu chỉ là vi phạm hành chính đơn thuần, có thể xem xét tăng mức phạt và bỏ biện pháp tạm giữ xe. Mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét nghiêm túc vấn đề này", anh Duy Minh Phan bình luận.

Lỗi vi phạm giao thông là của chủ xe, sao chiếc xe lại bị tạm giữ? - 2

Hàng chục nghìn phương tiện vi phạm chất đống trong các bãi xe tang vật ở TPHCM (Ảnh minh họa: Hải Long).

Giải pháp nào cho các bãi giữ xe?

Bên cạnh những quan điểm phản biện, nhiều giải pháp cũng được độc giả "hiến kế" để giải quyết tình trạng trên. Độc giả NhatLam viết: "Các xe có giá trị lớn cần sớm đưa vào đấu giá để tăng thu ngân sách, còn các xe có giá trị thấp có thể xem xét chuyển lên vùng cao, tặng bà con nông dân đi rẫy, chở lúa, ngô".

Chung góc nhìn, người dùng Huynh Dung bình luận: "Nên xem xét sau tối đa bao lâu người vi phạm không đến giải quyết thì có thể thanh lý, bán cho người nghèo giá rẻ hoặc đưa vào nhà máy xử lý xe cũ, tránh tạm giữ quá lâu dẫn tới hư hỏng, lãng phí không gian bãi xe và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Việc xử lý mạnh tay cũng sẽ giúp thanh lọc xe quá hạn sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường".

"Có thể phối hợp công an sở tại thực hiện khóa bánh xe tại nhà (Chủ xe vẫn thích hơn vì không gây hư hại). Cơ quan chức năng chỉ cần giữ toàn bộ giấy tờ xe, giấy phép lái xe hay thậm chí cả biển kiểm soát và quy định thời hạn nộp phạt. Nộp phạt sớm giảm 50%, nếu chậm trễ tăng 50% giá trị tiền phạt", chủ tài khoản Tay Nguyen nêu giải pháp.

Cũng ủng hộ việc đưa xe vi phạm về địa phương để quản lý, tránh lãng phí tại bãi giữ xe, anh Đậu Xuân Giáo đưa ý kiến: "Khi xử lý vi phạm, sau khi thực hiện đầy đủ thủ tục, nên báo về địa phương để công an sở tại đóng dấu niêm phong. Khi nào chủ xe thực hiện xong việc nộp phạt thì cho lưu thông. Việc giữ xe chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, áp dụng với những phương tiện là tang vật trộm cắp hoặc trong trường hợp người vi phạm cố tình chống đối, bỏ chạy. Sau 15-20 ngày, nếu chủ xe không tới giải quyết thì thực hiện đấu giá nhanh gọn, xung công quỹ Nhà nước. Chứ cứ giữ mãi vừa lãng phí, để lâu thành đống rác vô giá trị, ô nhiễm môi trường".

"Giờ có định danh cá nhân rồi, mọi thứ nên quản lý theo hệ thống và đúng luật định. Những trường hợp chây ì, chống đối, không chấp hành nộp phạt thì khấu trừ thẳng số tiền đó vào tiền tài khoản cá nhân hoặc đánh thẳng vào dịch vụ, tiện ích xã hội như giáo dục, y tế. Thậm chí có thể tính điểm công dân, áp dụng các chế tài thật nghiêm sẽ quản lý được hết", độc giả Cuong Nguyen ủng hộ việc áp dụng các chế tài mạnh tay hơn để giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Hoàng Linh (tổng hợp)