1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Người vi phạm bỏ xe làm tăng áp lực lên các bãi tạm giữ

Trần Thanh

(Dân trí) - Khi bị CSGT thông báo mức xử phạt, một số tài xế cho rằng, số tiền nộp phạt vượt quá giá trị chiếc xe nên họ bỏ xe. Điều này cũng làm tăng áp lực lên các bãi tạm giữ phương tiện ở Hà Nội.

Khi số tiền xử phạt vượt quá giá trị xe

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Phòng CSGT, Công an Hà Nội cho biết, trong năm 2023, đơn vị này đã tạm giữ 42.731 phương tiện. Trong đó, ô tô là 4.713 chiếc; xe máy là 37.560 chiếc; xe máy điện là 326 chiếc; phương tiện khác gồm 117 xe; xe ba bánh là 15 chiếc.

Người vi phạm bỏ xe làm tăng áp lực lên các bãi tạm giữ - 1

Kho tạm giữ phương tiện Hà Anh, ở thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), một trong những bãi tạm giữ xe vi phạm được Phòng CSGT, Công an Hà Nội sử dụng (Ảnh: Tiến Thanh).

Theo Phòng CSGT, Công an Hà Nội trong thời gian qua, số lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ tại Hà Nội tăng cao, điều này gây ảnh hưởng tới quá trình tạm giữ các phương tiện vi phạm, tăng các thủ tục hành chính đối với công tác tạm giữ.

Ngoài ra, trong đợt cao điểm xử lý nồng độ cồn vừa qua, vẫn còn các trường hợp người dân bỏ phương tiện, không chấp hành việc xử phạt.

Người vi phạm bỏ xe làm tăng áp lực lên các bãi tạm giữ - 2

Cảnh sát giao thông niêm phong một xe máy vi phạm (Ảnh: Trần Thanh).

Lý do những người vi phạm đưa ra chủ yếu là, mức tiền xử phạt hành chính vượt quá giá trị chiếc xe của họ. Điều này cũng làm tăng số lượng xe vi phạm, gây áp lực lên các bãi tạm giữ phương tiện ở Hà Nội.

Theo cơ quan chức năng, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề sẽ không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ sẽ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Người vi phạm bỏ xe làm tăng áp lực lên các bãi tạm giữ - 3

Lực lượng chức năng cho biết, do một số người có tâm lý bỏ phương tiện khi giá trị của xe nhỏ hơn số tiền phạt vi phạm, điều này làm tăng số lượng xe bị tạm giữ (Ảnh: Tiến Thanh).

Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, mà không có lý do chính đáng, cơ quan chức năng quyết định tạm giữ sẽ thông báo cho họ 2 lần.

Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ 2, nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý, hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, lực lượng chức năng sẽ ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Sau đó mới tiến hành các quy định để mang ra đấu giá, từ đó giảm áp lực cho các bãi tạm giữ xe vi phạm.

Người vi phạm bỏ xe làm tăng áp lực lên các bãi tạm giữ - 4

Xe của người vi phạm được niêm phong đưa về trụ sở Đội CSGT Nam Sài Gòn, tạm giữ phương tiện theo quy định của pháp luật (Ảnh: Trần Đạt).

Cơ quan chức năng cũng cho biết, nếu người vi phạm bị áp dụng biện pháp tạm giữ xe, mà không đến đóng phạt trong thời hạn quy định, sẽ bị tịch thu phương tiện. Nếu sau này, người đó tiếp tục vi phạm, ngoài việc bị xử phạt, thì người đó còn phải chấp hành quyết định xử phạt đã có hiệu lực trước đó, thì mới được xem là hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Xử lý xe vi phạm không người nhận như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Vũ Thị Nga, Văn phòng luật sư Công Lý Việt, cho biết đối với tang vật, xe vi phạm hành chính bị tạm giữ và khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, hợp pháp không đến nhận, không có lý do chính đáng, được xử lý như sau:

Nếu xác định được người vi phạm, chủ sở hữu của tang vật, phương tiện đó, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 2 lần. Lần thông báo thứ nhất được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

"Khi hết thời hạn 1 tháng kể từ ngày thông báo lần thứ hai, nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính", luật sư Nga nói.

Cũng theo luật sư, trong trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu hợp pháp của tang vật, phương tiện, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Quy trình ra thông báo cũng như trường hợp nói trên.

Luật sư Nga cho biết thêm, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật, bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.